Học sinh lớp 10 “nâng niu từng hạt mầm”

Nâng niu từng hạt mầm, lo lắng cho chúng đủ nước, đủ ánh sáng, đủ độ ẩm để lên thành những mầm xanh… đó là điều mà các học trò lớp 10E đang làm suốt mấy ngày nay. Hoạt động thú vị này nằm trong bài thực hành môn Công nghệ: Xác định sức sống của hạt.

HS lớp 10E với hộp đựng hạt mầm đang lên

HS lớp 10E với hộp đựng hạt mầm đang lên

Đang giờ ăn trưa nhưng các bạn Nguyễn Hoàng Nam (học sinh lớp 10E) vẫn không quên nhiệm vụ của mình: Tưới nước cho thùng gieo hạt mầm. Nhóm của Nam đã bắt đầu bài thực hành môn công nghệ được 2 ngày. Những hạt mầm được gieo trong thùng đựng giá thể xơ dừa đang băt đầu tách vỏ, một số hạt mạnh mẽ đã he hé nhú những mầm xanh nhỏ xíu, phải tinh mắt lắm mới nhìn thấy. Thành quả ban đầu này chính là do cả nhóm của Nam cùng nhau săn sóc, nâng niu.

Hộp đựng hạt mầm trồng trên giá thể xơ dừa

Hộp đựng hạt mầm trồng trên giá thể xơ dừa

Cô Nguyễn Thị Quỳnh Trang, giáo viên môn Công nghệ cho biết, yêu cầu trồng rau mầm được đưa ra trong bài thực hành Xác định sức sống của hạt. Theo đó, cả lớp được chia thành các nhóm và nhận nhiệm vụ gieo, trồng và chăm sóc rau mầm. Mỗi nhóm sẽ phải quan sát, báo cáo, ghi lại hình ảnh phát triển của hạt mầm theo từng giai đoạn cho tới khi lớn thành cây rau mầm.

Mỗi nhóm cũng được yêu cầu thử nghiệm trồng rau mầm trên 2 loại giá thể – trồng trên giấy ăn và trồng trên giá thể xơ dừa. Dựa vào tình trạng phát triển của các hạt mầm khi được trồng ở 2 loại giá thể khác nhau, các bạn sẽ hiểu hơn về vai trò của đất, các chất dinh dưỡng, chế độ chăm sóc cần thiết cho sự phát triển của cây.

Ngoài gieo, trồng, các bạn HS còn phải quan sát, theo dõi và báo cáo quá trình, kết quả của việc gieo trồng hạt mầm

Ngoài gieo, trồng, các bạn HS còn phải quan sát, theo dõi và báo cáo quá trình, kết quả của việc gieo trồng hạt mầm

“Đây là bài thực hành đầu tiên môn Công nghệ 10 của các em trong học kì 1. Bài thực hành giúp các bạn học sinh xác định được tỉ lệ nảy mầm của hạt, nắm được những kiến thức về độ hòa tan của đất, biết cách chăm sóc, trồng cây…” – cô Quỳnh Trang cho biết.

Cô nhận xét, các học sinh tỏ ra rất hứng thú với bài thực hành, bởi các em được tự trồng và chăm sóc cây, được cùng nhau làm việc nhóm và cùng thi đua để đạt kết quả cao nhất cho nhóm của mình. Kết quả bài thực hành sẽ được tính điểm 15 phút cho môn học Công nghệ.

Bạn Nguyễn Hoàng Nam (ngoài cùng bên trái)

Bạn Nguyễn Hoàng Nam (ngoài cùng bên trái)

Bạn Nguyễn Hoàng Nam (học sinh lớp 10A) chia sẻ, bạn rất thích làm bài thực hành này và cảm thấy thú vị khi được trải nghiệm việc trồng cây rau mầm. Chứng kiến quá trình hạt giống nảy mầm, lớn lên mỗi ngày khiến Nam thích thú, tự hào và hiểu hơn về các kiến thức đã học.

“Em học được những kinh nghiệm trong việc che ánh sáng, tưới đủ nước để chăm cây… cảm giác như được làm ruộng thực thụ” – Nam nói.

Mỗi thành viên đều cố gắng để nhóm mình đạt kết quả cao nhất trong bài thực hành thú vị này

Mỗi thành viên đều cố gắng để nhóm mình đạt kết quả cao nhất trong bài thực hành thú vị này

Còn bạn Nguyễn Hồng An, một thành viên trong nhóm của Nam cho hay, các bạn cũng gặp phải không ít khó khăn trong quá trình làm bài thực hành. “Vấn đề quan trọng nhất là bảo đảm chế độ nước đầy đủ cho cây. Chúng em thỉnh thoảng vẫn bị xao nhãng, hoặc quên không tưới nước khiến cho cây bị thiếu nước và ảnh hưởng đến sự phát triển của cây” – An chia sẻ.

Bài thực hành khiến môn Công nghệ trở nên gần gũi, thú vị hơn với mỗi học sinh

Bài thực hành khiến môn Công nghệ trở nên gần gũi, thú vị hơn với mỗi học sinh

Tuy nhiên, hầu hết các bạn học sinh đều đồng ý rằng, được làm bài thực hành, được nâng niu từng hạt mầm là một niềm vui, khiến mỗi nhóm được rèn luyện nhiều về kĩ năng làm việc nhóm, tinh thần đồng đội và nhất là thêm gắn bó, thân thiết với nhau hơn.

Nguyễn Quỳnh

 

Ngày đăng: 03/10/2014

Ngày cập nhật: 03/10/2014

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2025 - 2026

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh