Khi tôi dại khờ
Cám ơn em đã tin tưởng và gửi gắm tâm sự cho cô, cho chuyên mục “Bức thư chiều thứ sáu”.
Như em chia sẻ, đã có những lúc em suy nghĩ dại dột vì cảm giác rằng cách ứng xử của gia đình quá nghiêm khi thường “biến” chuyện nhỏ thành chuyện to. Trong trường hợp này, nhiều bạn cũng có những suy nghĩ và cảm giác giống như em đã trải nghiệm!
Nhưng, thật mừng là với suy nghĩ và cảm giác ấy, em đã không hành động theo những gì mình nghĩ ban đầu, mà nhắc bản thân phải tìm cách giải quyết trong những tình huống như vậy. Đây là điều không phải ai cũng làm được, và nó cho thấy, em đã thật mạnh mẽ, sáng suốt và có trách nhiệm với bản thân.
Cô chưa rõ những suy nghĩ dại dột em đang có là gì, cũng như chưa biết trong những tình huống như thế nào thì câu chuyện của em với gia đình bị bùng lên từ bé thành to. Nhưng, như em cũng biết, trong cuộc sống, không ai mong muốn phải trải qua những chuyện không vui, bởi vậy, khi những chuyện không vui xảy ra, người ta thường hay bị bối rối, khó kiểm soát. Bản thân em dường như gặp khó khăn trong việc thể hiện những suy nghĩ của mình với bố mẹ, nên có thể dẫn đến việc em luôn kìm nén những tâm tư, những cảm xúc vào sâu kín trong lòng mình, để rồi bất chợt những suy nghĩ dại dột cứ ùa đến.
Xét một cách khách quan, việc nhìn nhận không giống nhau trong cùng một tình huống là do quan điểm của chúng ta với bố mẹ khác nhau, và do cả những cách biệt về độ tuổi nữa. Sự thật là, trong độ tuổi này, cảm xúc và tâm tư của chúng ta nhiều khi lên bổng xuống trầm, suy nghĩ có lúc chín chắn, lúc dại khờ… như em đã thể hiện một phần trong tình huống, nên đôi khi bản thân cũng không hiểu nổi chính mình. Điều này gây khó khăn cho bố mẹ vì họ không biết chúng ta nghĩ như thế nào, cảm thấy ra sao trong mỗi tình huống. Hơn thế nữa, trong một tình huống “có vấn đề” với con cái của mình, bố mẹ còn dễ “mắc lỗi” làm “trầm trọng” hoá hơn bởi khi nhìn nhận tình huống ấy, trong họ chất chứa biết bao tình yêu thương và lo lắng trong đó đấy.
Chung quy lại là do cả hai chưa hiểu nhau phải không em? Thế nên, một cách đơn giản mà nhiều bạn trong trường hợp của em thường làm là: chia sẻ với bố mẹ nhiều hơn những suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn của mình trong mỗi tình huống. Khi bố mẹ biết, hiểu thì sẽ không phải suy diễn, rồi lo lắng, bất an. Khi làm điều đó, bố mẹ cũng biết em đang mong chờ gì ở họ để đáp ứng đúng với nguyện vọng của em, để em thấy cảm thấy được yêu thương thật nhiều.
Kết hợp với chiến lược bền vững là chứng minh cho gia đình thấy mình đã lớn, đã trưởng thành bằng cách: Chú ý trong ngôn ngữ giao tiếp sao cho rõ ràng, rành mạch, lễ phép. Làm việc một cách có mục tiêu, kế hoạch và luôn phấn đấu để theo đuổi, đạt được những mục tiêu ấy. Ví dụ: Em xác định mục tiêu của bản thân cho từng kỳ học, trao đổi với bố mẹ những hoạt động, thời gian em sẽ làm để đạt được từng mục tiêu đã đề ra. Bố mẹ được nghe, được hiểu, được quan sát em đã làm đúng như mình nói. Khi đó, bố mẹ sẽ tin tưởng mình nhiều lắm phải không em?
Chiến lược gây dựng niềm tin là một chiến lược tuyệt vời, bởi nó cho thấy em là người có trách nhiệm với bản thân, có khả năng kiểm soát tình huống và đảm bảo an toàn cho mình. Khi ấy, bố mẹ hẳn sẽ an tâm, không làm “phồng” tình huống hơn những gì nó vốn có đâu em à.
Nếu đã làm tất cả những điều trên, nhưng đôi khi sự khác biệt, mâu thuẫn hay hiểu lầm vẫn xảy ra thì hãy bình tĩnh và nhắc mình rằng: cuộc sống là vậy, đôi khi có những điều không như ý. Điều không như ý trong gia đình có thể là “bước tập dượt” an toàn để chúng ta vững vàng hơn trong tương lai.
Em nhớ rằng mọi việc đều có hướng giải quyết của nó, bố mẹ luôn là những người yêu thương em nhiều nhất. Có lẽ, sau này trong vai trò một người bố, em sẽ hiểu câu nói “nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Ngoài ra, cô cũng muốn em biết rằng, được sinh ra để cảm nhận cuộc sống muôn màu đã là một điều tuyệt vời của tạo hoá, của bố mẹ dành cho mỗi chúng ta. Vì thế, yêu thương, trân trọng bản thân là điều nên làm trước tiên trong mọi tình huống em nhé!
Chúc em mọi điều tốt lành!
PHỤ TRÁCH CHUYÊN MỤC
Cô Phùng Hiên – Thạc sĩ tư vấn tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên
Liên hệ tư vấn trực tiếp:
Phòng PDP – Phòng 106, tòa nhà Beta
Hoặc qua kênh online:
Chuyên mục: Bức thư chiều thứ 6 Tin tức
Ngày đăng: 24/11/2017
Ngày cập nhật: 21/03/2018
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025