Cách xử lý khi những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện
Click vào ĐÂY để nghe radio
Tôi và Tiêu cực cùng chung sống dưới một mái nhà với cậu chủ. Hàng ngày cậu chủ đều vui tươi, học tập chăm chỉ đó là lúc tôi được ưu ái.Thế nhưng, dạo gần đây Tiêu cực được cậu chủ để ý nhiều hơn. Cứ sau mỗi lần đi đến phòng của Tiêu cực thì cậu chủ ủ rũ, buồn rầu và ít cười hơn hẳn. Rồi cứ như vậy trông cậu chủ luôn thiếu sức sống.Có nhiều lúc cậu chủ chợt nhớ đến tôi, nhưng Tiêu cực lại dùng cách nào đó thu hút cậu ấy bên mình. Các bạn biết đấy, tôi luôn mong muốn cậu chủ của mình được vui vẻ,lạc quan và yêu đời.
❓❓Tích cực tôi nên làm gì bây giờ?”
Em thân mến,
Dẫu cô chưa hiểu rõ những “suy nghĩ tiêu cực” mà em nói đến ở đây là gì, nhưng cách em hỏi cho cô cảm giác em đang không hài lòng khi những suy nghĩ đó xuất hiện trong đầu. Việc em lo lắng và mong muốn loại bỏ những suy nghĩ ấy thật đáng được hoan nghênh và trân trọng. Điều này cho thấy em là một người thực sự có trách nhiệm và quan tâm tới bản thân mình.
Trong cuộc sống, chúng ta luôn có những khoảng thời gian mà bản thân cảm thấy ủ dột, buồn bã và có những ý nghĩ tiêu cực. Việc này thực ra là hoàn toàn bình thường nếu như những suy nghĩ ấy không tồn tại lâu, không có tính lặp lại thường xuyên và không gây ảnh hưởng lớn tới tâm lý chung của em, không điều chỉnh hành vi của em theo hướng em đang suy nghĩ. Ở trường hợp này, nhiều khi không bận tâm đến nó, hướng tâm trí của mình vào những hoạt động khác như học tập, thể thao, giải trí… cũng sẽ giúp chúng mau chóng qua đi.
Nếu những suy nghĩ tiêu cực có sự lặp lại với tần suất ngày một tăng và khiến em có phần trăn trở như hiện tại thì việc loại bỏ chúng cũng là điều cần thiết. Để có thể loại bỏ những suy nghĩ ấy, chúng ta cần thiết phải thay đổi chính cách nhìn nhận của bản thân mình. Thay vì nhìn vào mặt tiêu cực của mọi thứ thì hãy nhìn vào mặt tích cực, dù có là ít ỏi, để thấy được rằng dù việc gì xảy ra thì cuộc sống vẫn còn những điều tươi đẹp để em nghĩ tới.
Nghe có vẻ phức tạp, nhưng sự tích cực có thể chỉ cần rút lại bằng câu nói “Hãy nhìn cái cốc là đầy một nửa thay vì vơi một nửa”. Nhiều khi những suy nghĩ tiêu cực xuất phát chính từ việc em lo lắng quá nhiều. Vậy thì một cách nhìn nhận khác mà em có thể tìm hiểu thêm đó là cách nghĩ ở-đây-và-bây-giờ (here and now). Tập trung vào những điều trong hiện tại mà em đang suy nghĩ, đang cảm nhận, đang thực hiện thay vì nghĩ về những điều không thể thay đổi trong quá khứ hay những điều còn chưa đến trong tương lai. Tập trung vào hiện tại sẽ có thể giúp em giảm bớt sự lo lắng và từ đó hạn chế được những suy nghĩ không hay.
Ngoài ra, để có thể hạn chế những suy nghĩ tiêu cực, cũng cần phải có một tinh thần lành mạnh và vui vẻ nhé. Tham gia các hoạt động thể chất và các hoạt động ngoài trời, tâm sự nhiều hơn với những người em tin tưởng, dành thời gian hợp lý cho những hoạt động giải trí em yêu thích hay học hỏi một điều gì mới là một số gợi ý để em có thể loại bỏ được những ý nghĩ tiêu cực. Khi chúng ta bận rộn và vui vẻ thì những suy nghĩ tiêu cực sẽ không có chỗ để xuất hiện trong tâm trí ta, đúng không em?
Tuy nhiên, đôi khi những suy nghĩ tiêu cực vẫn xuất hiện thì cũng nên bình tĩnh và hiểu rằng chúng là những điều bình thường mà mỗi con người đều trải qua trong cuộc sống. Điều quan trọng là chúng ta biết cách đối mặt và giải quyết chúng. Em có thể dùng cách viết ra những suy nghĩ ấy rồi loại bỏ bằng việc xé tờ giấy ấy đi để tự giải tỏa. Hoặc một cách khác đó là tập thư giãn bằng thiền hay hít thở để tinh thần em trở nên tĩnh lặng và sáng suốt hơn. Khi đó hẳn em có thể nhận ra được sự bất hợp lý của những suy nghĩ tiêu cực ấy và có thể loại bỏ được chúng một cách dễ dàng hơn.
Chúc em luôn thoải mái, vui vẻ và lạc quan trong cuộc sống!
PHỤ TRÁCH CHUYÊN MỤC
Cô Phùng Hiên – Thạc sĩ tư vấn tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên
Liên hệ tư vấn trực tiếp:
Phòng PDP – Phòng 106, tòa nhà Beta
Hoặc qua kênh online:
https://www.facebook.com/phung.hien.18
Chuyên mục: Bức thư chiều thứ 6 Tin tức
Ngày đăng: 26/03/2018
Ngày cập nhật: 26/03/2018
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025