Để mạng ảo không làm bạn chao đảo

Ngày đăng: 01/05/2019

Ngày cập nhật: 04/05/2019

Ngày đăng: 01/05/2019

Ngày cập nhật: 04/05/2019

Tác giả: Phạm Hoa

Mạng xã hội mở ra một đại dương bao la những điều mới lạ mà trước đó chúng mình chưa hề biết. Tuy nhiên biển rộng thì sóng cũng to, và những tai nạn trên mạng xã hội thậm chí còn nguy hiểm hơn ngoài đời thực đó. Vì thế chúng mình hãy chuẩn bị “áo phao” đầy đủ, chắc chắn để có thể tự tin bơi qua đại dương mạng xã hội mà không còn lo sợ nhé. 

Nghe bản radio tại đây

1. Tip 1: Giữ thông tin riêng tư

Đừng chia sẻ thông tin cá nhân: số điện thoại, địa chỉ hoặc trường với người bạn quen qua mạng. Nếu nghi ngờ, hãy hỏi bản thân rằng họ cần những thông tin đấy làm gì?
Luôn cài đặt chế độ riêng tư các tài khoản trên mạng xã hôi để bảo vệ dữ liệu của bản thân. Tuyêt đối không công khai số điện thoại, địa chỉ nhà riêng… lên các trang mạng xã hội.

Ví dụ: Qua faceboook

Thông qua phím tắt về quyền riêng tư “Privacy Shortcuts” cậu có thể kiểm tra nhanh chế độ cài đặt quyền riêng tư bằng kiểm tra quyền riêng tư nhanh “Privacy check-up”

Cậu còn có thể chỉnh: ai có quyền xem bài đăng của mình bằng cách chọn người bạn (friend) mà cậu muốn họ có thể xem bài từ danh sách bạn bè); ai có thể tương tác với cậu (chế độ bạn bè của bạn bè sẽ phù hợp hơn chế độ “mọi người” (everyone). Đồng thời, đừng chấp nhận yêu cầu kết bạn từ người lạ và cậu có thể ngăn chặn ai đó làm phiền mình bằng cách sử dụng chức năng chặn người dùng (block people)

Cậu có thể chọn thông tin hiển thị trên dòng thời gian của chính mình. Bật tính năng “kiểm soát bạn bè gắn thẻ tên” (review post that friends tag you in) (dùng phím tắt bảo mật -> xem thêm cài đặt -> dòng thời gian và gắn thẻ). Sau khi cài đặt, cậu có thể phê duyệt bài đăng mà bạn bè gắn thẻ cậu trước khi chúng xuất hiện trên dòng thời gian của mình.

Cậu không nên để các công cụ tìm kiếm khác truy cập hồ sơ của cậu. Hãy thay đổi điều này bằng việc chọn “Cài đặt” -> “cài đặt cá nhân” -> “ai có thể tìm thấy tôi”. Sau đó chọn chỉnh sửa.

2 . Tip 2: Không chia sẻ nội dung mang tính chất “Sexting”

Việc gửi, nhận các nội dung về tình dục hay gợi ý những thứ liên quan đến tình dục như hình ảnh, tin nhắn hay video được gọi chung là “Sexting”.

Giới trẻ chúng ta thường hay mắc phải sai lầm này vì nhiều lý do, một số người nghĩ rằng đấy chỉ là cử chỉ thân mật với người yêu, và cho rằng điều này sẽ bồi đắp thêm tình cảm của mình. Họ tin rằng điều này là “tiền đề” trong các mối quan hệ từ việc nhìn thấy những người khác làm điều đó, qua phương tiện truyền thông hoặc qua tiếp xúc với những nội dung khiêu dâm.

Thế nhưng…

– Hãy nhớ rằng khi cậu chụp và chia sẻ một hình ảnh, cậu sẽ không thể kiểm soát được ai nhìn thấy nó và không biết thông tin này sẽ được chia sẻ đến đâu. Không phải ai cũng tôn trọng và giữ hình ảnh quyền riêng tư của cậu.

Một mối quan hệ có thể đổ vỡ vào một thời điểm nào đấy, vì vậy hiện tại cậu có thể vui vẻ khi chia sẻ những hình ảnh hoặc video cá nhân của mình, nhưng ngày mai lại là một câu chuyện khác.

Và đừng ngây thơ nghĩ rằng các thông tin, hình ảnh, clip… các cậu gửi và nhận sau khi xóa đi sẽ biến mất hoàn toàn. Không đâu, nó vẫn tồn tại đâu đó và sẽ được khôi phục nếu có người muốn tìm kiếm.

– Đồng thời hãy dừng ngay việc lưu trữ, chia sẻ những hình ảnh clip của người khác bởi nó sẽ có những hậu quả nghiêm trọng về mặt pháp lý. Và đó cũng có thể trở thành một điểm yếu để người khác uy hiếp bạn.

Vậy làm thế nào để quản lý các thông tin của mình? Các cậu hãy thử những cách sau đây nhé:

– Thử tìm kiếm thông tin chính bản thân cậu trên trực tuyến để xem thông tin trên mạng là như thế nào.
– Nếu một hình ảnh của chính cậu xuất hiện trên trang web hoặc ứng dụng mà cậu không đồng ý với việc xuất hiện này, hãy liên hệ với quản trị viên để tìm các xóa thông tin đấy.
– Liên lạc với người đã chia sẻ hình ảnh, video và yêu cầu họ loại bỏ và xóa vĩnh viễn thông tin đó kể cả bản sao. Nếu họ nói không hãy nhờ pháp luật can thiệp.
– Giữ bằng chứng bằng cách chụp màn hình, ghi chú lại địa chỉ website chứa nội dung đó. Cậu có thể sử dụng thiết bị khác để chụp ảnh nội dung.
– Chắc chắn webcam của cậu được che phủ khi không sử dụng.

Và nếu cậu thấy ai đó đã hoặc đang bị ép buộc nhận những thông tin tình dục, cậu hãy:

– Trò chuyện với bạn của cậu và tìm hiểu càng nhiều vấn đề càng tốt
– Hãy tìm cách quản lý vấn đề, tránh sự phán xét, dán nhãn
– Hãy tìm kiếm lời khuyên, sự giúp đỡ từ một ai đó các cậu tin tưởng, trường học của cậu hoặc các cơ quan pháp luật.

3. Tip 3: Cậu muốn gặp mặt? Hãy đặt sự an toàn của bản thân lên trên hết.

Khoảng thời gian nói chuyện với nhau trên mạng xã hội khiến cậu rất tò mò và muốn biết người đó ngoài đời thực như thế nào. Thế nhưng cậu hãy luôn nhớ rằng: không nên chia sẻ địa chỉ cá nhân hoặc gặp một người mà cậu chỉ mới quen trên mạng xã hội. Nhưng nếu cậu rất muốn làm vậy, hãy nhớ gặp ở nơi an toàn: là địa điểm công cộng, đông người và đừng quên lời dặn dò đi cùng người cậu tin tưởng mà chúng tớ đã nói ở tips phần 1 nhé.

Vậy là bức thư chiều thứ 6 đã cung cấp cho các cậu tất cả các mẹo để có thể tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị lạm dụng rồi đó. Hy vọng những chia sẻ nho nhỏ này sẽ giúp các cậu an tâm hơn và luôn bình an. Đón chờ những số tiếp theo để tìm hiểu thêm thật nhiều tips hữu ích cho mình các cậu nhé!

“Người duy nhất có thể ở bên và bảo vệ bạn mọi lúc mọi nơi chỉ có thể là chính bạn”
-Vô danh-

PHỤ TRÁCH CHUYÊN MỤC

Cô Phùng Hiên – Thạc sĩ tư vấn tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên

Liên hệ tư vấn trực tiếp:
Phòng PDP – Phòng 106, tòa nhà Beta

Hoặc qua kênh online:

https://www.facebook.com/phung.hien.18

[email protected]

 

Tin cùng chuyên mục