THPT FPT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào giảng dạy, biến Văn Sử Địa trở nên hấp dẫn không ngờ

Đã xa lắm rồi thời 1.0 mà học các môn xã hội chỉ toàn đọc với chép, chữ và chữ chán ngắt, buồn ngủ. Thời đại công nghệ 4.0 đã “xâm lấn” vào len lỏi vào từng lớp học ở THPT FPT, biến những kiến thức vốn chỉ nằm im trên trang sách trở nên sống động hơn. Học sinh cũng bởi vậy mà hứng thú, yêu thích các môn học Văn, Sử, Địa hơn bao giờ hết.

Game 3D Người lái đò Sông Đà

Người lái đò Sông Đà – nỗi ám ảnh của biết bao thế hệ học sinh, bóng ma mỗi mùa thi cử nay trở nên sống động qua hình ảnh 3D. Những câu chữ nổi tiếng của Nguyễn Tuân về sông Đà “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm” được tái hiện bằng hình ảnh, âm thanh sống động.

Game 3D Người lái đò sông Đà là sản phẩm của liên môn Ngữ Văn – Địa lý. 5 phút trải nghiệm công nghệ 3D đem đến nhiều cảm hứng khi học tác phẩm này.

Theo trình tự giờ giảng, học sinh sẽ tìm hiểu văn bản, khám phá ngôn ngữ, nghệ thuật trong tác phẩm sau đó thầy giáo tổng kết kiến thức, mở rộng liên hệ bằng trải nghiệm 3D. Học sinh được trực tiếp trải nghiệm, chơi game nhập vai điều khiển chiếc đò đi trên sông Đà, lướt vào thế giới đá vách thành, trùng vi thạch trận, cửa ải nước… kinh điển trong văn Nguyễn Tuân. Chỉ khi tự mình trải nghiệm trực tiếp thì những xúc cảm đến từ dòng chữ, câu văn của tác giả mới thật sự thấm thía đến người đọc người xem.

Sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội, video đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía cộng đồng mạng cũng như giới chuyên môn. Ngoài việc tìm hiểu văn bản, cảm thụ văn học truyền thống, trong khoảng thời gian ngắn, công nghệ 3D đã đem đến một gia vị mới mẻ cho bài học, khiến học sinh hứng thú với tác phẩm hơn.

Đặc biệt, hầu hết người xem đều bày tỏ sự trầm trồ, choáng váng khi những hình ảnh 3D thú vị này lại được thực hiện bởi Nguyễn Lân – cậu bạn mới đang là học sinh lớp 11 trường THPT FPT (Hà Nội).

“Quét” sách ra bài giảng multimedia

THPT FPT cũng sử dụng những ứng dụng di động để tạo ra những hiệu quả bất ngờ. Khi học sinh dùng các thiết bị thông minh quét hình ảnh, mã code trên sách sẽ hiện ra slide thông tin về tác giả, tác phẩm, audio hoặc video bài giảng.

Bí mật của cách học này ẩn chưa bên trong cuốn giáo trình công nghệ được mã hoá nhiều bài giảng dưới nhiều hình thức multimedia khác nhau. Không còn những đoạn văn bản dài trên giấy, giờ đây các kiến thức quan trọng được thể hiện ngắn gọn và thông minh bằng sơ đồ tư duy, file âm thanh và các video sinh động khiến việc học ngữ văn trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết.

Tham gia vào dự án này, 4 bạn học sinh Trần Khánh An, Ngô Phúc Lâm, Trịnh Vũ Hưng, Lê Nguyễn Quang Dũng (lớp 12A1- THPT FPT) đã hỗ trợ thầy cô làm slide, audio bài giảng, tuy nhiên các thầy cô vẫn là người đảm bảo tính chuyên môn.

Để có được một quyển sách 4.0 nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ kiến thức cần học các thầy cô mất rất nhiều thời gian, công sức: bố cục bài giảng lại xem phần nào dùng công nghệ, phần nào giảng dạy truyền thống, làm slide tóm tắt, thu âm, làm clip, đăng tải lên ứng dụng…

Dùng Plickers kiểm tra bài cũ – 1 phút ra ngay kết quả, điểm số của cả lớp

Ứng dụng Plickers là công cụ giúp tổ chức ôn tập và kiểm tra trắc nghiệm trong lớp học một cách hiệu quả và thú vị. Tại mỗi lớp học tại THPT FPT, ứng dụng hoạt động trên điện thoại thông minh của các thầy cô, sử dụng máy tính có kết nối mạng internet và được trình chiếu bằng màn chiếu và máy chiếu.

Tiết kiệm thời gian, giảm tải áp lực và chống gian lận trong kỳ thi là những ưu việt lớn nhất khi sử dụng công nghệ này trong các giờ kiểm tra.

Mỗi học sinh khi tham gia bài giảng sẽ được cung cấp 1 mã khác nhau in trên giấy, mỗi cạnh của mã tương ứng đáp án A, B, C, D để giơ lên trả lời  trong giờ kiểm tra. Khi học sinh chọn đáp án nào thì quay cạnh có đáp án đó lên phía trên. Tuy nhiên tờ giấy mã hoá của các bạn có cách mã hoá khác nhau, học sinh không thể giơ giống như bạn bên cạnh để sao chép đáp án của bạn.

Giáo viên dùng máy điện thoại để quét đọc đáp án của học sinh trên thẻ và tự động nạp vào hệ thống. Sau khi học sinh trả lời bộ câu hỏi, Plickers có phần hiển thị điểm tổng hợp kết quả của học sinh rất nhanh và ngay lập tức hiện trên màn hình máy tính. Giáo viên cũng có thể xuất file bài làm của cả lớp, cuả từng học sinh, thuận tiện kiểm tra, đối chiếu.

Lớp học điện tử Google Classroom, làm việc nhóm từ xa với Sketchboard

Google Classroom là một công cụ tích hợp Google Docs, Google Drive và Gmail nhằm mục đích giúp giáo viên đơn giản hóa các công việc giảng dạy trên lớp, học sinh thuận tiện trong việc học tập.

Học sinh đã có sẵn tài khoản mail sẽ đăng ký tham gia các lớp học được thầy cô tạo ra. Tại lớp học trực tuyến, mọi hoạt động sẽ diễn ra y hệt như lớp học truyền thống bao gồm các hoạt động: Giáo viên tải lên bộ tài liệu môn học, các video tham khảo, hình ảnh lớp học trên Drive; Giao và nộp bài tập về nhà, vì sẽ có lịch nhắc nên học sinh nộp bài muộn “không thể qua mắt” được thầy cô.

  Cô Vân Anh, giáo viên dạy văn tại trường THPT FPT chia sẻ: “Học sinh nộp bài sẽ hiện lên bạn nào nộp đúng hạn bạn nào nộp trễ. Bài vở cũng được cô giáo sửa trực tiếp và nhận xét. Việc này thuận tiện hơn việc gửi email như bình thường. Thuận tiện nhất là có thể check mọi thứ trong lớp mọi lúc mọi nơi chỉ cần có internet.”

Sketchboard thường áp dụng với các bài tập làm sơ đồ tư duy, dàn ý bài tập nhóm khi các thành viên không thể trực tiếp gặp mặt nhau. Công cụ này giúp thu thập ý kiến của học sinh trong cùng một team và phác thảo ra các ý tưởng trực quan.

Người dùng có thể tạo sơ đồ, sơ đồ tư duy, hoặc lộ trình sản phẩm từ một thư viện các hình dạng, khối hộp đã được làm sẵn, phác họa tự do, thêm text và nhận xét. Mỗi một thành viên được gắn nhãn với tên riêng, cô giáo có thể theo dõi quá trình ý tưởng hình thành theo thời gian, và xem ai có những đóng góp gì cho bài tập. 

Website Học sử để bất tử – Giao nhận bài tập Lịch sử của học sinh

Áp dụng công nghệ thông tin vào dạy và học, thầy Nguyễn Đăng Tuyên – giáo viên dạy Lịch sử tại THPT FPT đã lên tạo nên một trang website chuyên giao nhận, kết nối bài tập của học sinh.

Tuy trang website mới được lập tháng 1/2019 nhưng đã có hàng trăm bài tập thiết kế poster lịch sử của học sinh. Trang web được lập trên nền tảng Google Sites, Padlet. Tại đây, thầy giáo sẽ đưa ra những nhiệm vụ thiết kế poster về một chủ đề lịch sử cụ thể.

Sau khi nhận đề bài, học sinh làm bài tập theo nhóm hoặc cá nhân, tự nghiên cứu thông tin và trình bày đối tượng lịch sử bằng hình ảnh, bố cục riêng thông qua công cụ Canva, Photoshop…. Đến khi hoàn thành, học sinh tự đưa sản phẩm lên trang website. Sản phẩm sẽ nằm trong đúng thư mục thầy giáo đã đưa ra, tạo thành 1 thư viện chung nhiều sản phẩm của các lớp.

Bài tập lịch sử không còn là những trang chữ dài đằng đẵng, giờ đây tất cả kiến thức được các bạn được thể hiện qua poster sinh động. Bên cạnh đó, học sinh cũng sử dụng công cụ Powtool, Story Jumper để làm clip, sách truyện lịch sử hấp dẫn.

 

Ngày đăng: 22/05/2019

Ngày cập nhật: 22/05/2019

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

Học sinh trường THPT FPT Hà Nội mang “Giáng sinh yêu thương” đến với các em nhỏ tại Mái Ấm Thiên Ân
55 đội tuyển sẵn sàng chinh phục giải bóng đá lớn nhất năm tại trường THPT FPT Hà Nội
Khám phá lớp học quốc phòng nghiêm túc và sôi nổi tại trường THPT FPT Hà Nội
Sôi động tại giải thể thao Nexus 2024 giữa cha mẹ học sinh và cán bộ giáo viên Trường THPT FPT Hà Nội
Hóa thân thành nhân vật, học sinh trường THPT FPT Hà Nội sống trọn vai cùng tác phẩm “Chí Phèo”
Bùng nổ sáng tạo tại Chung kết AI Educamp 2024 cấp trường dành cho cán bộ giáo viên trường THPT FPT Hà Nội
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội tái hiện lớp học Việt Nam qua các thời kỳ nhân dịp 20/11
Quán Quân Well-being AVC24 Trần Thy Khuyên – học sinh trường THPT FPT Hà Nội: “Tự nhận mình không giỏi xuất chúng nên phải rất chăm”
Khám phá sắc màu văn hóa đa quốc gia ngay tại lớp học tiếng anh cùng học sinh trường THPT FPT Hà Nội
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội trổ tài khéo tay làm tranh sáng tạo từ thiên nhiên

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh