Làm gì khi bố mẹ chuẩn bị li dị

Cô ơi, bố mẹ con sắp li dị ạ. Lý do là vì bố con đã ngoại tình với một người phụ nữ khác và khi bị mẹ con phát hiện thì bố con đã từ chối quanh co, bao che dù có rất nhiều bằng chứng. Mẹ con muốn bố đòi lại những món quà đã tặng cô kia thì bố không đồng ý. Bố con còn chửi mắng và có những lúc còn đánh mẹ con. Cô ơi theo cô con nên làm gì ạ? (Bạn nam, lớp 10)

Xem bản radio tại đây.

Em thân mến,

Cám ơn em đã gửi thư chia sẻ cùng cô vấn đề xảy ra với gia đình và điều khiến em đang trăn trở trong lòng. Tình huống em đang trải nghiệm quả thực không dễ dàng với bất kỳ ai!

Em biết đấy, ai cũng mong gia đình là một tổ ấm, là nơi chúng ta có thể trở về trong yên bình và yêu thương. Nơi ấy, có đầy đủ các thành viên để cùng nhau nối kết, cùng nhau dựng xây, vun đắp tình cảm. Và những người khởi xướng, trụ cột để tạo dựng nên tổ ấm là bố, mẹ. Nhưng thật buồn vì bố mẹ của em lại đang gặp vấn đề trong cuộc sống hôn nhân. Cô thực sự chia sẻ cùng em cảm giác em đang có ở giai đoạn này!

Trong thư em gửi, em đã chia sẻ về sự kiện bố có người phụ nữ khác ngoài mẹ. Nhưng, cả cô và em đều là người ngoài cuộc trong câu chuyện này, nên thực sự không rõ có điều gì đã diễn ra, tình cảm hai người đang dành cho nhau là gì? Khả năng chấp nhận lẫn nhau của mỗi người như thế nào, nên chúng ta không có quyền đưa ra đánh giá, phán xét về hành động của bất kỳ ai.

Điều mà những bạn khi ở trong tình huống của em có thể làm được là trực tiếp trao đổi với từng người khi họ bình tĩnh hơn. Các bạn ấy có thể chia sẻ cùng bố, mẹ cảm xúc của mình khi thấy bố, mẹ ở trong tình huống như hiện tại; hỏi xem tình cảm hai người dành cho nhau như thế nào? Họ có dự định gì trong mối quan hệ này? Có điều gì mà các con có thể làm để hai người nối kết với nhau được như xưa?

Em xem mình có thể “đối diện” với bố, mẹ và nói chuyện thẳng thắn như các bạn trong tình huống của em thường làm không? Nếu có, thì giống như các bạn ấy, em cũng sẽ đối mặt với 2 trường hợp có thể xảy ra:

Trường hợp bố, mẹ em còn tình cảm dành cho nhau, họ cũng mong muốn duy trì và hàn gắn những vết tổn thương hiện tại thì vai trò của em cũng thực sự quan trọng. Em có thể nhắc nhở mỗi người về sự cần thiết phải bình tĩnh khi họ nói chuyện với nhau. Nếu họ thực sự muốn nối kết lại, thì mỗi bên có thể giảm đi cái tôi của mình một chút để lắng nghe nhau, để xem cái gì mình có thể làm được, cái gì không. Quan trọng là làm gì để đạt được mục tiêu nối kết, hàn gắn chứ không phải là ai sẽ là người thắng trong cuộc xung đột này.

Ví dụ, có thể bố em đã từng tặng quà cho người phụ nữ khác và từng có ý định nối kết với họ thì quả thực bất kỳ người làm vợ nào cũng cảm thấy tổn thương thật nhiều. Tuy nhiên, nếu mẹ em quyết định tha thứ, thì thay vì nhất định yêu cầu bố em phải đòi quà về, mẹ em có thể bỏ qua việc này để xem xét đến những việc bố em có thể làm cho gia đình, cho các con và cho mẹ trong thời gian tới. Điều đó sẽ quan trọng hơn và mang tính gắn kết nhiều hơn. Khi ấy, em sẽ là người ở giữa, là người tiếp nối các câu chuyện của bố mẹ, là người dần giúp xoá đi “bức tường ngăn cách” của hai người sau những xung đột vừa qua.

