NÓI VỀ ” CHUYỆN ẤY” LÀ HƯ??

Ngày đăng: 26/01/2018

Ngày cập nhật: 23/03/2018

Ngày đăng: 26/01/2018

Ngày cập nhật: 23/03/2018

Tác giả: Phạm Hoa

Click vào ĐÂY để nghe bản Radio

Thưa cô, em biết nhiều về vấn đề sức khoẻ và giới tính không chỉ vì em rất chú ý học trong giờ Sức khoẻ và giá trị sống mà còn đọc sách, tìm hiểu thêm trên mạng. Em nghĩ, biết nhiều về giới tính nghĩa là em biết bảo vệ mình, bảo vệ người thân trong gia đình cũng như người bạn đời của em sau này. Lớn mà không biết thì bị gọi là “thiếu hiểu biết” đúng không ạ? Nhưng, khi em nói, mọi người thường đùa cợt bảo em “có gì rồi hay sao mà nhiều kinh nghiệm thế?”. Có người lớn còn cho rằng em hư mới lớp 10 mà biết quá nhiều về chuyện đó. Vậy thực ra, nói về “chuyện ấy” có phải là hư không cô? Em có nên nói không hay cứ im lặng giống như mình không biết gì cả?
                                                                                                         Học sinh nam, 16 tuổi
 Em thân mến!

    Với chia sẻ của em, cô hiểu rằng em đang quan tâm đến việc nhìn nhận và đánh giá của những người xung quanh khi nói chuyện về giới tính, về sức khoẻ tình dục!

 Như em đã biết, tình dục cũng là một khía cạnh quan trọng của đời sống con người, không chỉ dừng lại ở việc có sự tiếp xúc, gần gũi về cơ thể mà nó có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác trong đời sống như kinh tế, chính trị và xã hội…  Điều đó có nghĩa là tìm hiểu hay nói về tình dục cũng là tìm hiểu và nói về chính đời sống thực tại của con người. Và chẳng có lý do gì khi phân biệt rằng tìm hiểu hay nói về kinh tế, chính trị là văn minh còn việc tìm hiểu hay nói về tình dục là hư hỏng.

Song, cuộc sống và xã hội là thế, mỗi người có một quan niệm khác nhau khi nhìn nhận và đánh giá về cùng một vấn đề. Trong khi ấy, ở nền văn hoá của chúng ta thì tình dục vốn là vấn đề “dễ đùa nhưng khó nói”, bởi thế, nhiều người vẫn còn cảm thấy chưa cởi mở khi trao đổi về vấn đề này và có thể họ nhìn nhận khắt khe hơn khi một người nói về chuyện tình dục. Và có lẽ chấp nhận sự khác biệt trong quan điểm của mỗi người cũng là điều cần thiết để mỗi chúng ta có thể thích nghi với cuộc sống đa dạng này.

 
   Cô cũng chứng kiến nhiều lần, khi có bạn nói ra những điều mình biết liên quan đến sức khoẻ sinh sản, tình dục thì nhiều bạn cũng trêu như em đã trải nghiệm. Nhưng em biết đấy, ở lứa tuổi học sinh, nhiều bạn biết việc tìm hiểu mang lại kiến thức chứ không nhất thiết phải trải nghiệm. Song, vẫn thích đùa. Đôi khi các bạn nghĩ nói thế cho vui mà không biết rằng, việc đùa vui ấy có thể củng cố thêm tâm lý e ngại của mọi người khi chủ động tìm hiểu, học tập các vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục.

Nhưng ở một khía cạnh khác, không riêng tình dục mà khi nói về bất cứ chủ đề gì thì bao giờ chúng ta cũng cần phải cân nhắc đến suy nghĩ, cảm nhận và mong muốn của người nghe. Nếu chỉ nói cho riêng mình, nếu chỉ tìm hiểu để giúp mình có thông tin kiến thức để bảo vệ bản thân, để tránh những điều ngoài ý muốn và xây dựng đời sống tình dục an toàn, lành mạnh sau này mà không liên quan đến người khác thì không có gì phải bàn. Hơn thế nữa ngay cả mục đích của việc tìm hiểu về tình dục như vậy đã nói nên ý nghĩa của nó.

  Nhưng nếu có người nghe thì bao giờ cũng cần tính đến mong muốn, đến sự tự nguyện, đồng thuận của cả đối tác, em à. Nếu em nói về tình dục hay bất cứ điều gì, nhưng đối tác của em không muốn nghe thì rõ ràng việc nói của em có thể gây phiền phức cho họ. Nếu em dùng từ, hay nói quá sâu về chuyện quan hệ tình dục… trong khi đối tác của em cảm thấy khó chịu, thì rõ ràng việc nói đã trở thành một chiều và chỉ có ý nghĩa thoả mãn một nhu cầu nào đó của người nói (ví dụ: chỉ đơn giản là nhu cầu được nói mà thôi…) mà không phải là cuộc trao đổi, trò chuyện trên tinh thần tự nguyện và đồng thuận của cả hai phía. Theo đó, im lặng tỏ ra như không biết không phải là giải pháp, giải pháp là chia sẻ trong tình huống và bối cảnh phù hợp, phải không em?

 Ngoài ra, tuổi tác đúng là không có liên quan gì đến việc một người tìm hiểu thông tin, kiến thức về tình dục… song nếu việc tìm hiểu của mình đến độ lạm dụng, tức là không có sự bố trí thời gian phù hợp, để việc tìm hiểu ấy ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, đến công việc học tập và đến cả sức khoẻ của chính mình, ví dụ đang ốm mệt vẫn phải “tìm hiểu” thì rõ ràng đó là sự phụ thuộc… và khi ấy việc tìm hiểu thông tin cho dù là bất kỳ thông tin gì cũng đã mất đi ý nghĩa và giá trị của nó. Em lưu ý điều này để cân đối thời gian tìm hiểu những thông tin, kiến thức và học tập cho phù hợp em nhé.

Chúc em mọi điều tốt lành!

Trước khi làm việc gì hay nói điều gì hãy thử đặt mình ở địa vị, lập trường của đối phương để xem xét.
-Khuyết danh-

PHỤ TRÁCH CHUYÊN MỤC

Cô Phùng Hiên – Thạc sĩ tư vấn tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên

Liên hệ tư vấn trực tiếp:
Phòng PDP – Phòng 106, tòa nhà Beta

Hoặc qua kênh online:

 https://www.facebook.com/phung.hien.18

 [email protected]

 

Tin cùng chuyên mục