Học sinh phổ thông đang “đói” thông tin nghề nghiệp

Ngày đăng: 10/02/2013

Ngày cập nhật: 23/02/2017

Ngày đăng: 10/02/2013

Ngày cập nhật: 23/02/2017

Tác giả: Phạm Hoa

Khi được hỏi các học sinh là chương trình giáo dục hướng nghiệp lớp 10 có những nội dung gì thì đa số các em đều… mù tịt. Sang lớp 11 thì tình hình cũng không khả quan hơn mấy và tất cả chờ lên 12.

Từ thực trạng công tác hướng nghiệp…

Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh là việc làm vô cùng quan trọng, giúp định hướng nghề nghiệp cho các em ngay từ đầu để các em có động lực phấn đấu trên cơ sở của sở thích, sở trường, sức khỏe và năng lực của mình. Cụ thể là các em biết nghề mình theo đuổi sẽ thi bằng khối nào, cơ hội việc làm ra sao, những vất vả đặc trưng của nghề và các em phải chuẩn bị nhhững gì để sau này gắn bó với nghề nghiệp đó. Chính vì xác định tầm quan trọng của các công tác giáo dục hướng nghiệp nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng chương trình cho 3 năm THPT và đưa vào giảng dạy ngay từ lớp 10 kể từ năm 2006.

tt-hsptddttnn-01

Học sinh phổ thông đang rất cần định hướng nghề nghiệp (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, thực tế ở các trường THPT cho thấy giáo viên giảng dạy giáo dục hướng nghiệp chủ yếu là giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên đang thiếu tiết, trong khi thời gian đầu tư cho chuyên môn và các công việc hồ sơ, sổ sách đã chiếm rất nhiều thời gian của giáo viên. Vì thế mà chẳng mấy ai đầu tư tâm huyết cho bộ môn mới mẻ này. Một số trường còn có hiện tượng giáo viên xin tiết giáo dục hướng nghiệp để dạy bộ môn của mình, mạnh ai nấy xin và mạnh ai nấy cho. Thế nên mới có kết quả đáng buồn là hơn 70% học sinh THPT không được giáo dục hướng nghiệp (Theo số liệu khảo sát của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam).

Khi được hỏi các học sinh là chương trình giáo dục hướng nghiệp lớp 10 có những nội dung gì thì đa số các em đều… mù tịt. Sang lớp 11 thì tình hình cũng không khả quan hơn mấy và tất cả chờ lên 12.

Thấy tình hình học trò mù mờ trước tương lai của chính mình, tôi trực tiếp đề nghị với Ban giám hiệu nhà trường tăng cường công tác hướng nghiệp để vớt vát cho các em chút đỉnh về một số ngành nghề. Thật buồn khi có những cuộc đối thoại giữa tôi và học trò, đại loại như: “Em thích nghề tài chính ngân hàng vậy thi vô bằng khối gì ạ? “Vậy em học khối nào? Dạ em cũng… chưa biết? Hay như: “Em dự định thi vào trường nào? Dạ, để coi mấy đứa bạn trong nhóm chọn trường nào đã”.

Chuyện nghe cứ như đùa nhưng thực tế đang diễn ra một cách phổ biến ở các trường phổ thông hiện nay. Nhìn chung đa số các em đều “đói” thông tin về nghề nghiệp, trong khi sách giáo dục hướng nghiệp của Bộ thì chỉ đề cập đến một số nghề phổ biến trong rất nhiều nghề hiện nay. Một thực trạng là bây giờ học sinh cứ lao vào thi khối A, trong khi rất nhiều các em có năng lực và tương lai thực sự nếu lựa chon các khối thi khác. Cùng với đó là lựa chọn vào những trường và những ngành có cái danh “kêu” mà không quan tâm đến mình có đủ năng lực không, mình có yêu thích không, và học ngành đó sau này sẽ làm gì, cớ hội việc làm ra sao?

Lý giải cho điều nay có nhiều lí do, trong đó tác động từ gia đình và xu hướng phong trào là khá phổ biến. Một phần lớn cũng do công tác hướng nghiệp của chúng ta còn nhiều bất cập. Để cứu vãn tình hình, thông thường cứ vào các dịp chuẩn bị làm công tác tuyển sinh, các trường THPT liên hệ với các trường ĐH, CĐ về trường trực tiếp tư vấn. Nghe qua thì có vẻ hoành tráng, song thực tế thì thời gian đâu để cho các trường cung cấp đầy đủ, chính xác những thông tin mà học sinh cần. Rồi một số trường ĐH, CĐ, THCN do chỉ tiêu tuyển rất lớn, còn lăng – xê, quảng cáo, phát tờ rơi cứ như các doanh nghiệp kinh doanh. Sau buổi tư vấn nghề nghiệp thì sân trường trở thành một bãi rác còn học sinh cứ như vừa rớt từ trên chín tầng mây, uể oải ra về.

