Dự định K5 trước bước ngoặt mang tên “Ra trường làm gì tiếp”

Lớp 12 là một dấu mốc quan trọng đối với học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Thời điểm này, học sinh cuối cấp đang bước vào giai đoạn nước rút để hoàn thiện kiến thức và lựa chọn ngành học, bậc học cho mình. Đây là bước ngoặt đầu tiên góp phần quyết định con đường tương lai và sự thành công của các bạn sau này. 

Trường THPT FPT được biết đến là một ngôi trường chú trọng đến các chương trình ngoại khoá để có thể định hướng nghề nghiệp, trường học phù hợp với học sinh. Điều này sẽ giúp ích cho các bạn học sinh có thể chọn được một con đường học tập và phát triển nghề nghiệp sau này tốt hơn, rõ ràng hơn. Ngoài việc tập trung những kiến thức trên sách giáo khoa, ngay từ năm lớp 10, K5 đã có nhiều tiết học định hướng nghề nghiệp giúp các bạn tự tin chọn nghề nghiệp hay trường đại học sau khi tốt nghiệp lớp 12. 

Lựa chọn con đường sau tốt nghiệp phổ thông luôn là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Có nhiều bạn chắc chắn sẽ đi học đại học tại Việt Nam, có bạn chọn học một ngành nghề để nhanh tốt nghiệp rồi đi làm, nhưng có nhiều bạn sẽ chọn những con đường khác. Đứng trước nhiều lựa chọn sau khi tốt nghiệp, cùng xem các bạn học sinh K5 sẽ có những định hướng gì trong năm học mới nhé !

Du học – Con đường nhanh nhất để hội nhập thành công

Học sinh FPT School sống cuộc sống “bán du học” tại Hoà Lạc, đã hiểu thế nào là xa nhà, xây dựng tính tự lập, có kỹ năng sắp xếp thời gian, quản lý tài chính nên sẽ không có nhiều khó khăn khi đi du học sớm hay gặp bỡ ngỡ trong giai đoạn đầu học đại học ở nước ngoài. Chính vì thế, sau khi tốt nghiệp cấp 3, nhiều bạn chọn cho mình con đường du học Mỹ, Canada, Úc, Nhật,… 

Bạn Trần Thảo Nguyên, học sinh lớp 12A1 với nhiều thành tích đáng nể, từng được vinh dự đại diện cho trường THPT FPT nhận khen thưởng “Học sinh tiêu biểu Thủ đô” với nhiều thành tích đáng nể. Không quá lạ khi Nguyên quyết định apply vào những trường Đại học danh giá tại xứ sở cờ hoa : “Mình đang xin học bổng tại trường Minerva University, có trụ sở chính tại San Francisco, Mỹ. Ngôi trường này hấp dẫn mình bởi mình không cần lựa chọn một ngành học cố định, giảng dạy theo mô hình “giáo dục khai phóng”, một kiểu học khá lạ. Ngoài ra, nếu như được nhận vào trường Minerva, mình sẽ có cơ hội khám phá 7 quốc gia Berlin (Đức), Buenos Aires (Argentina), Seoul (Hàn Quốc), Bangalore (Ấn Độ), Đài Bắc (Đài Loan) và London (Anh) trong 4 năm học.”

Tống Mỹ Linh – Á Quân Mic-on 2017, là một học sinh được biết đến với tài năng ca hát cực đỉnh, nhưng Linh lại chọn con đường Kinh Tế để nối tiếp sự nghiệp của bố mẹ. Tống Linh cho biết : “Mình dự định sẽ học ngành Quản Trị Kinh tế tại Úc để tiếp nối con đường của bố mẹ cũng như dễ kiếm việc làm sau khi ra trường. Mình thích ca hát, nhưng việc ca hát cũng có rất nhiều rủi ro và khó khăn. Mình sẽ vẫn giữ và duy trì khả năng ca hát, coi nó như một nghề tay trái của mình.”

Không chỉ Thảo Nguyên, Tống Linh, ⅓ số học sinh trường F có xu hướng tìm kiếm những suất học bổng 50% đến 100%, giúp bố mẹ đỡ một khoản tiền lớn khi đi du học. Để đi du học cũng cần chuẩn bị rất nhiều thứ, ngay từ lúc này, nhiều bạn học sinh đã dành thời gian để thi ôn luyện thi IELTS, làm hồ sơ, viết bài luận để phù hợp với trường mình muốn apply (đăng kí).

Không chỉ Mỹ, Úc, Nhật,… Trung Quốc cũng là một trong những đất nước được nhiều bạn học sinh FPT School chọn lựa để du học. Thanh Hằng chia sẻ : “Mình lựa chọn Trung Quốc là điểm học tập trong 4 năm sau khi tốt nghiệp vì nơi đây có nhiều thành phố lớn, năng động, với mức chi phí mặc dù lớn hơn ĐH ở Việt Nam một chút, nhưng lại có rất nhiều ưu điểm về môi trường học tập và sinh hoạt.

Đại học Quốc Tế – Nâng cao khả năng và trình độ Tiếng Anh

Ngày nay, thế giới đang trong quá trình toàn cầu hóa khiến nhiều sinh viên Việt Nam phải không ngừng học tập, trang bị những kĩ năng kiến thức, ngoại ngữ để trở thành một công dân toàn cầu. Do đó, du học đã trở thành ước mơ của hầu hết các bạn học sinh hiện nay bởi không những tiếp cận được một nền giáo dục tiên tiến còn gia tăng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Thế nhưng chi phí du học thì quá đắt đỏ, nhiều bạn vẫn chưa sẵn sàng với việc rời xa bố mẹ trong 4 năm, vì thế các bạn lựa chọn việc học tập tại các trường quốc tế tại Việt Nam. 

Đặng Lê Đức Mạnh (K5) và Phan Thế Khải (K5), 2 thành viên trong CLB Tạch Tạch của trường đều có quyết tâm vào ngôi trường Đại học Anh Quốc Việt Nam – BUV. Tuy khác lớp, nhưng Khải và Mạnh đều đang hỗ trợ nhau làm bộ hồ sơ “chất ngất” để săn học bổng tại ngôi trường Quốc tế này. Hai bạn cũng cho biết thêm lý do săn học bổng tại ngôi trường này vì có những suất học bổng liên kết với FPT, chỉ dành riêng cho học sinh trường F, cũng như cơ hội chuyển ngang sang xứ sở sương mù sẽ dễ dàng hơn. 

Lê Tuấn Nghĩa (12A2) – Một học sinh có niềm đam mê lớn với ngành Quản trị Khách sạn. Nghĩa chia sẻ : “Mình đang cân nhắc hai trường RMIT và BUV, vì cả hai trường này đều có ngành Quản trị Khách sạn mà mình thích. Phong cách học mỗi trường tuy giống nhau, nhưng mình vẫn đang cân nhắc sau khi học 2 năm ở Việt Nam, nên chuyển ngang đi Anh hay đi Úc”.

Ngoài BUV và RMIT, FPT schoolers cũng đang tìm hiểu về các ngôi trường Quốc Tế hay có các khoa liên kết như Swinburne, Vietnamese-German University (VGU, đại học Việt-Đức),…  Việc học tại các ngôi trường Quốc Tế sẽ giúp ích cho K5 muốn học tập tại môi trường quốc tế chọn được trường theo mô típ nước ngoài, về cả chất lượng, uy tín giảng dạy, chi phí phù hợp cũng như cơ hội nghề nghiệp sau này.

Đại học Việt Nam – Cũng không làm khó được học sinh trường F

Nhiều người cho rằng, cứ học FPT sẽ chỉ có hai con đường chính : Vào Đại Học FPT hoặc Đi du học nước ngoài. Điều này là hoàn toàn sai vì học sinh trường F cũng có thể chinh phục được khối trường ĐH có tiếng tại Việt Nam. 

Phương Nam – Honor Student K5, một học sinh có tiếng trong học tập và hoạt động của trường chia sẻ : “Mình đang có nhiều lựa chọn, nhiều dự định cho tương lai. Mình đã cân nhắc trường Ngoại Thương, bởi khoa Kinh Tế ở đó khá mạnh. Ngoài ra mình cũng thích mấy thứ liên quan đến máy móc, nên cũng thích ngành Công nghệ thông tin. Bên cạnh đó thì mình cũng đang aim (nhắm tới mục tiêu) học bổng của trường BUV nữa.

Giang Cao (A6) và Khải Anh (A1) đều nhắm tới mục tiêu thi vào Khoa liên kết của trường ĐH Ngoại Thương. Trong nền kinh tế hội nhập đang ngày càng mở rộng và phát triển, môi trường đào tạo trở nên vô cùng quan trọng khi đóng vai trò chủ chốt trong việc định hướng tương lai của các bạn học sinh, sinh viên. Giang Cao cho rằng Ngoại Thương chính là môi trường tốt để bản thân có thể phát triển những khả năng vốn có và hỗ trợ tốt cho ngành nghề Giang chọn sau này. 

Không chỉ ĐH Ngoại Thương, các FPT Schoolers còn quyết tâm thi đỗ ĐH Báo Chí, ĐH Kinh Tế Quốc Dân, ĐH Ngoại Ngữ, ĐH Bách Khoa, ĐH Khoa Học Xã hội và Nhân văn, ĐH Luật,…. Quỳnh Phương chia sẻ : “Chỉ cần có đam mê và khát khao cháy bỏng vào một trường nào đó, mình tin là K5 sẽ nỗ lực hết mình để có thể đạt được điều mình mong muốn”. 

Đại Học FPT – Ra trường là có ngay việc làm

Trường Đại học FPT không có tên là đại học quốc tế, tuy nhiên chất lượng đào tạo tại đây là khá chất lượng thuộc hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Sự khác biệt của Trường Đại học FPT so với các trường đại học khác là đào tạo theo hình thức liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, gắn đào tạo với thực tiễn, với nghiên cứu – triển khai và các công nghệ hiện đại nhất. Đặc biệt chú trọng kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng làm việc theo nhóm và các kỹ năng cá nhân khác. Ngoài ra, cơ số học sinh FPT sẽ chọn lên Đại Học FPT vì nó dễ dàng hơn và sau khi ra trường, tỉ lệ có việc làm ngay khá cao.

Những sự lựa chọn khác

Một phần nhỏ trong số học sinh trường F quyết định sẽ gap-year (nghỉ 1 năm) để suy nghĩ kĩ hơn về nguyện vọng và sở thích của bản thân. Có nhiều bạn lại lựa chọn tốt nghiệp xong sẽ đi học nghề để tiết kiệm thời gian (thay vì học đại học 4-5 năm thì học nghề chỉ mất 1-2 năm), tiết kiệm sức lực và tiền bạc, ra trường sớm để đi làm và phụ giúp gia đình.

Thậm chí, nhiều bạn có ý định sau tốt nghiệp đã chọn cách ở nhà phụ giúp công việc kinh doanh của gia đình, tự học hỏi kiến thức kinh doanh qua mạng internet và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp rồi khởi nghiệp làm chủ, hoặc tham gia các công việc, dự án cộng đồng…

Kết : 

Mỗi con đường mà bạn lựa chọn sẽ đưa cuộc đời bạn đến với những ngã rẽ khác nhau, tương lai xán lạn hay nhàn nhạt phụ thuộc vào cách bạn chọn lối đi riêng cho chính mình. Trong thời đại ngày nay, thế hệ trẻ thường yêu thích lối sống trải nghiệm và không chờ đợi, vì thế hãy sống hết mình trong những năm tháng thanh xuân còn lại của cấp 3, nhưng cũng đừng quên định hướng tương lai cho chính bản thân mình.

 

 

Ngày đăng: 11/11/2019

Ngày cập nhật: 11/11/2019

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh