Dung hoà giữa việc học và yêu

Cần tách biệt chuyện tình cảm và chuyện học như nào cho hợp lí ạ?

Click vào đây để xem clip!


Em thân mến,

Tình yêu tuổi học trò ở thời nào cũng có, nhưng việc quan tâm đến cách thức để tách biệt chuyện tình cảm và chuyện học hành cho hợp lý thì không dễ có, dễ thấy. Bởi thế, tâm tư và tình cảm của em thật đáng trân trọng!

Chàng trai ơi, phải chăng em đang cảm mến một bạn nào đó, hoặc các em đang trong mối quan hệ yêu thương, nhưng chuyện tình cảm có phần ảnh hưởng đến học tập, nên em muốn tìm giải pháp để tách biệt chúng? Hay câu hỏi của em chỉ là phương án dự phòng cho thời gian phía trước, bởi cảm xúc và tình yêu đâu có đợi chờ ai?

Đúng là khi yêu, một số cặp đôi chỉ muốn ở bên nhau như bóng với hình, lúc nào “nửa kia” cũng là trung tâm của vũ trụ. Bởi thế, họ thấy khó tập trung vào học tập, sức học giảm sút, sự tương tác với những người xung quanh theo chiều đi xuống. Đôi khi, họ còn có những hành vi chưa phù hợp với quy tắc ứng xử ở môi trường học đường.

Tình yêu là tự nhiên và cảm xúc nhiều khi thật mãnh liệt. Nó thách thức những người trẻ. Nó đòi hỏi người trong cuộc đủ bản lĩnh để có thể yêu với trái tim nồng ấm và một lý trí tuệ minh.

Ở tình huống trên, những cặp đôi muốn thay đổi đã nhanh chóng nhận diện vấn đề. Họ đặt ra giới hạn và sắp xếp thời gian phù hợp cho việc học tập và yêu thương. Hai người phân định thời gian rõ ràng cho mỗi việc và quyết tâm cho mục tiêu của mình.

Họ gặp nhau khoảng 2 lần vào giờ giải lao trong ngày. Mỗi cuối tuần cũng chỉ gặp nhau 1 lần với thời gian tối đa là 1,5 giờ. Họ tự nhắc nhở: chỉ nhắn tin, gọi điện cho nhau không quá 15 phút mỗi tối… Cả hai hiểu điều kiện của nhau và không đòi hỏi quá nhiều thời gian của đối phương dành cho mình. Sự sắp xếp theo chiều hướng ấy, khiến chuyện học và yêu trở nên hài hòa, giúp ích cho bản thân, cũng như người mình yêu mến.

Sự ảnh hưởng của tình yêu đến chuyện học còn ở khía cạnh khác. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã viết trong bài “Nhật ký của mẹ”:

Một ngày Mẹ thấy con buồn vu vơ, cánh hồng vẫn ở trong ngăn bàn,
Lá đâu đã vàng, hoa đâu đã tàn, cớ sao nhìn con úa thu sang?
Khi mối quan hệ không diễn ra như mong muốn, cảm giác buồn, tổn thương… ở đâu bỗng cứ ùa về, lấn át trái tim và tâm trí. Ở tình huống này, không chỉ học tập, cuộc sống của bản thân bị ảnh hưởng, mà những người yêu thương ở xung quanh cũng khó tránh khỏi những muộn phiền. Khi đó, thật tốt nếu chúng ta biết sẻ chia để nỗi buồn nhanh chóng qua đi, phải không em?

Đấy là những ảnh hưởng của các mặt khác nhau trong tình yêu đến học tập. Nhưng, em biết không, khi yêu não sẽ giải phóng dopamine khiến cho chúng ta cảm thấy hưng phấn, thấy yêu đời, yêu người và lạc quan hơn trong cuộc sống. Điều này thật tuyệt, nó sẽ là cơ sở sinh lý thần kinh thuận lợi để mỗi người thấy có động lực với tất cả những công việc cần làm. Và nhiều đôi bạn đã tận dụng cơ chế này để biến những cảm xúc được tạo lập khi yêu thành mục tiêu phấn đấu.

Nhiều anh chị khoá trên ở trường ta đã làm được điều tuyệt vời này. Có một câu chuyện điển hình cô luôn muốn chia sẻ với các em: Một bạn trai khi mới vào lớp 10 có kết quả học kỳ 1 chưa tốt vì bạn ấy không chú ý đến việc học. Nhiều bạn bè còn không có thiện cảm với chàng trai này vì trong lớp hay ngủ, làm việc tự do… gây ảnh hưởng đến giờ học.

Nhưng, từ khi có thiện cảm với cô bạn cùng lớp, bạn bè thấy bạn ấy mỗi ngày một khác: tập trung chú ý trong các giờ giảng, tích cực hỏi thầy cô, làm bài tập đầy đủ hơn… Ngoài giờ tự học, cô bạn còn dành thêm 30 phút mỗi buổi chiều để giảng thêm cho chàng trai những bài toán, bài văn khó. Ngược lại, cậu bạn đã chia sẻ, nói chuyện với cô gái bằng tiếng Anh để giúp cô ấy tăng khả năng giao tiếp ngôn ngữ này…

Chàng trai còn chịu khó tìm tòi, học hỏi, nên biết rất nhiều thứ mới mẻ chia sẻ cùng bạn bè. Mỗi ngày, anh ấy càng điềm đạm, càng biết cách ứng xử với mọi người hơn. Cách họ thể hiện tình cảm dành cho nhau cũng thật đẹp và phù hợp với lứa tuổi học trò. Và rồi, cả hai đều nằm trong top những học sinh xuất sắc nhất lớp. Cô gái thì lúc nào cũng tuyệt vời. Còn chàng trai, mỗi lúc lại có được niềm tin yêu, ngưỡng mộ của mọi người nhiều hơn.

Cô mong rằng câu chuyện của họ có thể truyền cảm hứng để em có thể xây dựng được mối quan hệ như ý. Và mong em nhớ lời dặn dò từ Benjamin Franklin: “Nếu đam mê chở bạn đi, hãy để lý trí nắm dây cương”.

Luôn là chàng trai giàu cảm xúc nhưng đủ mạnh mẽ, lý trí để làm chủ cuộc đời mình em nhé!

” Cuộc sống không có sự cân bằng có thể làm hỏng những mối quan hệ của bạn. Cuộc sống không có sự cân bằng có thể làm sức khoẻ của bạn tồi tệ hơn. Cuộc sống không có sự cân bằng có thể làm tổn thương tâm hồn bạn. Cuộc sống không có sự cân bằng có thể làm bạn đánh mất sự giàu sang và hạnh phúc.”

 

PHỤ TRÁCH CHUYÊN MỤC

Cô Phùng Hiên – Thạc sĩ tư vấn tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên

Liên hệ tư vấn trực tiếp:
Phòng PDP – Phòng 106, tòa nhà Beta

Hoặc qua kênh online:

https://www.facebook.com/phung.hien.18

[email protected]

 

Ngày đăng: 26/11/2019

Ngày cập nhật: 26/11/2019

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

Học sinh trường THPT FPT Hà Nội tái hiện lớp học Việt Nam qua các thời kỳ nhân dịp 20/11
Quán Quân Well-being AVC24 Trần Thy Khuyên – học sinh trường THPT FPT Hà Nội: “Tự nhận mình không giỏi xuất chúng nên phải rất chăm”
Khám phá sắc màu văn hóa đa quốc gia ngay tại lớp học tiếng anh cùng học sinh trường THPT FPT Hà Nội
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội trổ tài khéo tay làm tranh sáng tạo từ thiên nhiên
Bùng nổ các màn trình diễn tại vòng sơ loại cơ sở cuộc thi Khơi nguồn Võ Việt 2024
Trường THPT FPT Hà Nội trang bị cho học sinh kiến thức an toàn trên không gian mạng 
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội gặp gỡ, giao lưu với học sinh trường THPT DaiDo Nhật Bản
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội tự tin giao lưu với học sinh Đài Loan qua dự án “Lớp học xuyên biên giới”
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội phát triển kỹ năng và tư duy qua hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp
Trường THPT FPT Hà Nội chào đón đại diện trường Shibaura Institute of Technology đến thăm và giao lưu

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh