Có nên mạo hiểm trước cuộc đời
Em thân mến,
Đọc thư em, cô hiểu được phần nào cảm giác hụt hẫng em đang có khi em ứng xử hoà đồng, thân thiện với mọi người và cho đi rất nhiều, nhưng những điều em nhận lại khác xa so với hình dung của mình. Điều này khiến em bối rối và trăn trở về lẽ sống ở đời. Những người ở vào trường hợp của em, cũng thường có cảm giác và băn khoăn như vậy!
Em biết không, lúc này, cô ước được nghe em kể chi tiết những hành động thể hiện sự thân thiện và hoà đồng của em. Một phần, cô mong những hành động tốt đẹp sẽ được lan toả tới các bạn, một phần cô muốn được hiểu rõ hơn về cách em thể hiện và thái độ, cũng như phản ứng của người nhận. Và những điều em đang nói tới là câu chuyện xảy ra với một người hay với nhiều người?
Chàng trai à, em có còn nhớ bức tranh “Young girl or old lady” trong môn “Nhận thức bản thân không”? Cùng một bức tranh nhưng mỗi người lại nhìn ra những hình ảnh khác nhau, có bạn giây đầu tiên nhìn thấy hình ảnh một cô gái trẻ, bạn khác nhìn thấy một bà lão, có những bạn nhìn thấy cả hai, có bạn cần nhiều thời gian hơn mới có thể thấy được hình ảnh còn lại của bức tranh. Đơn giản vì chúng ta là những cá thể khác biệt, thế nên khi đứng trước một hoàn cảnh, một tình huống giống nhau, mỗi người lại có những cách nhìn nhận, ứng xử khác nhau. Em thử xem, liệu có phải do sự khác nhau trong quan niệm và mức độ thể hiện sự hoà đồng, thân thiện của em và các bạn khác nhau, nên dẫn đến cách cảm nhận và đánh giá khác nhau không?
Ở vào tình huống như trên, nhiều người chọn cách hành động chậm lại một chút để quan sát xem những bạn bè xung quanh chấp nhận hay không chấp nhận những hành vi nào để cân nhắc và điều chỉnh cách ứng xử của mình sao cho phù hợp. Có bạn chọn cách hỏi trực tiếp những người gần gũi với mình nhất để lắng nghe góp ý của các bạn ấy. Từ đó, có thông tin trả lời cho câu hỏi “điều gì khiến cho người khác phản ứng không như mong đợi trước hành động thể hiện sự hoà động, thân thiện hay những việc làm tốt của mình?”. Ngoài 2 phương án trên, em cũng có thể giải quyết vấn đề theo cách của riêng mình em nhé!Nhân đây, cô muốn chia sẻ với em một câu chuyện về thiền sư và con bọ cạp: Theo truyền thống tu tập của Phật giáo Nhật Bản, sau khi các thiền sinh trải qua ba tháng tu hành, thiền sư bắt đầu thử những thói quen về cách ứng xử của thiền sinh. Các thiền sinh được hướng dẫn dạo chơi trong vườn Thiền, hòa nhịp sống với cảnh thiên nhiên, với núi, sông, suối, cây cỏ, hoa lá. Một thiền sinh ngắm nhìn dòng suối hiền hòa, bỗng nhiên trông thấy một con bò cạp rớt xuống suối. Vị thiền sinh này đưa tay vớt nó và nhẹ nhàng để nó lên mặt đất.
Con bọ cạp theo phản ứng tự nhiên là cong đuôi chích bất cứ ai đụng đến nó. Mặc dù bị nó chích rất đau, nhưng ông không hề tức giận, vì đã làm được một việc mà ông thích làm là cứu sống được con bò cạp. Sau đó, ông đứng lên đi, nhưng đi được vài bước, thì ông quay lại nhìn con bò cạp, thấy nó lại té xuống suối nữa. Ông vội vàng chạy lại vớt nó, rồi cẩn thận đặt nó lên mặt đất. Lần thứ hai cũng như lần đầu, ông cũng bị nó chích nữa. Trông thấy cảnh tượng này, một sư huynh đứng bên cạnh bực mình, nói lớn: “Con bò cạp vô ơn bạc nghĩa như vậy, cắn hoài, cứu nó làm gì cho mệt. Kệ xác nó”. “Cắn người là bản tính của nó, còn Thiện là bản tính của tôi, tôi sao lại có thể vì bản tính của nó mà quên mất bản tính của mình được chứ!”
Sau khi nghe xong câu chuyện trên, có một số bạn đã cho rằng nếu như người nhận sự giúp đỡ không cảm thấy biết ơn thì từ những lần sau mình không nên giúp đỡ họ nữa, thậm chí không giúp đỡ những người khác luôn cho đỡ mang phiền vào thân. Nhưng cũng rất nhiều bạn lại có sự đồng cảm với nhà sư, các bạn ấy nghĩ điều quan trọng là lẽ sống của mình. Nếu lẽ sống đó là đúng đắn, nó khiến mình cảm thấy thoải mái, bình an thì không thể vì 1 vài cá nhân mà mình biến đổi thành một con người khác. Bởi làm thế, có thể chúng ta lại luôn tự trách bản thân vì những gì mình làm thật trái với giá trị mình hướng tới, với lẽ sống mình theo đuổi. Còn em thì sao chàng trai? Em sẽ từ bỏ những gì mình theo đuổi hay sẽ giữ lẽ sống của mình và cải thiện để bản thân để phát triển theo hướng thân thiện, nhân văn hơn?
Câu trả lời cho câu hỏi trên chỉ có em mới đưa ra được, nhưng như Maxwell Winston Stone đã nói “Hãy nhớ đến loài rùa, chúng chỉ tiến bộ khi dám ló đầu ra”. Cuộc đời của con người cũng vậy, nếu như vì lo sợ mà chúng ta không không dám bước ra ngoài và làm những điều mình thích, những gì mình tin tưởng thì mình sẽ không có được những trải nghiệm. Có thể chúng ta sẽ gặp những trải nghiệm không mong muốn, nhưng cho dù vậy chúng vẫn có giá trị khi mang đến cho mỗi người những bài học mà chúng ta sẽ không thể có nếu chỉ trốn trong vòng an toàn của mình.
Chúc em luôn vui vẻ, làm được nhiều điều mình yêu thích và nhận lại những trải nghiệm thật đáng quý!
Chuyên mục: Bức thư chiều thứ 6 Tin tức
Ngày đăng: 25/09/2018
Ngày cập nhật: 04/10/2018
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025