Nguyễn Lân – FSchooler lớp 11 tự làm game 3D xoá tan nỗi sợ học văn của bao thế hệ

Những ngày qua, dự án ứng dụng công nghệ 3D trong giảng dạy bài Người lái đò sông Đà đã được lan truyền và nhận được sự tán thưởng của cộng đồng học sinh cả nước. Nhưng bất ngờ sao, người làm ra những hình ảnh 3D chân thực, đẹp mắt ấy mới chỉ đang học lớp 11A4 trường THPT FPT (Hà Nội) – Bạn Nguyễn Lân. 

Sản phẩm game 3D “Người lái đò Sông Đà” nằm trong dự án “Ứng dụng CNTT vào giảng dạy các môn Xã hội” được báo cáo tháng 5 vừa qua. Ban đầu, thầy Đoàn Mạnh Linh – Giáo viên môn Ngữ Văn, phụ trách dự án – dự định sẽ xây dựng mô hình 3D để người học zoom vào những chi tiết khi cần. 

Khi thầy và trò cùng bắt tay vào làm dự án, Lân cảm thấy nếu đi theo hướng đó thì người xem chưa thật sự “sống” trong thế giới sông Đà, chưa thật sự bộc lộ được tất cả những gì mà tác giả muốn truyền đạt đến bạn đọc, nên bạn đề xuất với thầy và quyết định đẩy dự án đi theo hướng game trải nghiệm, người dùng có thể nhập vai chèo thuyền trên sông. 

Lân cho biết bạn quyết định thực hiện dự án bởi lẽ muốn giúp học sinh sẽ có thêm một trải ngiệm hứng thú với tác phẩm “khó nhằn” này. Thử nghĩ xem, sau khi đã thả sức tưởng tượng với ngôn từ dữ dội, trừu tượng của Nguyễn Tuân, sau khi đã đi đến tận cùng của trí tưởng tượng lại có thêm những hình ảnh, âm thanh 3D sống động để soi chiếu thì thật “đã” biết bao.

Trailer 3D “Người lái đò Sông Đà” do Nguyễn Lân thực hiện. 

Lân đã bắt đầu thực hiện dự án này từ tháng 2/2019, vì phần lớn thời gian trong tuần đã dành cho việc học nội trú nên bạn dành 2 ngày nghỉ cuối tuần để “đầu tư” cho việc thiết kế: “Em dùng phần mềm SketchUp để làm sản phẩm này. Laptop em dùng ở trường không đủ mạnh để có thể chạy được các phần mềm nên ở trường em sẽ tạo trước những phần nhẹ nhàng trên lap rồi cuối tuần lại chuyển sang hoàn thiện trên máy tính bàn ở nhà”.

Cùng ngồi lại và trò chuyện với Lân, chúng tôi mới thấy để tạo ra một sản phẩm 3D như vậy thật không dễ dàng, nhất là Lân chưa hề trải qua một trường lớp đồ hoạ nào.

Lân chia sẻ: “Thật ra bản thân em cũng không giỏi Văn, chưa thể hiểu hết được sự sâu sắc của tác phẩm, nhưng đây là 1 sản phẩm liên môn Văn – Địa nên trong quá trình dựng cảnh em đã được các thầy cô giáo trong tổ Văn giúp đỡ hình dung những gì Nguyễn Tuân đã viết, còn cô giáo bộ môn Địa thì giúp em những kiến thức về tự nhiên, ví dụ như vùng này thì sẽ trồng cây gì, sẽ sử dụng đá màu gì hoặc nước của vùng Sông Đà sẽ có đặc thù như thế nào. Nhiều thầy cô không phụ trách dự án cũng góp ý cho em.”

Về phần vật liệu để dựng hình 3D, ngoài tìm những stock có sẵn trên thư viện online và chỉnh sửa lại cho phù hợp với đặc thù sông Đà, Lân cũng mua thêm 1 số stock ưng ý. “Nhiều khi thấy trên mạng có nhiều pack đá, cỏ rất đẹp, rất phù hợp với dự án này, nhưng vì giá quá cao nên em không thể mua được. Em đành tìm những pack miễn phí tương tự rồi chỉnh sửa thêm hoặc xách máy ảnh lên và đi chụp ảnh những hòn đá, ngọn cỏ, hàng cây rồi đưa vào dựng hình 3D, lồng ghép cho hợp lý hơn”.

Lê Việt Dũng (cựu học sinh THPT FPT, hiện là sinh viên đại học FPT) hỗ trợ Lân dựng mô hình 3D con đò.

Sông Đà 3D giúp học sinh FSchool có thêm hình dung về 1 tác phẩm được coi là rất khó cảm thụ, thuộc hiểu.

