Các chàng trai robot và chuyến đi tới đất nước thần kỳ – Israel

Ngày đăng: 21/09/2017

Ngày cập nhật: 21/10/2021

Ngày đăng: 21/09/2017

Ngày cập nhật: 21/10/2021

Tác giả: Phạm Hoa

Đặt chân đến Israel ư? Có lẽ đó là điều mà trước nay 8 chàng trai robot của THPT FPT chưa từng nghĩ đến. Ấy vậy mà hè vừa rồi các bạn đã có cơ hội thực hiện điều đó. Cùng khám phá xem chuyến đi có gì thú vị nhé!

Không chỉ được biết đến như một khu vực chính trị bất ổn ở vùng Trung Đông, Israel còn được mệnh danh là một quốc gia thần kỳ. Từ sa mạc hoang vu, từ tro tàn của những cuộc chiến, từ lịch sử đau thương hơn hai nghìn năm vong quốc, người Isarel đã làm nên nhiều thành tựu về nông nghiệp, công nghệ, kinh tế… khiến cả thế giới phải sửng sốt. Mảnh đất này chứa đựng cả những điều hiểm nguy khiến người ta ngần ngại, e sợ, vừa chứa những điều kì bí, những con số đáng ngưỡng mộ thôi thúc trí tò mò. Chính vì thế, khi nhận được lời mời từ Đại sứ quán Israel đến tham gia giao lưu học tập, truyền cảm hứng về robot và khởi nghiệp, các FSchooler vô cùng ngạc nhiên, thậm chí là “không thể tin nổi”.

Chuyến đi bao gồm 8 thành viên của CLB về robot FRIT – FPT School Robotics & Information Technology (Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Tuấn Hà, Nguyễn Đức Dũng, Dương Thanh Long, Phan Tiến Mạnh, Phương Xuân Thanh Đức, Vũ Minh Đức) do cô Phùng Thị Hiên là trưởng đoàn.

thpt-fpt-hoc-sinh-tham-israel-11

Đoàn Việt Nam bao gồm 3 team: THPT FPT, Hà Nội Amsterdam, trường chuyên Đại học Khoa học tự nhiên. (Ảnh: Green Blitz)

thpt-fpt-hoc-sinh-tham-israel-12

8 thành viên nhận giấy chứng nhận sau chuyến đi.

Ngoài nhóm học sinh THPT FPT, team Việt Nam còn có các bạn trường Hà Nội Amsterdam, trường chuyên Đại học Khoa học tự nhiên đến giao lưu cùng bạn bè quốc tế. Trong 8 ngày, các FSchooler đã có nhiều khám phá thú vị về văn hóa và con người Israel bên cạnh những kiến thức mới mẻ, hấp dẫn.

“Con người Israel vừa tò mò vừa thân thiện”

Đó là nhận xét của bạn Nguyễn Giang Nam – phó Chủ tịch kiêm phụ trách kỹ thuật của FRIT – trong chuyến đi vừa rồi. Khi nhóm bạn Việt Nam đi trên đường phố, không chỉ mỉm cười hay vẫy chào, người dân trực tiếp đến thăm hỏi, có điều gì các bạn không hiểu họ sẽ giải đáp luôn. Điều này khiến cho 8 anh chàng FSchooler cùng với các bạn khác trong đoàn vừa bỡ ngỡ vừa thấy thú vị. Giang Nam nói: “Khi có sự tò mò về việc gì, người Israel muốn giải đáp luôn chứ không thích suy đoán.

thpt-fpt-hoc-sinh-tham-israel-6

Một góc phố bình yên. (Ảnh: Khắc Hiếu)

thpt-fpt-hoc-sinh-tham-israel-7

 Nụ cười và cây súng – hình ảnh quen thuộc ở Israel. (Ảnh: Khắc Hiếu)

Hai cậu bạn Dương Thành Long và Phan Thế Mạnh – thành viên của FRIT – cũng có kha khá bất ngờ với sự khác nhau giữa Israel mà các bạn biết qua sách báo truyền hình với Israel trong thực tế. Con người hòa đồng thân thiện, đất nước yên bình phát triển, văn hóa – ẩm thực đặc sắc.

