Có nên học nội trú FPT hay không? Đánh giá chi tiết về trường cấp 3 “xanh” nhất Hà Nội này

Theo Afamily – Cơ sở vật chất của trường nội trú ở Hà Nội này xịn xò với phòng ốc rộng thoáng, có cả hồ vịt, đồi thông cùng các dịch vụ tiện ích. Nhưng bên cạnh những “chiều chuộng” đó, học sinh tại đây cũng phải chấp hành kỷ luật khắt khe.

Cơ sở vật chất sang xịn, tiện ích đầy đủ

Khác với hai cấp học Tiểu học và THCS nằm ở nội thành, học sinh chỉ học bán trú, cấp học THPT của trường FPT hoạt động theo mô hình nội trú, có trụ sở đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội). Trường nội trú này cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, cùng khuôn viên trong “hệ sinh thái” giáo dục FPT, bao gồm trường Đại học FPT, khu ký túc xá, văn phòng và các tiện ích khác. 

Học sinh theo học tại THPT FPT phần lớn đều ở nội trú tại ký túc xá, học tập và sinh hoạt tập trung từ thứ hai tới thứ sáu hàng tuần. Vào hai ngày cuối tuần, nếu về nhà, học sinh có thời gian hoàn toàn tự do dành cho gia đình, không có bài tập. Nếu ở lại ký túc xá, học sinh vẫn phải tuân thủ một số nội quy của ký túc xá.

Khuôn viên rộng thoáng của “hệ sinh thái” FPT tại cơ sở Láng – Hòa Lạc.

Trường nội trú ở Hà Nội này nằm trong khuôn viên rộng 30ha, được ví như một resort với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Ký túc xá dành riêng cho học sinh biệt lập với ký túc xá sinh viên, gồm Dom E dành cho nam sinh (24 người/phòng) và Dom G dành cho nữ sinh và nam sinh lớp 12 (6 người/phòng). 

Những tòa nhà giảng đường và ký túc xá được thiết kế để khai thác tối đa ánh sáng tự nhiên, hướng gió nhằm tạo ra không gian trong lành, thoáng đãng. Tất cả học sinh đều ngủ ở giường tầng và mỗi học sinh có 2 tủ để đồ cá nhân.

Các Dom dành cho học sinh đều được thiết kế hiện đại, mỗi phòng có 6 hoặc 24 học sinh.

Dom E có khu vệ sinh, nhà tắm tách biệt nằm ở 2 đầu hành lang, còn Dom E có khu phụ ngay trong phòng ở. Ở các tầng ký túc xá đều có sảnh sinh hoạt chung được bài trí phù hợp với chủ đề của tháng cũng như một số trò chơi tập thể để học sinh giải trí.

Cùng với các phòng ở, học sinh sống tại ký túc xá còn được sử dụng các tiện ích khác như quảng trường, đồi thông, hồ sen… cùng các dịch vụ khép kín như canteen, siêu thị, quán cafe, tiệm làm tóc… không khác gì cuộc sống bên ngoài ký túc xá.

Tuy nhiên, để đảm bảo cho việc học tập cũng như an toàn của học sinh trên không gian mạng, học sinh tại trường THPT FPT không được phép sử dụng smartphone mà chỉ được dùng điện thoại “cục gạch” để liên lạc, cùng với iPad, laptop. Trường chủ trương dạy và học trên nền tảng công nghệ nhưng các học sinh không thể thoải mái online. 

Mỗi em được cấp cho một tài khoản kèm mã số để truy cập mạng nội bộ của FPT và chỉ có thể sử dụng internet trong giờ học, giờ tự học buổi tối tại các giảng đường và ở thư viện. Những khu vực khác, đặc biệt là trong khuôn viên ký túc xá, mạng wifi và sóng 3G bị… chặn triệt để.

Học sinh không được phép dùng smartphone trong trường và ký túc xá, nhưng laptop là dụng cụ học tập bắt buộc.

Tự do bày tỏ cá tính, được là chính mình nhưng phải chấp hành kỷ luật khắt khe

Với triết lý tôn trọng cá tính, phát huy năng lực cá nhân của học sinh, học sinh ở THPT FPT được phép mix các loại trang phục theo sở thích cá nhân để mặc cùng áo đồng phục, được phép cắt, nhuộm tóc khá tự do, tô son, thậm chí xỏ khuyên hay mang cả… chăn lên giảng đường. Chỉ cần các em ăn mặc không hở hang, phản cảm và luôn đi giày là được. Cùng với các tiện ích cơ bản được đáp ứng, có thể thấy THPT FPT là môi trường cởi mở, “thoáng” hơn rất nhiều so với các trường cùng cấp khác.

Ở Hà Nội có một trường nội trú đẹp như resort, dịch vụ tiện ích tới tận "chân tơ kẽ tóc" nhưng kỷ luật cũng không phải tầm thường - Ảnh 5.
Ngoài việc phân khu khá khoa học, các thầy cô quản sinh tại khu nội trú cũng kiểm soát chặt chẽ để các học sinh khác giới không có cơ hội gặp nhau tại khu Dom.

Nhưng ngược lại, nhà trường và đặc biệt là khu ký túc xá có những quy định cực kỳ khắt khe đối với học sinh. Trong 5 ngày học tập trung, học sinh tuyệt đối không được bước chân khỏi cổng trường. Học sinh cũng phải tuân thủ thời gian biểu trong ngày. Thời gian biểu này được các thầy cô quản sinh, giáo viên kết hợp giám sát chặt chẽ. Cụ thể:

– 6h30 – 7h25: Thức dậy, vệ sinh cá nhân và ăn sáng

– 7h30 – 10h50: Rời khỏi ký túc xá để đến giảng đường học chính khóa

– 10h50 – 11h55: Ăn trưa tại canteen. 

– 12h: Về Dom điểm danh và nghỉ trưa

– 13h30 – 16h40: Học chính khóa và các chương trình phát triển cá nhân 

– 16h40 – 19h30: Thời gian sinh hoạt CLB, hoạt động thể chất, giải trí, ăn tối, sinh hoạt tự do

– 19h30 – 21h00: Tự học tại giảng đường (có điểm danh) 

– 21h00: Về Dom điểm danh, sinh hoạt chung, trực nhật… 

– 22h30: Toàn bộ hệ thống đèn được tắt, học sinh đi ngủ. 

Cuối tuần, các học sinh có thể sinh hoạt tự do trong khuôn viên trường, nhưng giờ điểm danh tại Dom (6h30 sáng, 12h trưa, 21h tối) vẫn được giữ nguyên.

Để tránh các tệ nạn, tiêu cực xảy ra giữa học sinh trong môi trường nội trú, các thầy cô quản sinh đều rất nghiêm túc trong việc điểm danh cũng như uốn nắn, giáo dục kịp thời, thậm chí là phạt (phạt dọn vệ sinh, đứng ngoài cửa phòng cho đến giờ ngủ, ngủ ở sảnh…).

Một trong những điều “tối kỵ” ở ký túc xá học sinh tại FPT, đó là sự gặp gỡ, giao tiếp giữa các nam và nữ. Các bảo vệ, quản sinh túc trực liên tục trong những giờ có học sinh, đường đi từ giảng đường về các Dom G, E cũng được chia riêng biệt, đảm bảo không “lọt” học sinh, sinh viên khác giới. 

Ở Hà Nội có một trường nội trú đẹp như resort, dịch vụ tiện ích tới tận "chân tơ kẽ tóc" nhưng kỷ luật cũng không phải tầm thường - Ảnh 8.
Ngoài việc phân khu khá khoa học, các thầy cô quản sinh tại khu nội trú cũng kiểm soát chặt chẽ để các học sinh khác giới không có cơ hội gặp nhau tại khu Dom.

Tại Dom G (có nam và nữ ở chung tòa, khác tầng), nam và nữ cũng được bố trí đi theo hai khu vực cầu thang khác nhau để không thể chạm mặt. Các học sinh cùng giới tính nhưng ở khác phòng cũng chỉ có thể gặp nhau tại không gian công cộng chứ không được qua lại phòng nhau sau giờ tắt đèn. 

Ban đêm, ký túc xá có đội ngũ quản sinh trực đêm riêng. Không chỉ học sinh, ngay cả các thầy, cô quản sinh cũng không được có mặt ở khu vực phòng ở, hành lang khác giới. 

Vì thế, ở THPT FPT, học sinh có thể yêu đương, hẹn hò với nhau hoặc với các sinh viên của trường, nhưng không có “cơ hội” để quá thân mật, gần gũi. Những “tệ nạn” khác có thể nảy sinh ở tuổi ẩm ương như sử dụng smartphone, sử dụng chất kích thích, đánh nhau… cũng được kiểm soát triệt để trong khuôn viên nội trú.

Tự lập để trưởng thành – triết lý hàng đầu trong khu nội trú 

Một điều khá thú vị nữa trong việc học trường nội trú ở Hà Nội này là các học sinh được làm quen sớm với việc tự lập. Đây có thể coi như một bước đệm trung gian giữa giai đoạn hoàn toàn trong vòng tay bố mẹ và giai đoạn độc lập sau này ở bậc đại học.

Ở Hà Nội có một trường nội trú đẹp như resort, dịch vụ tiện ích tới tận "chân tơ kẽ tóc" nhưng kỷ luật cũng không phải tầm thường - Ảnh 9.
Học sinh THPT FPT đi bộ về Dom nghỉ trưa.

Cuộc sống tại ký túc xá như một xã hội thu nhỏ, các học sinh phải thích nghi, tập giải quyết các vấn đề cá nhân như quản lý tài chính (bố mẹ sẽ phát sinh hoạt phí, các bạn phải tự cân đối giữa tiền ăn, các hoạt động giải trí như cafe, làm tóc…); quản lý thời gian cân bằng giữa việc học tập và hoạt động ngoại khóa; mối quan hệ giữa các bạn cùng phòng… 

Tại đây, ngoài khu vực sảnh và hành lang sẽ do lao công dọn dẹp, khu vực trong phòng, khu vệ sinh, giường tủ cá nhân, việc bê nước uống, đổ rác… sẽ do các học sinh phân công nhau trực nhật. Dù là phòng nam hay nữ đều phải sạch sẽ, gọn gàng vì có quản sinh nhắc nhở, kiểm điểm kịp thời. Trên giường, học sinh chỉ được phép để chăn, gối và gấu bông. Khi ra khỏi phòng, học sinh phải gấp chăn gối vuông vức theo đúng quy chuẩn.

Dù là phòng nam hay nữ đều phải sạch sẽ, gọn gàng vì có quản sinh nhắc nhở, kiểm điểm kịp thời.

Ngay cả ở canteen, các học sinh cũng phải tự phục vụ: Tự bê thức ăn ra bàn, tự đổ thức ăn thừa, tự dọn khay, thìa nĩa để vào khu vực quy định… Nếp sống nội trú đó đã rèn cho học sinh THPT FPT thói quen tự lập, chủ động làm phần việc của mình, tuân thủ kỷ luật và từ đó trưởng thành hơn. 

Hiện tại, học phí tại THPT FPT là 25 – 30 triệu đồng/kỳ, phí ký túc xá (bao gồm phí quản lý, điện nước) là 7 triệu đồng/kỳ. Tính cả tiền ăn uống và các phụ phí khác, trung bình mỗi học sinh nội trú tại THPT FPT tốn khoảng 12 – 14 triệu đồng/tháng.

 

Ngày đăng: 24/12/2020

Ngày cập nhật: 20/10/2021

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh