RANH GIỚI NÀO CHO SỰ THÂN THIỆN

Ngày đăng: 09/03/2018

Ngày cập nhật: 23/03/2018

Ngày đăng: 09/03/2018

Ngày cập nhật: 23/03/2018

Tác giả: Phạm Hoa

Click vào ĐÂY để nghe bản Radio

Tại sao khi em tiếp xúc với người xung quanh một cách thân thiện và thoải mái thì một số người lại có thái độ khó chịu?
                     Học sinh nam, lớp 10
Em thân mến,

Thắc mắc giống như của em là điều không hiếm gặp trong quá trình chúng ta giao tiếp với những người xung quanh. Có lẽ chỉ có những người thực sự quan tâm và chú ý tới người khác, đồng thời luôn muốn có được mối quan hệ tốt với mọi người, mới nhận ra và thắc mắc về điều này. Trên thực tế, đây cũng là câu hỏi khiến chúng ta trăn trở không chỉ một lần.

Điều khiến cho chúng ta phải trăn trở nhiều như vậy chính là vì câu trả lời là rất đa dạng trong mỗi tình huống và với mỗi người khác nhau. Để trả lời thắc mắc này, có lẽ phải cần tới một hoàn cảnh cụ thể mới hiểu được thái độ khó chịu của một số người với thái độ thân thiện và thoải mái của em. Một trong những yếu tố mà em có thể xem xét đó là sự khó chịu ấy có liên tục và kéo dài không, có phải là thái độ mà họ dành cho tất cả mọi người không hay chỉ với em?

Nếu phản ứng ấy chỉ là tạm thời và dành cho tất cả mọi người thì có thể họ đang có một khoảng thời gian không được vui, đang lo lắng hay thậm chí là đang khó chịu ở đâu đó, nên họ không phản ứng tích cực với sự thân thiện của em. Dẫu biết rằng “giận cá chém thớt” không bao giờ là phù hợp. Nhưng, hiểu được nguyên nhân của hành vi chưa tích cực cũng là việc cần thiết. Bởi mỗi chúng ta cũng từng trải qua những ngày không vui. Cảm xúc đó khiến ta khó kiểm soát bản thân và đối xử chưa tích cực với người khác.
Vì thế khi hiểu được nguyên nhân, chúng ta cũng có thêm sự cảm thông cho họ và không phải buồn lòng quá nhiều về thái độ của họ lúc đó với mình. Nếu em muốn, em có thể thử lại vào một ngày khác và biết đâu em có thể nhận được phản ứng hoàn toàn khác ở chính những người đã có thái độ khó chịu ấy.
Còn nếu những người ấy luôn có thái độ khó chịu với tất cả mọi người thì có thể chỉ đơn giản rằng đó là tính cách của họ, là cách phản ứng của người ấy với những người xung quanh. Hẳn em cũng đã từng gặp những người luôn có thái độ khó chịu, xa cách với tất cả mọi người rồi.

Một lý do nữa cũng có thể có đó là họ đang cảm thấy mình không được thân thiện và cởi mở như em hoặc có điểm gì đó không được bằng em, nên họ không thích và phản ứng bằng cách khó chịu với em. Với những người như vậy thì em có thể chỉ đơn giản là bỏ qua phản ứng của họ. Chắc hẳn chúng ta không thể nào luôn thân thiện và cởi mở với ai đó khi mà họ không muốn như thế, cũng như chúng ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người được. Chúng ta cũng không nên để cho một số người như vậy làm giảm đi sự thân thiện của bản thân mình phải không?

Trong trường hợp phản ứng dù là tạm thời hay kéo dài, nhưng chỉ là đối với em thì có thể họ chưa hiểu rõ về em, nên dễ phiên giải sự thân thiện của em sang một hướng khác. Với những người chưa thực sự hiểu rõ về nhau, thì đôi khi sẽ khó để có thể cảm thấy thoải mái và có thái độ tích cực. Trong trường hợp này thì em có thể kiên nhẫn, tiếp xúc nhiều hơn để họ có thể hiểu được em, hiểu rằng hành động của em đơn giản là cởi mở và vô tư, khi ấy họ sẽ có thái độ khác hơn.

Tuy nhiên, em cũng lưu ý rằng mỗi người có sự chấp nhận về sự thân thiện, cởi mở khác nhau. Đôi khi có những hành vi, cách ứng xử đối với mình là thân thiện, nhưng với người khác là thiếu tôn trọng. Ví dụ, em cho rằng hôn bạn bè vào má bạn khi chơi đùa cùng nhau là thân thiện, nhưng các bạn lại không có chung cách nhìn nhận như vậy. Trong tình huống này, em rất cần phải thay đổi hành vi của mình, nếu không sự “thân thiện” của em sẽ biến thành “quấy rối” bạn bè đấy nhé!

Thêm vào đó, mỗi người cũng có một “khoảng cách an toàn” của riêng mình.  Trong quá trình giao tiếp, nếu không gian an toàn của họ bị xâm phạm, họ sẽ phản ứng lại một cách tiêu cực với sự thân thiện của người khác. Điều này cũng là hợp lý phải không em? Vì thế, việc chú ý đến cảm nhận của người khác trong giao tiếp như em đang làm thật sự quan trọng. Nó đủ mạnh để em cảm nhận được thông điệp tích cực hay tiêu cực từ người khác, từ đó điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp.

Chúc em luôn thân thiện và đáng yêu trong mắt những người khác!

Hãy luôn đặt mình vào vị trí của người khác
– Khuyết danh –

PHỤ TRÁCH CHUYÊN MỤC

Cô Phùng Hiên – Thạc sĩ tư vấn tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên

Liên hệ tư vấn trực tiếp:
Phòng PDP – Phòng 106, tòa nhà Beta

Hoặc qua kênh online:

 https://www.facebook.com/phung.hien.18

 [email protected]

 

Tin cùng chuyên mục