… Đến những tình huống bi hài

“Thầy ơi, làm sao để rút được học phí, em lỡ đóng và làm thủ tục nhập học rồi, trường em dạy những cái gì đâu đâu, không thấy liên quan gì đến ngành học của em cả. Em về ôn thi lại thôi”; “Thầy ơi, em không theo kịp các bạn, học nặng quá, em đau đầu và phải nhập viện mấy lần rồi, em bỏ học thôi”… ó là một trong những cuộc điện thoại mà tôi nhận được trong rất nhiều thắc mắc, bỡ ngỡ, hụt hẫng của các em khi đã bước vào ngưỡng cửa chật hẹp của các trường Đại học, cao đẳng. Thậm chí, do các trường đào tạo một cách tràn lan, đặc biết là trung cấp nên khát thí sinh như nắng hạn khát mưa. Nhiều em chưa bao giờ học khối B, nghiễm nhiên đi học trung cấp điều dưỡng, không hiểu các trường đào tạo thần thánh kiểu gì.

Một kỉ niệm ám ảnh tôi là lần nhận được một hồ sơ của một học sinh rất hiền lành gửi từ một trường trung học y tế của tỉnh nọ về xác minh lại học bạ. Do thiếu kỹ năng mềm lại bị bạn bè xúi giục em đã dại dột sửa điểm trong học bạ để xét cho chắc ăn. Kết quả dù rất thương em đó, song sự thật vẫn phải là sự thật, em bị đuổi học và cũng chẳng còn học bạ gốc để nhập học bất cứ một trường nào nữa.

Đó là những tình huống mà tôi có thể nắm bắt được, còn biết bao trường hợp ngồi lì mấy năm học để lấy tấm bằng của một ngành nghề mà bản thân không yêu thích, chấp nhận chịu đựng suốt cả một đời của các em sau này. Nghĩ mà thầy chua xót quá…

Đưa giáo dục hướng nghiệp trở lại đúng vị trí xứng đáng

Giáo dục hướng nghiệp cần phải được coi như một môn học tách biệt chứ không phải tích hợp trong các môn học khác hoặc đánh đồng với giáo dục ngoài giờ lên lớp. Đội ngũ giáo viên đứng lớp phải được đào tạo và chọn lọc bài bản, thường xuyên được bồi dưỡng và cập nhật thông tin. Điều này phải cần sự chỉ đạo kịp thời và sát sao từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện đồng bộ, chứ không phải thích gì làm nấy, mạnh ai nấy làm tùy theo tình hình thực tế các nhà trường THPT như hiện nay.

Đây là một chiến lược dài hơi, không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai được. Tôi xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp ban đầu để chuyến biến thực trạng “có cũng như không” của giáo dục hướng nghiệp hiện nay:

Thứ nhất, các trường THPT cần bố trí cân đối giáo dục hướng nghiệp như một môn học chính khóa, đội ngũ giáo viên cần nhiệt tình, có kỹ năng mềm, truyền thụ tốt để thu hút học sinh. Đặc biệt là cần có kỹ năng về công nghệ thông tin để thường xuyên cập nhật, xử lí thông tin liên quan đến công tác hướng nghiệp.

Hai là, tạo được mối quan hệ với các cơ sở giáo dục, các trường ĐH, CĐ uy tín, các doanh nghiệp, nhà máy liên quan đến các ngành nghề có cơ hội việc làm cao. Phối hợp vói Hội Cha mẹ học sinh tạo nguồn kinh phí để tổ chức cho các em tham quan thực tế, nhằm định hướng nghề nghiệp sớm cho các em. Mời các trường, các doanh nghiệp đến nói chuyện, tư vấn cho các em một cách có bài bản, thực chất và có chiều sâu.

Ba là, thành lập một ban tư vấn hướng nghiệp ngay trong trường THPT, tạo các diễn đàn trao đổi liên quan đến lĩnh vực nghề nghiệp để các em có nơi mà “bấu víu” vào.

(Theo Báo Giáo dục Việt Nam) 

 

Tin cùng chuyên mục