thpt-fpt-hoc-sinh-tham-israel-8

Còn đối với bạn Nguyễn Đức Dũng – tân Chủ tịch FRIT – kiến thức của cậu bạn về văn hóa Israel chỉ dừng lại ở mức biết qua truyền thông. Khi đặt chân lên đất nước Do Thái này rồi, cậu bạn mới cảm nhận rõ được sự khác biệt. “Con người Israel rất thông minh, biết cách giải quyết các vấn đề một cách logic.” Dũng còn choáng ngợp đối với sự phát triển của Israel, “Dù biết là nước họ rất phát triển nhưng em không nghĩ lại phát triển đến thế! Israel phát triển hơn Việt Nam, hơn các quốc gia khác em từng đặt chân đến rất nhiều.”

Ngoài những giờ học tập say mê hăng hái, các bạn học sinh còn được đi tham quan đến những địa danh nổi tiếng thế giới như Biến Chết, pháo đài Masada – di sản văn hoá thế giới. Do điều kiện không cho phép, chỉ cô Hiên và bạn Khắc Hiếu có cơ hội đến thăm vùng đất thánh Rejusalem (xem thêm chùm ảnh về Rejusalem của Hiếu được đăng trên báo Lao Động tại đây). Những trải nghiệm mới lạ và độc đáo này khiến chuyến đi của các FSchooler trở nên đáng nhớ hơn bao giờ hết.

Thành Long kể: “Trong chuyến đi đến Biển Chết, chúng em khá là bất ngờ vì biển sạch và trong. Chúng em còn được xuống biển bơi, cả người đều nổi lên trên mặt nước, khá thú vị!

thpt-fpt-hoc-sinh-tham-israel-5

Trải nghiệm đáng nhớ với Biển Chết. (Ảnh: Khắc Hiếu)

Giang Nam thì lại hóm hỉnh chia sẻ “kinh nghiệm” của mình: “Đừng bao giờ xuống biển khi không đi dép!” Theo cậu bạn, cả bề mặt Biển Chết đều là muối, nên khi xuống biển cảm giác giống như giẫm chân vào vùng nước nóng 40 độ trên một sàn muối. Rất rát! “Đồng thời, vì nước nâng cơ thể nổi lên sẵn rồi nên chỉ cần một dòng hải lưu nhỏ cũng khiến mình bị ngã.

Cậu bạn Đức Dũng còn có trải nghiệm thú vị hơn khi đi mua hàng. “Hôm đó em ra ngoài đổi tiền, em đã được chứng kiến văn hóa giao thông đầy ý thức của người dân nơi đây. Họ tự động dừng lại nhường đường cho người qua đường chứ không cần phải đợi đèn tín hiệu. Sau đó, em vào một tiệm bánh, họ không chỉ giới thiệu món ngon nhất mà còn cho em ăn thử. Em chọn xong kha khá món rồi, ra tính tiền thì lại được tặng miễn phí. Họ nói, vì em là du khách mới đến nên em chỉ cần đăng hình ảnh này lên Facebook thôi, họ đã cảm thấy rất vui rồi!” Không chỉ tiệm bánh ấy, theo lời kể của Dũng, các cửa hàng khác cũng nhiệt tình và tốt tính như vậy. Người dân Israel hỏi han rất chân thành, giúp đỡ các bạn trẻ rất nhiều.

Israel – 8 ngày chưa bao giờ là đủ

Nếu không kể quãng đường bay dài 2 ngày, 8 bạn trẻ FSchool và hơn 20 học sinh quốc tế khác, đã có 8 ngày để học tập, giao lưu kiến thức về robot và khởi nghiệp cũng như trải nghiệm văn hóa và cuộc sống ở Israel.

