Chuyện về những giấc mơ
Click vào ĐÂY để nghe bản Radio
Em thân mến,
Như em đã bày tỏ ở trên, em đang cảm thấy bất an khi những điều không may mà em từng mơ thấy nay lại trở thành hiện thực. Cô hiểu rằng có thể em đã quá lo lắng về những chuyện có thể xảy ra đến mức mơ thấy chúng và giờ đây, khi chúng thực sự trở thành hiện thực thì em lại càng cảm thấy hoang mang hơn.
Việc giấc mơ phản ánh lại những gì em lo lắng là một quy luật bình thường của tâm lý con người. Bởi vậy, người ta hay nói rằng: “Ngày làm sao, chiêm bao làm vậy” nghĩa là “Ngày nghĩ gì thì đêm mơ đấy”, điều này có lẽ em đã biết. Nhưng cái làm em hoang mang là làm sao mà những điều đó lại thành hiện thực được phải không?
Một khả năng đó là dựa trên những dữ liệu thực tế, em đã có thể đoán trước, cảm nhận được những gì sắp xảy ra trong cuộc sống. Ví dụ: Em biết rằng môn Toán không phải là thế mạnh của mình, đợt này em lại đang không được tập trung lắm nên em lo rằng mình có thể trượt trong kỳ thi giữa kỳ này. Dựa trên những phản ứng của bố mẹ trong những lần em bị điểm kém khác, em còn hình dung sống động trong giấc mơ về việc bố mẹ sẽ cáu giận như thế nào… Chuyện giữa mơ và thực nhiều khi khó có ranh giới như vậy đấy em à.
Nhưng những gì em cảm nhận và chứng kiến, cũng cho thấy rằng em là một người đã có đủ sự chín chắn và khả năng khái quát để hiểu được những quy luật vận hành của cuộc sống, để có thể lường trước được những kịch bản có thể sẽ xảy ra. Có lẽ khả năng này mới chỉ được bộc lộ ở phần tiềm thức của em thông qua những giấc mơ mà em vẫn chưa thực sự nhận thức được rằng mình có thể làm được như thế.
Một khả năng khác nữa có thể xảy ra trong trường hợp của em đó là “Luật hấp dẫn”, không biết em đã từng nghe tới quy luật này chưa? Nói đơn giản thì quy luật này chỉ ra rằng chúng ta càng suy nghĩ nhiều về điều gì, sẽ càng tạo ra nhiều lực, thu hút những điều mà ta suy nghĩ về phía mình. Với trường hợp của em, có lẽ vì em đã lo lắng quá nhiều về những chuyện không hay, nên những điều đó có thể trở thành hiện thực. Hơn nữa, đôi khi lo lắng và sợ hãi quá nhiều thì em cũng dễ nhìn nhận sự việc trở nên tiêu cực hơn. Nhận thức, thái độ có mối quan hệ chặt chẽ với hành vi con người, nên nhiều khả năng chúng ta cũng có khuynh hướng hành động không tích cực nếu suy nghĩ và thái độ tiêu cực.
Khi nhận ra điều đó, nhiều bạn trong trường hợp này đã tự thay đổi suy nghĩ của mình trở nên tích cực hơn. Đôi khi chẳng cần lớn lao, chỉ cần bỏ đi những từ “không”, từ “sai”, từ “hỏng” hay “kém cỏi”… trong suy nghĩ của mình. Không phải “Mình sẽ làm sai” mà là “Mình sẽ làm được”, cũng chẳng phải “Mình không làm được” mà là “Mình làm được”… Mỗi ngày, chỉ cần thay đổi dần dần trong chính suy nghĩ của mình, em sẽ cảm thấy thoải mái hơn, nhẹ nhõm hơn. Giấc mơ theo đó cũng tươi sáng hơn và đời thực cũng yên bình, rộn rã hơn!
Một chút lo lắng sẽ làm tăng thêm gia vị của cuộc sống, sẽ khiến tâm trí em có thêm “kháng thể” để phòng ngừa, ứng phó và thay đối những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng quá nhiều lo lắng sẽ không mang lại lợi ích gì ngoài việc khiến cho em càng thêm bất an. Em hãy luôn nhớ rằng, bản thân chúng ta luôn đủ mạnh mẽ để vượt qua tất cả, cho dù có chuyện gì tồi tệ xảy ra đi chăng nữa. Bởi thế, hãy tham khảo những gì cô trao đổi ở trên để loại bỏ lo lắng và biến một chút lo lắng em đang có thành động lực để hành động ở hiện tại, em nhé!
Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi em. Chúc em lạc quan hơn để có nhiều niềm vui trong cuộc sống và có nhiều giấc mơ đẹp!
PHỤ TRÁCH CHUYÊN MỤC
Cô Phùng Hiên – Thạc sĩ tư vấn tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên
Liên hệ tư vấn trực tiếp:
Phòng PDP – Phòng 106, tòa nhà Beta
Hoặc qua kênh online:
Chuyên mục: Tin FSchool Tin tức
Ngày đăng: 20/10/2017
Ngày cập nhật: 21/03/2018
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025