Các FSchooler được gì qua cuộc thi Robotics tại Mỹ?

Ngày đăng: 31/07/2017

Ngày cập nhật: 01/08/2017

Ngày đăng: 31/07/2017

Ngày cập nhật: 01/08/2017

Tác giả: Phạm Hoa

Tháng 7 vừa qua, 6 bạn học sinh của CLB FRIT – THPT FPT đã đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi  robot quốc tế The FIRST Global Challenge tại Mỹ. Dù không đạt thứ hạng cao như mong đợi nhưng những kinh nghiệm thi đấu là thu hoạch lớn nhất với toàn đội.

thpt-fpt-robotics5

Các thành viên của đội tuyển Việt Nam (từ trái qua phải) Đinh Gia Bách 11A1, Nguyễn Hoàng Nam 12A3, Nguyễn Tuấn Hà 10A1, Lê Quỳnh Trang 11A1, Nguyễn Trung Nghĩa 11A1, Nguyễn Giang Nam 10A2. Ngoài ra còn có cô Nguyễn Thị Tân – Hiệu trưởng THPT FPT, anh Lê Ngọc Tuấn – mentor dẫn đoàn đi thi đấu.

thpt-fpt-robotics123

Cận cảnh robot trước khi lên đường sang Mỹ

Trong 2 ngày thi, các đội sẽ bốc thăm thi đấu 6 vòng tương ứng 6 trận. Cứ 3 quốc gia sẽ tạo thành 1 team lớn mang tên Aqua hoặc Hydro thi đấu với nhau. Đề tài của cuộc thi về nước sạch, các robot phải xuống sông (sân mô phỏng) lấy bóng và phân loại bóng theo đúng tiêu chí bóng xanh là là nước sạch, bóng cam là nước bẩn và trả về đúng nơi quy định. Mỗi trận đấu chỉ diễn ra 2,5 phút, trước khi vào trận, các team sẽ trao đổi chiến thuật, thống nhất cách lấy bóng cũng như cản phá đối thủ. Với vốn tiếng Anh rất tốt và kỹ năng giao tiếp khéo léo, Lê Quỳnh Trang – thành viên nữ duy nhất của đội – đảm nhiệm việc bàn luận về chiến thuật với các đội bạn.

Robot của đội Việt Nam thi đấu khá ổn định và được đánh giá cao. Cô Nguyễn Thị Tân (Hiệu trưởng THPT FPT) chia sẻ: “Robot có khả năng lấy bóng và phân loại bóng nhanh.  Đến giờ nghỉ đội bạn lại sang học hỏi, tìm hiểu về robot của Việt Nam”. Tuy nhiên bên cạnh chất lượng của robot còn có những yếu tố khác quyết định đến kết quả trận đấu như tâm lý người điều khiển, sự phối hợp của đội bạn khi cùng trong một team lớn.

Chung cuộc sau 6 trận thi đấu, đội Việt Nam xếp vị trí thứ 57 trên tổng 163 nước tham dự. Đối với cả đội, đây là con số không như ý. Đội trưởng Nguyễn Hoàng Nam cho biết: “Kết quả lần này không được như kì vọng do các tay lái chưa được luyện tập nhiều, tâm lý thi đấu chưa vững vàng, có những trận đấu bị thua một cách đáng tiếc do thực lực của đồng đội quá yếu hay do họ bảo thủ, không phối hợp thực hiện theo đúng chiến thuật đã đề ra”.

thpt-fpt-robotics4-2

Trong ảnh đội Việt Nam điều khiển robot góc phải màn hình, 3 bạn điều khiển mặc áo vàng.

thpt-fpt-robotics4-1

Robot Việt Nam lên cầu thả bóng

Anh Lê Ngọc Tuấn – mentor của đội cũng ghi nhận chất lượng robot song cũng nhìn nhận thẳng điểm yếu của đội: “Robot của đội tốt, tiếng Anh tốt nhưng các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu nên khá lúng túng. Sau những trận đấu căng thẳng và 1-2  trận thua, trận cuối các bạn xuống tinh thần. Bên cạnh đó, đội cũng thiếu chuẩn bị cho việc trang trí gian hàng và quà tặng giao lưu với các nước bạn”.

Qua cuộc thi này, các Fschooler càng hiểu rõ việc muốn chiến thắng không phải chỉ là mỗi bản thân mà đồng đội cũng là yếu tố quyết định vô cùng quan trọng. Đôi khi may mắn cũng ảnh hưởng rất nhiều.

Sau những ngày thi đấu, cả đội đã đến Boston thăm quan Viện Công nghệ Massachusetts, đại học Harvard, giao lưu với các tiến sĩ, chuyên gia công nghệ theo sự tài trợ của Ban công nghệ, tập đoàn FPT. Tại sân bay từ Boston đến Washington DC cả team đã được một phen “hú vía” khi bạn Nghĩa vì lấy món đồ cho team mà suýt lên máy bay muộn. Hoàng Nam cho biết “thậm chí chúng em đã phải tìm xem nếu lỡ chuyến bay này thì Nghĩa có thể bay đến Washington vào chuyến nào khác gần nhất và liên hệ người quen ở Boston để cho Nghĩa tá túc nhờ”.

thpt-fpt-robotics

Cả đội chụp ảnh lưu niệm ở Viện Công nghệ Massachusetts

Chặng đường đến với cuộc thi kéo dài hơn nửa năm, là sự công sức, nỗ lực của cả tập thể chứ không phải chỉ riêng mình 6 FSchooler đi thi đấu. Phía sau chú robot nhỏ cắm là cờ Việt Nam chạy băng băng trên sân Mỹ là bóng dáng những bạn trẻ trong CLB cần mẫn lắp ráp, sửa chữa, tập luyện; là cô Hiên lo lắng kết nối với các tổ chức, cá nhân; là thầy Tuấn hết lòng dẫn dắt chuyên môn, là các cô PDP luôn chuẩn bị, hỗ trợ chu đáo; là các bậc phụ huynh hết lòng ủng hộ và đồng hành với đam mê của con cái; là các nhà tài trợ trong và ngoài FPT với sự giúp đỡ quý giá…

Lần đầu tiên đi thi đấu ở một sân chơi quốc tế, khẳng định chất lượng có, mà vấp váp, thất bại cũng có… nhưng như vậy mới đúng tính chất của một cuộc thi. Có thể không giành được danh hiệu nào, nhưng team FSchool đã dám nghĩ dám làm; đã dám dấn thân ở một lĩnh vực mới, ở một quy mô lớn.  Từ đó các bạn thu về cho mình nhiều trải nghiệm, nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích – những kinh nghiệm không chỉ giá trị cho riêng các bạn mà con cho các thế hệ bạn trẻ yêu robotics sau.

Trong thời gian tới, cả nhóm dự định sẽ thành lập một tổ chức mang tên FIRST Viet Nam với sứ mệnh mang First, Robotic, STEM tới tất cả các bạn học sinh cấp 2 và cấp 3 trên địa bàn Hà Nội và toàn quốc. Bên cạnh đó vẫn sẽ tiếp tục phát triển các dự án, kế hoạch tại FSchool như đã đề ra.

 

Tin cùng chuyên mục