Ngoài một số ngày được đi khám phá đất nước Do Thái, hầu hết thời gian các FSchooler đều trải qua ở phòng làm việc. Sáng 8 giờ 30 bắt đầu, 12 giờ trưa đi ăn, 1 giờ chiều quay lại học tập cho đến 4 giờ chiều mới nghỉ.

thpt-fpt-hoc-sinh-tham-israel-3

Cô bạn Israel có vốn kiến thức và kinh nghiệm đáng nể, tận tình hướng dẫn cho những người bạn cùng trang lứa. (Ảnh: Khắc Hiếu)

thpt-fpt-hoc-sinh-tham-israel-4

Trước đây cô bạn vốn thuộc ban Truyền thông, nhưng đến khi phải chuyển sang làm Kỹ thuật, ai cũng phải bất ngờ với khả năng của cô ấy. Giang Nam thừa nhận: “Bạn ấy giỏi hơn đa số chúng em”. (Ảnh: Khắc Hiếu)

Trong những ngày đầu tiên, các FSchooler được các bạn của đội robotic Green Blitz (trường Hakfa Hayarok) hướng dẫn những kiến thức cơ bản về cấu tạo của một con robot, như các bước làm một con robot, cách sử dụng các công cụ chuyên nghiệp như cưa, khoan và một số dụng cụ đục lỗ khác; cũng như học lập trình robot cơ bản. Ban tổ chức còn tổ chức trao đổi kinh nghiệm và kiến thức thông qua Skype với một đội robotics nhiều kinh nghiệm ở Mỹ.

Các bạn Israel cung cấp những kiến thức cơ bản sau đó các bạn Việt Nam được chia nhóm ngẫu nhiên với học sinh đến từ các nước khác như Hongkong, Thụy Điển. Mỗi nhóm sẽ nghiên cứu các vấn đề khác nhau và lần lượt trình bày, trao đổi giữa các nhóm cũng như tạo ra những con robot có sẵn tham gia cuộc tranh tài.

thpt-fpt-hoc-sinh-tham-israel-9

Các bạn được chia nhóm để nghiên cứu và lắp ráp robot tranh tài trong một cuộc thi nhỏ. (Ảnh: Green Blitz)

Giang Nam cho biết: “Thiết kế robot khó khăn hơn những gì em trải nghiệm qua cuộc thi The First Global Challenge. Thiết kế robot không đơn thuần nhặt các mảnh lắp vào nhau như lego, nó là cả một quá trình bàn chiến thuật, chọn lọc các chi tiết mình muốn hay không muốn và tối ưu hóa, mình cần làm việc theo đúng quy trình, theo module chứ không phải làm đến đâu lập trình đến đó.”

“Vào những ngày cuối, bọn em còn thường làm việc cả buổi tối, đến 9 giờ mới nghỉ để lắp ráp robot. Các bạn Israel đều rất nhiệt tình! Những giờ giải lao, chúng em có thể đến trò chuyện và trao đổi thêm về những kiến thức liên quan đến robot. Họ luôn ủng hộ và hoan nghênh việc đó!”  – Thế Mạnh hào hứng cho biết

Đối với các bạn trẻ say mê khoa học mà nói, 8 ngày chưa đủ để thỏa mãn khao khát học hỏi những điều hay, tuy nhiên những kiến thức ấy cũng đủ để xây dựng cho các bạn một nền tảng vững chắc để tiếp tục xây dựng, phát triển một câu lạc bộ về robot.

Clip ghi lại cảm nhận của các bạn trẻ sau chuyến giao lưu học hỏi tại Israel do Green Blitz thực hiện (có phụ đề tiếng Anh)

Bên cạnh các kiến thức về robot, các FSchooler còn được truyền cảm hứng về khởi nghiệp từ một bạn trẻ Israel xấp xỉ tuổi các bạn nhưng đã start-up thành công và đang làm chủ một thương hiệu về những món đồ công nghệ. Dù thời lượng không nhiều nhưng các bạn trẻ đã học được một bài học quý báu: “Khi có vấn đề xảy ra, thay vì chấp nhận nó hãy thử thay đổi và tìm cách khắc phục vấn đề. Đấy là một trong những bí quyết để start-up thành công cũng như khiến cho cuộc sống tốt đẹp hơn.”

Trong ấn tượng của 8 chàng trai FRIT, các bạn trẻ Israel đã tìm ra và phát triển đam mê về công nghệ từ rất sớm, thậm chí là từ khi 6-7 tuổi, môi trường học tập của đất nước này luôn tạo điều kiện để phát triển tài năng và đam mê. Vì vậy khi đến độ tuổi thiếu niên các bạn làm việc chững chạc và rất chuyên nghiệp. Tiến Mạnh kể cậu bạn Israel mà Mạnh trò chuyện đã giành 3 tháng hè ở lại trường tìm ra vấn đề của con robot, để sau khi cả đội quay lại sẽ cũng xử lý vấn đề một cách nhanh nhất.

Thay vì những kiến thức khô khan trong sách vở, các bài học, nghiên cứu của bạn bè Israel đa phần thiên về thực hành và ứng dụng vào đời sống như lau nhà, tưới tiêu, giao thông… Các chàng trai cũng đồng quan điểm rằng, người Israel không những thông minh mà còn có những cách học tập nghiên cứu logic và hiệu quả.

Tình bạn không khoảng cách

Hành trình trải nghiệm tại Israel trong 8 ngày không chỉ mang về cho cho các chàng trai FRIT kho kiến thức vô tận, những trải nghiệm văn hóa thú vị mà còn cả những người bạn cùng chung đam mê.

Đức Dũng có quan hệ rất tốt với một người bạn đến từ Hongkong. Cậu bạn này nói tiếng Anh tốt như người bản địa vậy, điều đó đã gây rất nhiều cảm tình cho Dũng.

Thành Long thì lại ấn tượng với các bạn Israel ngay ngày đầu tiên đặt chân đến đây. Lúc cả đoàn đến Israel thì cũng đã muộn nhưng vẫn có hai bạn đến đón và hướng dẫn rất tận tình. “Càng về sau, em càng coi họ như những người bạn thật sự của mình.” – Long nói.

thpt-fpt-hoc-sinh-tham-israel-10

Chuyến đi có ý nghĩa lớn lao, thôi thúc các bạn học tập, nghiên cứu hơn nữa. (Ảnh: Green Blitz)

Đối với Thế Mạnh, cậu bạn ấn tượng với cách làm việc của các bạn Israel rất nhiều. Cậu bạn đã bỏ lỡ một buổi học vì sức khỏe không tốt, đến khi quay lại thì chẳng hiểu gì mấy. Nhưng một người bạn Israel đã chỉ dẫn lại nội dung bài học ấy cho Mạnh một cách tận tình, giúp cậu bạn theo kịp được tiến độ của cả đoàn. Cậu bạn luôn cảm kích người vì sự giúp đỡ chu đáo này!

Nói về các bạn học sinh cùng đoàn đến từ THPT chuyên Amsterdam Hà Nội và THPT chuyên Tổng hợp, các bạn trẻ khá hào hứng. Đức Dũng cho biết, FRIT đã có quen biết trước với một số Amser, do đó các bạn dễ bắt chuyện với nhau hơn. Đối với các bạn trẻ trường Tổng hợp, Dũng tiết lộ, trong thời gian tới FRIT sẽ tổ chức một buổi giao lưu với CLB robot trường Tổng hợp ngay sau khi CLB này thành lập xong và đi vào hoạt động ổn định. Trong quá trình học tập ở Israel, các bạn trẻ đến từ 3 trường đã làm việc với nhau khá ăn ý, từ đó xây dựng nên một tình bạn vững bền.

Kết

Sau cuộc thi robot tại Mỹ, chuyến giao lưu và học hỏi tại Israel là một dấu mốc quan trọng đối với CLB robotics của FSchool nói chung, với mỗi thành viên nói riêng. Không chỉ mở mang tầm nhận thức về một đất nước khác, học thêm nhiều kỹ năng, kiến thức về làm robot chuyên nghiệp, về cách tổ chức, quản lý câu lạc bộ, tình bạn của các chàng trai càng thêm gắn kết. Trong tương lai không xa, FRIT sẽ thực hiện giao lưu với một số trường bạn để truyền lại cảm hứng về robot và khoa học công nghệ cho những bạn trẻ khác. Đồng thời, chủ nhiệm Đức Dũng cũng có tham vọng trang bị và rèn luyện cho các thành viên mới của CLB mình đầy đủ các kỹ năng và khả năng cần thiết để tham gia vào các đấu trường robot trong và ngoài nước.

Bài: Tường Vi

 

Tin cùng chuyên mục