Tôn vinh người phụ nữ cùng The Inner Her 2020
Hóa thân thành nhân vật văn học, nhẹ nhàng catwalk với trang phục người con gái Việt qua từng thời kì, The Inner Her đã để lại trong lòng học sinh, giáo viên nhà trường THPT FPT một ngày 20/10 độc đáo cùng các trải nghiệm, hiểu biết về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam
The Inner Her là món quà đặc biệt để tri ân, thể hiện sự tôn vinh, trân trọng của nhà trường THPT FPT dành tặng phái nữ qua hoạt động “có một không hai”: các nam sinh sẽ đóng giả hình ảnh người con gái, qua các phần thi tài năng để đoạt danh hiệu cao nhất trong sự kiện.
Năm nay, để đón chào sự kiện lý thú này, Ban tổ chức chương trình lựa chọn chủ đề “Son” lấy cảm hứng từ tác phẩm “Bánh trôi nước” của tác giả Hồ Xuân Hương. Son, vừa là tên vật dụng làm đẹp quan thuộc của nữ giới, nhưng cũng đồng thời chỉ ra phẩm chất đáng quý: thủy chung son sắt – một giá trị tiêu biểu trong hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xuyên suốt lịch sử.
Những nam sinh cá tính là vậy, nhưng trong sự kiện này, các bạn lại đặc biệt phối hợp để hoàn thành phần thi thật xuất sắc, vì thế mà, dù khoác lên trang phục catwalk sánh đôi cùng các “nam thần”, hay khi xuất thần trong những đoạn kịch, khán giả đều cảm nhận được không khí, chút “hồn” nhân vật, hòa quyện cùng “chất” rất riêng của những thí sinh. Sự kiện The Inner Her có lẽ vậy mà thu hút đông đảo sự quan tâm của các học sinh.
1. Nét đẹp qua thời gian
Không rối rắm với kiến thức lịch sử đồ sộ, phần thi catwalk của The Inner Her 2020 mang đến hiệu quả nhất định với hầu hết khán giả. Các thí sinh sẽ hóa trang thành hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua các thập niên. Qua phần thi này, các nam sinh được phô bày khí chất đa dạng cùng khả năng trình diễn chuyên nghiệp. Đồng thời, đây có thể coi là “thước phim” lịch sử ngắn gọn nhất, bao hàm được một số bộ phận quá khứ có thể nhìn nhận khi tiếp cận các hình ảnh điển hình, đa dạng của người phụ nữ qua tiến trình thời gian. Phần thi còn truyền cảm hứng cho các học sinh để tìm hiểu sâu hơn “lai lịch” của các trang phục ấy.
Đầu tiên là trang phục Nhật Bình, cùng người mặc tỏa lên thần thái khác biệt nhưng ấn tượng được thí sinh Nguyễn Thành Công thể hiện vô cùng xuất sắc.
Nối tiếp là trang phục áo dài ngũ thân thập niên 30 của thí sinh Lại Minh Đức. Bạn đã hóa thân ấn tượng khi “cập nhật” những phụ kiện thịnh hành bấy giờ: vòng ngọc trai, nhẫn hột xoàn.v.v.
Với bộ váy trắng khoe dáng kết hợp cùng kiểu tóc xoăn phồng thời thượng, thí sinh Trương Nguyễn Việt Quang tái hiện người phụ nữ của những năm 60 của Sài Gòn. Kính râm bản lớn và đôi bông tai, dáng đi tự tin của bạn đã phác họa khí chất người con gái khi ấy: tự tin, phóng khoáng, cởi mở.
Thí sinh Vũ Hoàng Phúc chọn người phụ nữ những năm 1980 – 2000 làm hình mẫu để hóa thân với những đặc điểm nhận biết không thể nhầm lẫn: kiểu tóc xoăn cá tính, trang phục hiện đại, năng động mà vẫn toát lên vẻ nữ tính rất riêng
Đại diện cho người phụ nữ Việt đầu thế kỷ XXI, thí sinh Đào Nguyên Phát bận áo dài đơn giản, thanh thoát, duyên dáng khi tạo điểm nhấn “thời thượng” với mũ beret cùng áo vest hững hờ.
2. Văn học và thực tiễn
Văn học được tái hiện đặc sắc qua phần thi diễn kịch/ nhạc kịch. Đây không chỉ là phần thi mang tính giải trí cao mà giá trị kiến thức mang lại cũng vô cùng hiệu quả. Sự sống động qua những màn kịch ngắn đan xen với cách thể hiện sáng tạo là điểm cộng của phần thi, từ đó, văn học trở nên gần gũi hơn đặc biệt với thế hệ học sinh toàn trường. Bên cạnh đó, các giáo viên có thời gian đưa ra cái nhìn và nhận xét khách quan hơn về tri thức văn học, rút ra được kinh nghiệm quý báo trong giảng dạy.
“Tấm Cám” quen thuộc được thể hiện bởi thí sinh Lại Minh Đức gợi nhắc bài học về thế chủ động của người phụ nữ trong cuộc sống: chủ động với hạnh phúc, với bản thân và sẵn sàng đứng lên trước sự ức hiếp của cái xấu.
“Truyện Kiều” của Nguyễn Du là tác phẩm mà thí sinh Trương Nguyễn Việt Quang lựa chọn. Một nàng kiều “tài sắc vẹn toàn” không chỉ được tái hiện qua sân khấu mà thoát khỏi ngôn từ, thí sinh mang lại một Thúy Kiều mạnh mẽ, đầy sức sống.
Điểm nhấn bởi sự độc đáo là những gĩ màn múa đương đại thể hiện đoạn trích “Vợ chồng A Phủ” thể hiện. Vũ Hoàng Phúc tuy có những bước nhảy còn “vụng về” nhưng thành công truyền tải sự đặc sắc trong đoạn trích.
Tác phẩm tiêu biểu trong trào lưu văn học hiện thực “Chí Phèo” là sân khấu của thí sinh Đào Nguyên Phát. Nam sinh hóa thân vào nhân vật Thị Nở, nhưng lại bộ lộ cái nhìn, quan điểm hiện đại, thoát khỏi nguyên gốc của Nam Cao để hướng về tương lai tươi sáng, hứa hẹn hơn.
Thí sinh Nguyễn Thành Công mang một vở kịch chuyên nghiệp với vai diễn chị Dậu. Để phù hợp với quy mô chương trình, tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố được tinh giản nhưng vẫn nêu bật được những phân đoạn giá trị cao với khán giả.
Với sự nhập vai của những học sinh, khán giả thấy được một góc cá tính, hiện đại của chính thí sinh tham dự. Trên sân khấu, khán giả vừa thấy những nữ nhân vật văn học mang dáng dấp thời kỳ lịch sử, vừa cảm thấy gần gũi bởi những câu thoại mới nổi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng với nguyên tác.
3. Kết
The Inner Her 2020 là một sự kiện ý nghĩa, phong phú, mang lại thời gian giải trí sôi nổi với thầy và trò trường THPT FPT. Sự kiện chào mừng ngày 20/10 còn là dịp tôn vinh, tri ân người phụ nữ Việt Nam, và đặc biệt trong nhà trường càng thêm ý nghĩa vì các học sinh có cơ hội tiếp cận, “nhập vai” và tìm hiểu bóng dáng phái nữ qua thời gian, thấy được muôn màu, muôn vẻ của họ: mạnh mẽ, tần tảo, tự tin, dịu dàng,v.v. Từ thấu hiểu, các bạn sẽ có cách thức hành động đúng đắn, yêu thương dành trọn cho những người phụ nữ xung quanh – những người xứng đáng được nâng niu, trân trọng, và tình yêu thương.
Chuyên mục: Tin FSchool Tin tức
Ngày đăng: 21/10/2020
Ngày cập nhật: 10/11/2020
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025