Và như thế, với vai trò và tầm quan trọng của mình, hẳn em sẽ dành thời gian cho gia đình trong giai đoạn này nhiều hơn vào mỗi cuối tuần phải không? Em sẽ đồng hành cùng bố mẹ trên con đường nối kết ấy bằng việc đưa ra các gợi ý về các hoạt động chung của gia đình như: cùng nhau đến thăm ông bà, cùng nhau đi ăn, đi du lịch ở đâu đó, hay cùng bố lên một kế hoạch cụ thể để làm hoà với mẹ chẳng hạn…

Nhưng trong tình huống, bố mẹ em không còn tình cảm dành cho nhau. Bố em sau lần này vẫn có những lần khác với người phụ nữ ấy, hoặc với những người khác. Còn mẹ em đã cảm thấy tổn thương thật nhiều và không thể chấp nhận. Mẹ em thấy rằng việc sống cùng nhau chỉ tiếp tục làm khắc sâu thêm những bất hoà. Xung đột gia đình sẽ tái diễn và người chịu tổn thương không chỉ là mẹ mà còn có các em nữa. Và bố mẹ em quyết định sẽ ly dị.

Trong tình huống này, mặc dù không một người làm con nào mong muốn nó xảy ra, nhưng có lẽ mình cũng cần tôn trọng quyết định của bố mẹ phải không em? Bởi vì nền tảng quan trọng nhất của gia đình không hẳn là số lượng thành viên, mà là chất lượng của các mối quan hệ, là tình yêu thương mà mọi người dành cho nhau. Khi giá trị cốt lõi là tình yêu thương và sự gắn kết không còn thì sự ly tán đôi khi là giải pháp phù hợp để cuộc sống của những người trong cuộc được thoải mái và yên bình hơn.

Hy vọng những trao đổi phía trên hữu ích với em phần nào!

Chúc mọi điều tốt lành luôn ở bên em!

PHỤ TRÁCH CHUYÊN MỤC

Cô Phùng Hiên – Thạc sĩ tư vấn tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên

Liên hệ tư vấn trực tiếp:
Phòng PDP – Phòng 106, tòa nhà Beta

Hoặc qua kênh online:

 https://www.facebook.com/phung.hien.18

 [email protected]

 

Ngày đăng: 11/10/2018

Ngày cập nhật: 11/10/2018

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

Trường THPT FPT tổ chức thành công hội thảo “Tuổi 15 và trí tuệ cảm xúc trong thời đại số” với sự tham dự của gần 300 quý phụ huynh và học sinh
Trường THPT FPT Hà Nội ký kết hợp tác với Liên minh dự bị đại học và du học Trung Quốc (CCN)
LỘ DIỆN 8 ĐỘI THI XUẤT SẮC NHẤT TẠI CHUNG KẾT FSCHOOLS STEMPETITION 2024 CẤP TRƯỜNG
Thầy trò trường THPT FPT Hà Nội sáng tạo những cây thông tái chế lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường
Ấn tượng với ý tưởng sáng tạo và hữu ích trong vòng sơ loại cấp trường cuộc thi FSchool Stempetition 2024
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội học cách gắn kết và thấu hiểu tại buổi tọa đàm “Kết nối gia đình”
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội mang “Giáng sinh yêu thương” đến với các em nhỏ tại Mái Ấm Thiên Ân
55 đội tuyển sẵn sàng chinh phục giải bóng đá lớn nhất năm tại trường THPT FPT Hà Nội
Khám phá lớp học quốc phòng nghiêm túc và sôi nổi tại trường THPT FPT Hà Nội
Sôi động tại giải thể thao Nexus 2024 giữa cha mẹ học sinh và cán bộ giáo viên Trường THPT FPT Hà Nội

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh