Cách thức làm hoà với mẹ

Click vào đây để nghe radio.

Thưa cô, em gặp vấn đề về việc chia sẻ với mẹ. Vì trước kia em cũng không được vừa lòng mẹ, nên mẹ con em cũng không nói chuyện được nhiều. Nhưng em cảm nhận rằng em không thể chịu đựng được khi mà em với mẹ em cứ mãi như thế này mà không có sự thay đổi. Cũng chính từ việc đó mà nhiều khi mẹ và em không hiểu nhau. Giờ em lớn rồi, em nhận ra thứ khiến em muốn theo đuổi, phong cách ăn mặc hay cá tính của em muốn được thể hiện, nhưng mẹ lại không đồng tình với nó. Em phải làm sao đây ạ????

Học sinh nữ, lớp 10.

Em thân mến,

Qua thư em, cô hiểu cô hiểu được phần nào những trăn trở em đang có vì giữa em và mẹ còn thiếu sự chia sẻ, em cũng chưa biết làm cách nào để hai mẹ con hiểu nhau hơn!

Cô chưa rõ điều gì đã khiến em nghĩ rằng em không được vừa lòng mẹ, nhưng chỉ cần hiện tại, em đang có mong muốn cải thiện mối quan hệ giữa hai mẹ con thì cô tin mẹ sẽ nhanh chóng thấu hiểu em hơn. Vì suy cho cùng trên đời này nếu tồn tại người yêu thương ta hơn chính bản thân ta thì cũng chỉ có người cha, người mẹ mà thôi.


Em biết không, đôi khi giữa cha mẹ và con cái, vì lý do nào đó như: khoảng cách giữa các thế hệ, tính cách, quan điểm… khác nhau có thể dẫn tới một số mâu thuẫn, thậm chí có lúc còn là xung đột. Khi ở trong tình huống này, nhiều bạn đã chủ động tạo ra cơ hội để hai ẹm con có thể gần gũi với nhau hơn. Từ đó sẽ dễ dàng chia sẻ với nhau nhiều hơn.

Để làm được điều này, chính những người trong cuộc sẽ phải dẹp bỏ mọi sự ngại ngùng, gượng gạo. Tự mỗi người phải loại trừ những suy nghĩ kiểu định kiế như: mẹ sẽ không hiểu, không nghe và không hài lòng với tất cả những gì mình thể hiện để chủ động kết nối với mẹ.

Để làm điều này, các bạn ấy áp dụng quy tắc “thay đổi môi trường – thay đổi cảm xúc”. Thường là khi rời khỏi không gian đã từng có tranh cãi, nơi mà luôn vô thức gợi nhớ những ký ức không vui thì cuộc trò chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn. Có bạn đã rủ mẹ đi mua sắm quần áo. Cô bạn ngắm cho mẹ những bộ váy đẹp nhất, nhờ mẹ tư vấn cho mình những bộ quần áo mà mẹ thích. Mỗi lần mẹ đưa cho bạn ấy một bộ mới, bạn ấy đều vui vẻ thử đồ kể cả khi đó không phải là phong cách mà bạn ấy theo đuổi, hoặc thấy nó không đẹp. Khi thử xong bạn ấy sẽ khéo léo trao đổi cùng mẹ những điểm chưa đẹp, ví dụ: cái váy quá dài làm người bạn ấy trông lùn đi, bộ quần áo hơi “dừ” so với lứa tuổi… Sau đó bạn ấy sẽ chọn những bộ quần áo mà mình thích và thử cho mẹ xem, vui vẻ xin ý kiến của mẹ về những “bộ cánh” mình thấy thích.

Đương nhiên, để thuyết phục được mẹ thì trước đó cô bạn ấy cũng đã dành một khoảng thời gian để ngồi suy ngẫm lại xem phong cách ăn mặc của mình có điểm nào khiến mẹ không hài không: ví dụ như váy quá ngắn, áo hơi hở một chút, make up quá đậm … để có điều chỉnh phù hợp. Cô bạn hiểu rằng, thực ra, những điều này không hẳn là do khác biệt về lứa tuổi khiến bố mẹ thấy không không đẹp và không phù hợp. Những điểm người lớn nhắc tới nhiều khi liên quan đến phong cách lịch sự, đến cách ứng xử ở đời.

Em có nghĩ một người trẻ hiện đại là người biết cách thể hiện mình theo hướng văn minh, lịch sự và phù hợp với lứa tuổi hay không? Có thể những bạn bè cùng trang lứa của chúng ta không nói ra, nhưng ngay cả họ cũng sẽ khó có thể dành sự tôn trọng một bạn gái mặc chiếc váy quá ngắn hay một chiếc áo quả mỏng. Cũng như, khó có người trẻ nào lại thấy một bạn trai mặc quần đùi, áo đông xuân nhăn nhúm đến lớp là lịch sự, là đáng nể hay thời thượng.

Những gì bố mẹ nhìn xuất phát từ trải nghiệm phong phú của bản thân để giúp con cái có được những điều tốt đẹp nhất. Chúng ta chưa đi qua những gì bố mẹ đã đi qua, nên việc cân nhắc ý kiến từ bố mẹ cũng là điều nên làm để có những điều chỉnh phù hợp. Hơn nữa, việc chú ý đến cách ăn mặc, thể hiện mình cũng là cách chúng ta thể hiện sự tự trọng của bản thân, em có nghĩ vậy không?


Nếu chuyến đi mua sắm chưa đủ để hai mẹ con có thể hiểu nhau hơn, nhiều bạn sẽ tiếp tục dành thêm những buổi cuối tuần khác để đi chơi, đi uống cà phê, hoặc đến một góc công viên yên tĩnh nào đó cùng mẹ. Khi ở bên nhau, hai mẹ con có thể cùng chơi trò chơi: Sự thật & Thử thách.

Trò chơi này cần chuẩn bị 2 hộp giấy. Hộp “sự thật” để tất cả các câu hỏi giúp hai mẹ con hiểu nhau hơn. Hộp “thử thách” để những mẩu giấy thú vị về hành động hai mẹ con nên cùng nhau làm. Ở hộp “sự thật”, có các câu hỏi như:

  • “Mẹ hãy kể ra ít nhất 3 điều mẹ hài lòng về con (và ngược lại)”
  • “Những câu nói của con từng khiến mẹ chạnh lòng (và ngược lại)”
  • “Điều con từng làm khiến mẹ buồn nhất? (và ngược lại)”.

Hộp “thử thách” là những hành động hai mẹ con cùng nhau thực hiện để thay đổi những “sự thật” chưa như ý, hay những hành động giản dị để tăng sự gắn kết giữa hai mẹ con. Ví dụ:

  • Cá tính con muốn thể hiện đều chia sẻ và tham vấn ý kiến từ mẹ để có hướng điều chỉnh phù hợp và an toàn/Mẹ sẽ tìm hiểu về khuynh hướng của giới trẻ để cân nhắc điều chỉnh quan điểm của bản thân cho phù hợp với thời đại và lứa tuổi của con.
  • Giảm thiểu những câu nói vô tình khiến mẹ chạnh lòng/ Còn nhiều nhất là 1 tuần/lần mẹ sẽ kiên nhẫn lắng nghe con chia sẻ lý do vì sao con muốn theo đuổi một điều gì đó…
  • Nói “con yêu mẹ”/ “mẹ yêu con” mỗi ngày…

Cô gái à, tình yêu của người mẹ dành cho con không bao giờ có thể đong đếm được, càng không thể chỉ qua một vài câu nói, mặc dù có những người mẹ thậm chí còn chẳng bao giờ nói ra. Nhưng tình yêu thương của mẹ luôn ở đó, mãi ở đó và ngày càng gia tăng. Chính vì thế, biết đâu được mẹ của em cũng đang cảm thấy giống y như em vậy, chỉ là mẹ cũng đang loay hoay không biết phải khiến lớp băng tan ra bắt đầu từ đâu.

Thế nên, nhân dịp 8/3 hãy mạnh dạn và thực hiện ngay bước phá băng đầu tiên đi nào. Hãy dành cho mẹ những điều thật tuyệt vời nhân ngày Quốc tế Phụ nữ này em nhé! Cô tin rằng với tình yêu của một cô con gái hiếu thảo, em sẽ tìm ra cách chia sẻ, trò chuyện thật dễ dàng với mẹ hoặc ứng dụng linh hoạt cách mà những người trong cuộc đã xử lý vấn đề của mình ở trên. Và với tình yêu vô bờ bến của một người mẹ, chắc chắn mẹ của em sẽ sớm thấu hiểu em hơn.
Chúc em luôn luôn vui vẻ và thành công!

“Mẹ là người bạn chân thành nhất mà chúng ta có, khi chúng ta gặp thử thách, khó khăn, những sóng gió của cuộc đời, thậm chí khi bạn bè bỏ rơi chúng ta, mẹ vẫn ở đó, che chở cho chúng ta, xua tan những đám mây đen tối, đem lại cho chúng ta cảm giác bình yên. (Washington Irving)

PHỤ TRÁCH CHUYÊN MỤC

Cô Phùng Hiên – Thạc sĩ tư vấn tâm lý lâm sàng trẻ em và trẻ vị thành niên.

Liên hệ tư vấn trực tiếp:
Phòng PDP – Phòng 106, tòa nhà Beta.

Hoặc qua kênh hotline:
https://www.facebook.com/phung.hien.18
[email protected]

 

Ngày đăng: 12/03/2019

Ngày cập nhật: 12/03/2019

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

Quán Quân Well-being AVC24 Trần Thy Khuyên – học sinh trường THPT FPT Hà Nội: “Tự nhận mình không giỏi xuất chúng nên phải rất chăm”
Khám phá sắc màu văn hóa đa quốc gia ngay tại lớp học tiếng anh cùng học sinh trường THPT FPT Hà Nội
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội trổ tài khéo tay làm tranh sáng tạo từ thiên nhiên
Bùng nổ các màn trình diễn tại vòng sơ loại cơ sở cuộc thi Khơi nguồn Võ Việt 2024
Trường THPT FPT Hà Nội trang bị cho học sinh kiến thức an toàn trên không gian mạng 
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội gặp gỡ, giao lưu với học sinh trường THPT DaiDo Nhật Bản
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội tự tin giao lưu với học sinh Đài Loan qua dự án “Lớp học xuyên biên giới”
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội phát triển kỹ năng và tư duy qua hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp
Trường THPT FPT Hà Nội chào đón đại diện trường Shibaura Institute of Technology đến thăm và giao lưu
100 học sinh trường THPT FPT Hà Nội quyết tâm chinh phục kỳ thi thử SAT 

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh