TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI: NHÌN TỪ TRANH CỬ TỔNG THỐNG MỸ ĐẾN NGHỀ NGHIỆP CHO HỌC SINH THPT FPT
Vừa qua học sinh K4 FSchool đã được tìm hiểu truyền thông – một trong những lĩnh vực năng động và hấp dẫn nhất hiện nay. Anh Trọng Tùng – Phó ban Hoa học trò, Báo Sinh Viên Việt Nam, Phụ trách cổng thông tin điện tử và mạng xã hội của toà soạn đã khiến cả hội trường “dậy sóng” bởi những thông tin thú vị về lĩnh vực truyền thông và cách dẫn dắt hết sức trẻ trung, hóm hỉnh.
Mở đầu cuộc hội thảo anh Trọng Tùng hé lộ những sức mạnh vô hình đã mang về chiến thắng cho ông Donal Trump trước bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Không phải là BCC, CNN hay những bài diễn thuyết trước đám đông… mà đó chính là Twitter, Facebook, Youtube.
Trên những mạng xã hội này, Donal Trump chẳng đưa ra khuôn mặt thiện cảm tươi cười, những lời hoa mĩ, đẹp đẽ như các ứng viên tranh cử tổng thống thường làm… ông tạo nên sự khác biệt khi luôn biểu lộ sự nghiêm túc, thậm chí là cau có, luôn nói ngắn gọn, thẳng thắn phê phán những tồn đọng của nước Mỹ, công kích trực diện đối thủ Hillary Clinton. Chính cách xuất hiện đầy thu hút, nội dung đánh đúng những băn khoăn của phần đông người Mỹ, tận dụng sự thiếu tin tưởng của người dân Mỹ với những lời hứa hẹn mật ngọt… ông Donal Trump đã giấu đi điểm yếu kinh nghiệm chính trị và tận dụng sức mạnh mạng của một ông chủ bước ra từ thế giới giải trí và giành chiến thắng.
Quay trở lại truyền thông xã hội Việt Nam, anh Trọng Tùng đã điểm danh những tên tuổi có sức mạnh trên mạng, người người đều biết, nhà nhà đều xem như Du học sinh Mỹ, Jvevermind, Huy Me, An Nguy, Phan Anh, Phở đặc biệt, Song Thư, Thơ Nguyễn, Chuột thổ cẩm, Vinh vật vờ…
Họ đều là những người rất bình thường nhưng bằng những clip thể hiện tài năng, kiến thức, quan điểm cá nhân, hay đơn giản là những trò vui tiêu khiển… mà trở nên rất nổi tiếng, được nhiều người theo dõi và kiếm được số tiền khá lớn. Bất cứ bạn học sinh nào cũng đều có thể trở thành những người khởi tạo nội dung, miễn là nội dung của bạn hấp dẫn, bạn sẽ được công chúng đón nhận.
Sau tất cả, anh Tùng nhấn mạnh những vị trí nghề nghiệp trong lĩnh vực Truyền thông xã hội. Tất cả đều rất đa dạng, phong phú, mới mẻ và đòi hỏi sự sáng tạo, “ăn, ngủ, yêu” với mạng xã hội như Youtube content creator – Người tạo nội dung Youtube, fanpage content creator – người tạo nội dung fanpage, quản lý fanpage, nhân viên truyền thông xã hội, nhân viên forum seeding, marketing online, nhân viên chăm sóc khách hàng trực tuyến, xử lý khủng hoảng truyền thông, giám đốc truyền thông xã hội…
Theo anh Tùng, không nhất thiết bạn phải có bằng tốt nghiệp mới có thể làm những công việc này bởi đây đều là những lĩnh vực mới. Nhưng nếu muốn theo học chính quy, tại Việt Nam có Đại học RMIT đào tạo đúng về chuyên ngành Truyền thông xã hội, ngoài ra còn có nhiều trường đào tạo về truyền thông nói chung như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Hòa Bình, Đại học Thăng Long, các khóa ngắn hạn, khóa học online…
Buổi hội thảo còn có sự tham gia của chị Nguyễn Thanh Cầm (Cầm Xu) – CEO Camxu Education và nói vềmột loại hình truyền thông tưởng như xưa cũ – Radio. Chị Cầm đã cung cấp cho các FSchooler biết hiện nay radio đã thay đổi rất nhiều, không chỉ nghe trên đài mà còn trên TV, điện thoại, ô tô, internet… không chỉ tin tức mà học tập, giải trí, hỗ trợ cuộc sống. Cách làm ra một chương trình radio cũng trở nên đơn giản hơn rất nhiều, bạn hoàn toàn có thể tự thực hiện chương trình của riêng mình. Với những kỹ năng sản xuất chương trình radio, bạn có thể làm nhiều vị trí khác nhau trong đài phát thanh hay các công ty nội dung số…
Trong thời gian ngắn, các bạn học sinh FSchool đã tìm hiểu truyền thông xã hội – lĩnh vực vừa lạ vừa quen. Lạ vì đó đều là những công việc mới, nơi đào tạo còn ít; quen bởi công cụ làm việc là Facebook, Youtube những mạng xã hội quá phổ biến, khiến giới trẻ ăn cùng, ngủ cùng, thậm chí “nghiện” mạng xã hội. Các bạn học sinh cũng được tìm hiểu thêm về sự phát triển về radio – một phương tiện truyền thông cũ để từ đó có cái nhìn chung về ngành truyền thông để có định hướng nghề nghiệp sớm.
Hướng nghiệp là một phần trong chương trình Phát triển cá nhân của THPT FPT. Với những hội thảo hướng nghiệp, những hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp… tất cả giúp các FSchooler sớm tìm ra hướng đi thích hợp với sở thích, năng lực bản thân và nhu cầu xã hội để chọn trường đại học chính xác.
Ảnh: Minh Hoàng
Chuyên mục: Tin tức
Ngày đăng: 31/03/2017
Ngày cập nhật: 03/04/2017
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025