Nói về khó khăn, Lân cho biết: “Ở nhà em cũng hay thức tới 2-3h sáng, đây là thời điểm có nhiều ý tưởng hay ho nhất nên em không coi đó là một điều khó khăn. Ngoài ra, trong quá trình làm dự án thì điều khiến em khó xử nhất chính là cấu hình của máy tính người dùng. Game có độ chân thật càng cao thì càng hạn chế người chơi hơn, nên khi làm dự án này em phải nghĩ đến cả những bạn sử dụng thiết bị có cấu hình thấp, em phải tối ưu hóa cấu hình nhẹ nhất có thể và dĩ nhiên điều đó cũng làm giảm độ sinh động của đồ họa rồi.”

Người chơi sử dụng các bàn phím máy tính để điều khiển đò trên sông Đà.

Hiện tại, sản phẩm game 3D của Lân mới chỉ là bản thử nghiệm, Lân cho biết bạn sẽ hoàn thiện thêm về phần hình ảnh, tương tác trong kỳ nghỉ hè, làm đậm nét hơn tính “nhập vai người lái đò” chứ không phải trò chơi với camera hành trình chuyển động quanh con sông đơn thuần. Ngoài ra Lê Việt Dũng – cựu học sinh THPT FPT cũng sẽ tiếp tục phát triển dự án này theo hướng thêm phần thực tế ảo, tích hợp tài liệu.

Với dân đồ hoạ, chỉ là cuối tuần ở phòng KTX 1 mình thôi cũng có thể “bày trò” thế này đây.

Sinh ra trong một gia đình làm về thiết kế, in ấn, có lẽ máu đồ hoạ đã có sẵn trong Lân, thế nhưng trên thực tế Lân không học 3D từ gia đình. Từ năm 2018, Lân bắt đầu tự tìm tòi và học hỏi trên mạng: “Em thường lên YouTube, Udemy hoặc Google để tìm các khóa học, đây đều là những trang được rất nhiều người nước ngoài nhắm tới nên đa số đều là các khóa học bằng tiếng Anh. Trong quá trình tìm hiểu hoặc sử dụng nếu có gì thắc mắc em sẽ vào các group cộng đồng thiết kế, đồ họa hoặc 3D để nhờ mọi người giải đáp.” 

Trước sản phẩm Người lái đò sông Đà này, Lân cũng đã từng có những sản phẩm khác ở THPT FPT đó là thiết kế Góc sáng tạo  – tòa Gamma – toà giảng đường mới nhất đang thi công tại Hoà Lạc, tham gia thiết kế Tạp chí Nhái Bén… 

Nguyễn Lân cùng cô giáo xem lại ấn phẩm thiết kế Nhái Bén.

Lân còn có sở thích chụp ảnh, 1 phút vu vơ Lân đã ghi lại chiếc trực thăng – hình ảnh rất quen thuộc với bầu trời Hoà Lạc, với học sinh FPT School.

Chia sẻ thêm về nhân duyên đến với FPT School,  Nguyễn Lân đã không ngại cho biết Hoà Lạc không phải là lựa chọn đầu tiên của bạn: “Trước đây em dự định sẽ học THPT Tây Hồ, vì em là một con người ngại đi xa và trường cấp 3 Tây Hồ lại ở rất gần nhà em, nhưng sau đó em thiếu 1 chút điểm cho nguyện vọng 1 nên em đã tìm đến nguyện vọng 2 là FPT School. Nghĩ lại thì đây cũng là cái duyên, là một sự may mắn dành cho em, FPT School đã làm con người lười vận động như em thay đổi khá nhiều và có lẽ cũng nhờ FPT School nên mới có em của ngày hôm nay.

Với sản phẩm Người lái đò sông Đà 3D, Nguyễn Lân đã cho thấy tiềm năng phát triển và đi xa hơn trong lĩnh vực đồ hoạ. Chúc Lân sẽ hoàn thiện tốt dự án sông Đà và tiếp tục có những dự án hay ho hơn nữa, biến những bài học thành nhiều trải nghiệm thú vị và ấn tượng.

Bài: Cẩm Tú

 

Ngày đăng: 13/05/2019

Ngày cập nhật: 21/10/2021

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

Quán Quân Well-being AVC24 Trần Thy Khuyên – học sinh trường THPT FPT Hà Nội: “Tự nhận mình không giỏi xuất chúng nên phải rất chăm”
Khám phá sắc màu văn hóa đa quốc gia ngay tại lớp học tiếng anh cùng học sinh trường THPT FPT Hà Nội
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội trổ tài khéo tay làm tranh sáng tạo từ thiên nhiên
Bùng nổ các màn trình diễn tại vòng sơ loại cơ sở cuộc thi Khơi nguồn Võ Việt 2024
Trường THPT FPT Hà Nội trang bị cho học sinh kiến thức an toàn trên không gian mạng 
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội gặp gỡ, giao lưu với học sinh trường THPT DaiDo Nhật Bản
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội tự tin giao lưu với học sinh Đài Loan qua dự án “Lớp học xuyên biên giới”
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội phát triển kỹ năng và tư duy qua hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp
Trường THPT FPT Hà Nội chào đón đại diện trường Shibaura Institute of Technology đến thăm và giao lưu
100 học sinh trường THPT FPT Hà Nội quyết tâm chinh phục kỳ thi thử SAT 

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh