Khi da ở đầu “cậu bé” chưa tuột
Em 15 tuổi rồi, nhưng cái da ở đầu “cậu bé” của em không tuột xuống lúc cương cứng như những bạn khác. Điều này có sao không cô, có ảnh hưởng gì đến tương lai của em không ạ?
– Học sinh nam, lớp 10, Hà Nội
Em thân mến,
Nhiều bạn cũng có băn khoăn giống như em khi thấy mình có biểu hiện cơ thể khác với các bạn đồng lứa!
Cô đang hiểu vùng da ở đầu của “cậu bé” mà em nói ở đây là bao quy đầu. Bao quy đầu là một lớp da mỏng che phủ, bảo vệ quy đầu khỏi bị chấn thương do cọ xát với quần áo. Trong trường hợp lớp bao da quy đầu ôm sát lấy phần quy đầu làm cho nó không thể tự tuột xuống để lộ quy đầu khi dương vật cương cứng thì thường là bị hẹp bao quy đầu. Vì thế, biểu hiện em mô tả có thể là hiện tượng hẹp bao quy đầu.
Hẹp bao quy đầu có nhiều mức độ khác nhau, nếu em thấy bao quy đầu không tự tuột xuống, nhưng em dùng tay kéo thì bao quy đầu vẫn có thể tuột và không ảnh hưởng gì đến việc vệ sinh hay sinh hoạt thì chưa cần phải quá bận tâm đến trường hợp này. Trường hợp này cũng không ảnh hưởng gì đến tương lai của em. Tuy nhiên, nếu khi em dùng tay kéo xuống và thấy đau, tức, chảy máu hay không kéo xuống được thì cần đi khám để được điều trị.
Về bản chất, hẹp bao đầu có thể khiến các em gặp khó khăn khi vệ sinh đầu dương vật hàng ngày, từ đó tăng nguy cơ viêm nhiễm đường sinh dục cũng như tăng nguy cơ ung thư dương vật. Vì thế, khi bị hẹp bao quy đầu, nhiều bạn lựa chọn phương án đi gặp bác sỹ để nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ phù hợp.
Tuỳ thuộc vào mức độ hẹp bao quy đầu, bác sỹ sẽ có cách thức xử lý khác nhau như nong rộng hoặc cắt bao quy đầu. Nếu mức độ hẹp vừa phải, bác sỹ nong, cắt mép ngoài của bao quy đầu và khâu rộng ra. Việc này giúp bao quy đầu có thể tự tuột khỏi đầu dương vật một cách dễ dàng. Nếu hẹp quá, bác sĩ sẽ cắt bỏ luôn phần da bao lấy quy đầu đó đi. Cắt bao qui đầu là một dạng tiểu phẫu được tiến hành nhanh gọn và an toàn. Thời gian thực hiện thủ thuật trung bình từ 10 –20 phút, liền vết thương sau 07 ngày và có thể sinh hoạt bình thường sau 02 tuần.
Do vậy, em hãy so sánh với thông tin cô cung cấp để xem có phải hiện tượng em mô tả là biểu hiện của hẹp bao quy đầu không? Nếu phải em cần đi gặp bác sỹ để được kiểm tra và nhận hỗ trợ phù hợp. Ở Hà Nội em có thể đến khoa ngoại của bất kỳ bệnh viện đa khoa nào, hoặc Trung tâm Nam học của Bệnh viện Việt Đức hay bệnh viện Bạch Mai.
Hy vọng những thông tin cung cấp ở trên phần nào giải đáp được những thắc mắc của em.
Chúc em luôn mạnh khoẻ và có nhiều niềm vui!
PHỤ TRÁCH CHUYÊN MỤC
Cô Phùng Hiên – Cán bộ tư vấn tâm lý học đường
Liên hệ tư vấn trực tiếp:
Phòng PDP – Phòng 106, tòa nhà Beta
https://www.facebook.com/phung.hien.18
Chuyên mục: Bức thư chiều thứ 6 Tin tức
Ngày đăng: 29/09/2017
Ngày cập nhật: 21/03/2018
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025