Ngày hội nghệ thuật – Điểm chạm của cảm xúc và đam mê
Ngày 23/5 vừa qua, FSchool đã tổ chức ngày hội tổng kết và trình bày những thành quả của lớp học nghệ thuật. Sau 1 năm học, những sở thích, tài năng đã được thử thách, rèn luyện và cho ra đời những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân giàu cảm xúc.
Ngoài thời gian học các môn chính khóa, các teen FSchool còn có cho riêng mình “những buổi chiều nghệ thuật” mỗi thứ 4 hàng tuần, nơi các em đắm mình trong 13 bộ môn Art từ Mỹ thuật, Thiết kế, Làm phim đến Handicraft, Ảo thuật, Bboy… Giảng dạy môn Art có chức năng định hướng giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cho học sinh và phát triển tiềm năng sáng tạo cho các em. Định hướng giá trị nghệ thuật tại FSchool giúp học sinh có xúc cảm trước các tác phẩm nghệ thuật, biết thưởng thức, cảm thụ cuộc sống hơn.
Ngày hội nghệ thuật đã xây dựng được một chuỗi các hoạt động thú vị, giàu giá trị thẩm mỹ, giáo dục và giải trí cho các học sinh. Từ sáng ngày 23, các teen FSchool đã tham dự các triển lãm tranh ảnh, các tác phẩm nghệ thuật – thành quả của các lớp học Mỹ thuật, Thiết kế, Làm phim. Tác phẩm ảnh dự thi “Sắc màu Hola” cũng được trưng bày, gây ấn tượng bởi những góc nhìn mới lạ, thú vị mà đầy sâu sắc về ngôi trường của các FSchooler. Sảnh bàn cờ đã biến thành một không gian nghệ thuật rực rỡ, muôn màu sắc, muôn cảm nhận.
Điểm nhấn của ngày hội là talkshow trải nghiệm nghề nghiệp nghệ thuật “Art in Soul” và mini concert diễn ra chiều ngày 23 tại hội trường lớn. Tham dự talkshow là các khách mời đặc biệt vô cùng gắn bó với teen FSchool trong các giờ học Art: cô Hoàng Anh – giáo viên Thanh nhạc, thầy Đức Toàn – giáo viên Bboy và ảo thuật gia Quang Đại.
Trong talkshow các thầy cô đã chia sẻ ấn tượng của mình về teen FSchool. Sau 3 năm dạy Thanh nhạc tại FSchool, cô Hoàng Anh vẫn ấn tượng bởi sự “sôi nổi, nồng nhiệt, xinh lại còn bị ngoan, tuy nhiên hơi bướng” của học sinh FPT. “Các em bảo hát thì ngại không hát, với những bài đúng tủ thì rất nhiệt tình; bình thường có vẻ thờ ơ, nhưng mỗi khi có sự kiện thì hào hứng, sẵn sàng tập luyện”.
Gắn bó với các teen FSchool từ những ngày đầu môn Art được giảng dạy, thầy Đức Toàn Bboy lại thấy trong các em sự nghịch ngợm của chính mình thuở cắp sách đến trường.
Chia sẻ về cơ duyên với nghề ảo thuật, thầy Đại nhớ lại: “Đó là thời điểm học lớp 5, thầy đến hiệu sách cũ cùng mẹ. Sách giáo khoa thì thầy không thích đâu nhưng khi nhìn thấy một cuốn sách về ảo thuật thì lập tức mắt thầy sáng lên. Thầy bắt đầu quan tâm và yêu thích bộ môn này từ đó. Đến khi tốt nghiệp thì thầy chính thức đặt chân vào con đường ảo thuật chuyên nghiệp.”
Còn đối với thầy Đức Toàn, từ việc nhảy Bboy những năm cấp 2 chỉ là để “có người yêu như bè bạn”, thầy dần nhận ra sự đam mê với bộ môn này lớn hơn mình nghĩ. “Bboy trên thế giới đã trở thành một trào lưu lớn nhưng còn chưa phổ biến tại Việt Nam. Thầy nghĩ rằng mình cần góp phần phát triển Bboy trong giới trẻ Việt”, thầy Đức Toàn chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, theo đuổi nghệ thuật không phải là con đường trải đầy hoa hồng. Thầy Đức Toàn không quên được mẹ mình đã ước rằng “con đừng nhảy Bboy”, còn xã hội thì vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm về những dancer Bboy “áo quần dị hợm, xăm trổ, đầu tóc khác thường”. Để vượt qua sự phản đối của gia đình, thầy Đức Toàn chia sẻ: “Hãy chứng minh bằng hành động thay vì lời nói. Thầy bắt đầu bằng việc tham gia vào các cuộc thi văn nghệ cấp trường và giành giải nhất 3 năm liên tiếp. Lên Hà Nội học, thầy gia nhập các nhóm nhảy lớn rồi có cơ hội xuất hiện trên ti vi và đi diễn nước ngoài. Đến bây giờ, bố mẹ của thầy đã tự hào nói với mọi người rằng con mình đi nhảy Bboy đó.”
Khó khăn trên con đường nghệ thuật có thể là trở lực nhưng cũng đồng thời là động lực cho người nghệ sĩ. Đó là câu chuyện của thầy Đại một năm trước, thời điểm tài chính thiếu thốn khiến thầy vô cùng buồn chán, bất lực. Nhưng bình tĩnh trở lại, thầy bắt đầu tập luyện siêng năng hơn, đi diễn nhiều hơn, nhận được các show lớn và được biết đến như bây giờ.
Cuối cùng, các thầy cô đã chia sẻ những lời khuyên để theo đuổi đến cùng đam mê nghệ thuật. Với những bạn chưa có năng khiếu âm nhạc, cô Hoàng Anh nhắn nhủ: “Hãy cứ tập luyện, đừng nghĩ rằng không có tố chất thì các em không thể hát. Chắc chắn các em sẽ hát hay hơn bình thường.”
Còn với những ai có định hướng nghiêm túc với nghệ thuật, thầy Đức Toàn thẳng thắn: “Các em cần phân biệt nhảy giải trí và nhảy chuyên nghiệp, xác định một mục đích rõ ràng cho bản thân. Vì dancer vẫn chưa phải là một ngành nghề được thừa nhận, hãy lăn lộn để tìm kiếm cơ hội khẳng định mình, dấn thân đến cùng để theo đuổi đam mê. Đặt ra các mục tiêu nhỏ và thực hiện trước khi chinh phục các giấc mơ lớn hơn”.
Cuối chương trình, các cá nhân xuất sắc nhất trong mỗi lớp Art của 2 khối 10, 11 và những thí sinh có tác phẩm dự thi “Sắc màu Hola” ấn tượng nhất đã được vinh danh.
Bạn Thái Hoàng Hương, học sinh lớp 11A8 hào hứng chia sẻ cảm nhận về lớp học Thanh nhạc cũng như Ngày hội nghệ thuật: “Em rất vui vì được học thanh nhạc, cô Hoàng Anh thực sự đáng yêu và đã giúp đỡ em rất nhiều trong kỹ năng hát. Các bạn tham gia chương trình cũng khá sôi nổi, nhiệt tình và tạo nên một không khí tuyệt vời cho sự kiện hôm nay.”
Thu Hiền
Chuyên mục: Tin FSchool Tin tức
Ngày đăng: 28/05/2018
Ngày cập nhật: 28/05/2018
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025