Quản nhiệm – nghề “trồng người khác lạ” trong trường nội trú
Họ là những người không lên bục giảng vẫn được gọi là thầy cô, thậm chí đôi khi còn được gọi thân thương gần gũi hơn là bố, mẹ. Họ không cầm phấn nhưng theo sát học sinh không kém bất kỳ giáo viên nào.
Nghề lạ mà quen
Với đặc thù là mô hình đào tạo nội trú, tại THPT FPT (FSchool), một lực lượng quan trọng trong quá trình vận hành trường học là các thầy cô quản nhiệm. Họ là những người theo sát từng bữa ăn, giấc ngủ, nếp sống hàng ngày của các em. Không những thế, họ là cầu nối thông tin giữa học sinh với giáo viên, học sinh với gia đình và trong chính cộng đồng nội trú. Bởi vậy, với nhiều phụ huynh và các con học tập tại những mô hình truyền thống, quản nhiệm là một khái niệm có phần xa lạ, nhưng với mô hình nội trú, họ là mắt xích không thể thiếu.
Ở FSchool, những thầy cô quản nhiệm không chỉ trực ban ngày thì còn cả đêm, được học sinh gọi vui là “sát thủ bóng đêm” vì sẽ kiểm tra từng phòng, nhắc nhở em nào còn dùng thiết bị điện tử trong đêm, hay gây mất trật tự ảnh hưởng đến giấc ngủ của tập thể. Họ cũng đặc biệt chú ý đến những bạn có vấn đề về sức khỏe, theo dõi tình trạng của các bạn để có những tình huống phòng tránh kịp thời. Họ cố gắng nắm bắt tất cả các vấn đề của học sinh để hỗ trợ các em tốt nhất trong việc thích nghi và phát triển trong môi trường nội trú.
“Trồng người”theo cách rất riêng
Quản nhiệm không chỉ là người theo sát sinh hoạt hàng ngày của học sinh. Họ còn là người bạn, người anh, người chị, người gắn bó với đời sống của các em. Với vị trí này, có lẽ điều khó khăn nhất với quản nhiệm là hiểu, nắm bắt tâm lý của các cô nhóc, cậu nhóc đang tuổi ăn tuổi lớn. Khả năng lắng nghe và đặt mình ở vị trí các bạn teen là một năng lực đặc biệt ở quản nhiệm.
“Công việc này có thể không đòi hỏi ở bạn chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, nhưng để làm tốt công việc này, nhất là tại THPT FPT đòi hỏi sự quan sát và thấu cảm rất cao. Thứ nhất là học sinh của mình nhanh nhẹn, thông minh, có khả năng giao tiếp và tư duy tốt, vì vậy bạn không chỉ cần sự năng động mà còn phải có kiến thức, trải nghiệm thật sự để nói chuyện với các em. Thứ hai, FSchool đặt việc tôn trọng cá nhân học sinh lên hàng đầu, vì vậy, chúng tôi cũng cần khéo léo, tinh tế hơn trong việc quan sát và lắng nghe, để các em cảm thấy ở nội trú nhưng mình vẫn có được sự tự do, an toàn, không có cảm giác bị giám sát.” – cô Thu Nga, một quản nhiệm lâu năm tại FPT School cho biết.
Chính bởi đặc thù ấy, công việc của các thầy cô quản nhiệm tại FSchool không chỉ dừng lại ở việc chăm chút mà cần phải thật sự gần gũi học sinh, được các em tin tưởng. Điều này không có trường, lớp nào đào tạo được mà đều dựa trên sự thấu cảm của mỗi người. Thầy cô luôn tìm cách lắng nghe, tìm cách làm sao để học sinh nói chuyện, chia sẻ với mình. Nhiều thầy cô quản nhiệm đã dành nhiều giờ ngoài thời gian làm việc để làm quen, tìm hiểu các em.
Dồn nhiều tâm tư là vậy, có lẽ món quà lớn nhất đối với các thầy, cô quản nhiệm là thấy các khóa học sinh ngày càng trưởng thành hơn, sống tự lập và tình cảm hơn, bố mẹ các em yên tâm để con học tập và phát triển xa nhà. Nhiều học sinh FSchool còn gọi thầy, cô quản nhiệm là “bố”, là “mẹ”.
Nhiều thế hệ học sinh FSchool đã coi thầy cô quản nhiệm như người thân của mình. Cô Nga nhớ mãi kỷ niệm về một buổi tối khó quên: “Hồi ấy tôi quản lí ở phòng 507, khi chuẩn bị đi ngủ thì học sinh gọi cho tôi bảo rằng chúng con chuẩn bị họp phòng mời cô lên. Lên tới nơi, thấy các em căng thẳng, tôi chưa kịp hiểu chuyện gì thì một em ra tắt điện và nói “Đi ngủ đi, không phải giải quyết nữa”. Tôi còn chưa phản ứng thì bánh và nến kèm những lời hát chúc mừng sinh nhật cũng vang lên, rèm ban công mở ra những món quà được xếp ở ngoài đó, mỗi em một món tặng mình. Tôi xúc động vì học sinh đã trưởng thành và sống tình cảm hơn rất nhiều so với lúc đầu vào trường.”
Cùng trưởng thành với những cậu ấm cô chiêu tuổi 15
Không chỉ được học sinh tin tưởng, yêu thương, điều các thầy cô quản nhiệm hạnh phúc nhất trong công việc là khi học sinh của mình trưởng thành, tự lập, sống có trách nhiệm và có ý nghĩa.
Thầy Hiếu, một quản nhiệm gắn bó với FSchool từ những ngày đầu cho biết, anh mình nhớ mãi câu chuyện về một học sinhcó nhiều vấn đề tâm lý. Thời gian đầu cả thầy cô và bạn bè đều khó gần em. Sau một học kỳ kiên trì lắng nghe, em cũng thay đổi, cởi mở hơn với bạn bè và việc học. “20/11 hằng năm chưa bao giờ bạn ấy bảo bố mẹ lên gặp thầy cô, nhưng 20/11 năm ấy thì bạn ấy đã bảo bố mẹ lên gặp thầy Thái quản nhiệm. Em cũng dần tự lập, đến năm lớp 12 đã quyết định không đi học đại học mà xin bố mẹ làm kinh doanh. Bố em lên trường gặp các thầy cô và chia sẻ mình rất hạnh phúc với sự trưởng thành này của con.”
“Tại FSchool, các thầy cô quản nhiệm có vai trò đặc biệt, có thể nói đã cùng các em trưởng thành. Chúng tôi luôn trân trọng những nỗ lực của các thầy cô quản nhiệm và tạo điều kiện để phát triển, gắn bó mối quan hệ này hơn nữa”– cô Nguyễn Thị Tân, hiệu trưởng THPT FPT chia sẻ.
Chuyên mục: Tin FSchool Tin tức
Ngày đăng: 22/12/2020
Ngày cập nhật: 22/12/2020
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025