Nhân vật văn học, lịch sử “sống lại” trên sân khấu trường học
Điểm nổi bật của chương trình là 3 tiết mục kịch xuất sắc “Toà tuyên án”, “Đời 1930s”, và “Vùng lên” mang nhiều ý nghĩa lịch sử và bài học thực tế với những kiến thức phổ thông.
Bản giao hưởng kịch được hoà quyện giữa các yếu tố kết cấu nội dung chặt chẽ, âm nhạc hào hùng, hình tượng nhân vật khắc hoạ rõ nét đã khiến bao khán giả “nổi da gà” khi nhìn lại tiến trình phát triển của lịch sử văn học dân tộc.
“Đời 1930s” là vở kịch có “sức nặng” về chiều sâu nội tâm nhân vật,mong muốn tái hiện một bức tranh xã hội Việt Nam giai đoạn trước cách mạng tháng Tám qua các tác phẩm “Hai đứa trẻ”, “Số đỏ” và “Chí Phèo”. Mượn một giấc mơ theo con tàu về Hà Nội, chị em Liên và An đã được chứng kiến một Hà Nội của những gánh hàng rong, của cuộc đấu tranh dân chủ nhân quyền, của “Tấn trò đời” mang tên “Hạnh phúc của một tang gia” cùng những giọt nước mắt tỉnh ngộ muộn màng của Chí Phèo.
Cách học sinh diễn như sống cùng nhân vật, hiểu tác phẩm và cảm nhận được ý nghĩa truyền tải chứng minh học tập trải nghiệm cùng việc sân khấu hóa các tác phẩm văn học là hướng đi đúng đắn mà thầy và trò trường THPT FPT đang hướng đến.
Với phương châm tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với nhu cầu thực tế của học sinh, những năm gần đây, các buổi sinh hoạt ngoại khóa theo hình thức “sân khấu hóa các tác phẩm văn học” đã quen thuộc đối với học sinh trường THPT FPT. Tham gia hoạt động này, học sinh của từng lớp được lựa chọn những tác phẩm ngữ văn, lịch sử, địa lý, GDCD trong chương trình giảng dạy để nghiên cứu, chuyển thể sang hình thức sân khấu hóa.
Tác phẩm “Bản án cuối cùng” của nhóm GDCD được lấy cảm hứng từ bộ phim nổi tiếng trên Netflix mang tên “Thirteen Reasons Why”. Vở đề cập đến những góc khuất học đường như tệ nạn bắt nạt, nói xấu…. Không chỉ đem đến những cung bậc cảm xúc mới lạ, những tình tiết đầy hấp dẫn, “Bản án cuối cùng” chứa đựng những kiến thức pháp luật quan trọng đối với các bạn thanh thiếu niên. Bản án hiện thực đã khép lạinhưng bản án lương tâm thì còn mãi.
Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên trường THPT FPT nhìn nhận: “Văn học là nhân học; không có phương pháp chung nhất cho mọi giáo viên dạy môn Ngữ văn. Việc sân khấu hóa tác phẩm văn học có sức hấp dẫn với học sinh bởi phương pháp này đã khơi gợi được cho các em ý muốn tìm hiểu về tác giả, hoàn cảnh sáng tác tác phẩm. Đồng thời, đây cũng là cách tạo điều kiện để học sinh phát huy vai trò tự chủ trong việc học, không bị giới hạn, bó buộc bởi những nội dung trong bài giảng của giáo viên”.
Phương pháp này giúp học sinh chủ động tiếp cận văn bản, thâm nhập vào thế giới của tác phẩm để cảm nhận về các nhân vật và chi tiết trong tác phẩm sau đó tái hiện trên sân khấu lớp học. Ngoài ra học sinh còn được tự mình sáng tạo trong cách diễn xuất làm sao để diễn tả được sâu sắc tính cách, nội tâm của nhân vật mình đóng vai.
Với những học sinh không tham gia diễn xuất cũng cần đọc văn bản thật kĩ và cảm nhận về nhân vật trong tác phẩm để đối chiếu với hình ảnh nhân vật được tái hiện trên sân khấu lớp học và đưa ra nhận xét của mình. Từ đó, các tiết học ngoại khóa theo hình thức sân khấu đã thực sự tạo được hứng thú cho đại đa số học sinh để các em học tập có hiệu quả. Phương pháp học này cũng góp phần xây dựng ở các bạn học sinh thói quen đọc sách đề hiểu tác phẩm nhiều hơn.
Chuyên mục: Tin FSchool Tin tức
Ngày đăng: 20/01/2021
Ngày cập nhật: 20/01/2021
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025