Chuyện đau bụng khi đến tháng

Click vào ĐÂY để nghe bản Radio

Thưa cô, khi đến tháng em thường bị đau bụng kinh, vì đau quá và không chịu được nên em thường uống thuốc giảm đau, liệu uống thuốc giảm đau có hại đến sức khỏe không ạ?

Học sinh nữ, lớp 11

Em thân mến,

Đau bụng kinh là hiện tượng mà nhiều bạn gái gặp phải từ khi dậy thì. Trải nghiệm cơn đau dữ dội quả là không dễ dàng với bất kỳ ai, nên nhiều bạn trong trường hợp của em cũng phải dùng giải pháp cứu cánh là thuốc giảm đau. Tuy nhiên, nên dùng hay không dùng thuốc giảm đau trong tình huống này là câu chuyện mà cô trò mình cần thảo luận để em đưa ra được quyết định phù hợp cho mình.

Vì ngưỡng chịu đau của mỗi người là khác nhau, nên thật khó để cô hiểu rõ cảm nhận mà em trải qua trong những ngày có kinh. Song, nếu em thấy hiện tượng đau bụng kinh không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt, học tập của mình thì đó không phải là điều đáng lo lắng. Bởi trong thời kỳ này, ít nhiều các bạn gái cũng có cảm giác mệt, khó chịu, đau nhẹ ở vùng bụng dưới hoặc đau mỏi lưng…

Tuy nhiên, nếu em đau bụng ở mức độ cao, dữ dội, ảnh hưởng đến việc học và sinh hoạt thường ngày, đồng thời việc đau bụng diễn ra thường xuyên thì cần phải xem xét đến các nguyên nhân của hiện tượng này. Đau bụng kinh có thể do sự co thắt quá độ của tử cung hay do tử cung co thắt không bình thường, khiến cơ nhẵn tử cung bị thiếu máu, dẫn đến co thắt, thậm chí co rút cơ tử cung, từ đó xuất hiện hiện tượng đau bụng kinh; hoặc do hàm lượng chất prostaglandin (PG) trong máu kinh nguyệt và nội mạc tử cung tăng cao bởi chính chất Prostaglandin E2 (PGE2) làm tử cung co thắt.

Ngoài ra, hiện tượng lạc nội mạc tử cung cũng khiến bạn gái bị đau khi hành kinh. Bởi lúc này, những mảnh nội mạc bị lạc (nội mạc tử cung vốn ở trong tử cung và sẽ bong ra, chảy ra ngoài tạo thành máu kinh. Nhưng những mảnh nội mạc này lại nằm vị trí khác ngoài tử cung như buồng trứng, khoang bụng…thì được gọi là lạc nội mạc), không thể tống ra ngoài mà bị giữ lại ở điểm nó đã bị lạc tới đó, phát triển tạo nên các cơn đau.

Như vậy, hiện tượng đau bụng khi hành kinh có nguyên nhân sinh lý (như do tăng lượng prostaglandin), nhưng cũng có thể do nguyên nhân bệnh lý (như lạc nội mạc tử cung). Để biết chính xác em có bị đau do bệnh lý hay không và có nên dùng thuốc giảm đau không thì cần thông qua khám trực tiếp mới có thể biết được.

Nếu em dùng thuốc giảm đau trong trường hợp đau do bệnh lý thì vừa hại sức khoẻ, vừa không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của nó. Nếu em chỉ bị đau sinh lý, nhưng mức độ đau quá dữ dội, ảnh hưởng đến sinh hoạt học tập, thậm chí em có thể bị hạ huyết áp, ngất lịm đi sẽ dẫn đến các nguy cơ khó lường. Trong trường hợp này, mặc dù thuốc giảm đau có tác dụng phụ như dùng nhiều, dùng thường xuyên gây nguy cơ viêm loét dạ dày… bác sỹ có lẽ vẫn sẽ hướng dẫn cho em dùng thuốc giảm đau. Vì cân nhắc giữa hai cái bất lợi, họ sẽ chọn cái ít bất lợi hơn. Tuy nhiên, dùng như thế nào và liều lượng ra sao, bác sỹ sẽ chỉ định chứ mình không tự ý sử dụng em nhé.
Ngoài ra, để giảm đau, em có thể tham khảo một số bài tập sau:
Chườm nước nóng
Dùng khăn bông dấp nước ấm và chườm vào phần bụng dưới sẽ giúp bạn bớt đau bụng khi tử cung co thắt để đẩy lượng máu kinh ra ngoài. Ngoài ra, có thể dùng chai thủy tinh nhỏ đựng nước ấm và lăn hoặc ấp vào phần bụng dưới thay cho khăn nóng.
Đắp gừng tươi
Gừng giã hoặc xắt lát, chườm vào phần bụng dưới khoảng 5-7 phút sẽ giúp bạn giảm những cơn đau bụng kinh.
Dán cao hoặc xoa dầu
Một số bạn nữ thường xoa dầu nóng hoặc dán cao vào phần bụng dưới để giảm đau vì không có thời gian thực hiện hai phương pháp trên.
Massage nhẹ
Nên massage nhẹ nhàng và thường xuyên phần bụng dưới khi đang hành kinh. Việc này sẽ giúp cơ bụng không bị co thắt quá đột ngột và sẽ giảm đau thật hiệu quả.
Ngoài ra, để giảm bớt hiện tượng đau bụng mỗi khi hành kinh, em nên ăn uống đầy đủ, phong phú các chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả tươi hơn để tăng sức đề kháng, giảm cảm giác đau mỏi, khó chịu. Nên hạn chế các chất kích thích như café, trà, và một số gia vị cay, chua…
Hy vọng những thông tin trên đây hữu ích với em phần nào.Chúc em sức khoẻ và nhiều niềm vui!

Phụ nữ là kiệt tác của vũ trụ – G.Let – Xinh –

PHỤ TRÁCH CHUYÊN MỤC

Cô Phùng Hiên – Thạc sĩ tư vấn tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên

Liên hệ tư vấn trực tiếp:
Phòng PDP – Phòng 106, tòa nhà Beta

Hoặc qua kênh online:

 https://www.facebook.com/phung.hien.18

 [email protected]

 

Ngày đăng: 16/03/2018

Ngày cập nhật: 26/03/2018

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2023 - 2024

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh