Có người yêu khi đang là học sinh, em bị mẹ nói nhiều đến mệt mỏi

Chuyện là em đã có người yêu và đã yêu nhau khá lâu rồi, mẹ em cũng đã biết chuyện ấy, thời gian trước thì không sao, nhưng dạo thời gian này mẹ em rất hay nói về chuyện yêu đương của em, không chỉ nói thẳng mà còn nói kháy rồi bêu rếu.

Hôm nay em bị ốm và rất mệt, mẹ em lại đổ cho việc em yêu đương, rồi bảo em lụy các kiểu, em ốm mẹ em cũng nói, em buồn ngủ mẹ em cũng nói, ăn nhiều cũng lại bảo là yêu đương cho lắm vào. Em thực sự rất mệt mỏi, có giải thích thì mẹ cũng bảo em cãi, mặc dù em chỉ nói là “con buồn ngủ thôi mà”, mẹ em lại nói em chẳng ra gì.

Em hiện tại đang rất mệt mỏi, em không còn muốn về nhà, Tết được về nhà nghỉ mà em chỉ muốn đi đâu quách cho xong, thực sự việc nói chuyện thẳng thắn với mẹ em là điều bất khả thi, em đã cố gắng nhiều lần nhưng tất cả những gì mẹ đáp lại chỉ là em cãi, cãi, suốt ngày cãi. Em mong cô cho em lời khuyên nào đó hoặc là có thể can thiệp giúp em một chút để mẹ em bớt nói thôi ạ, chứ với em thì mẹ em nghĩ thế nào cũng được, miễn đừng nói ra vì em quá mệt mỏi và đau đầu rồi ạ. Em cảm ơn cô, mong cô sẽ giúp đỡ em ạ.

Học sinh nam, lớp 11

Nghe bản radio tại đây

Chàng trai thân mến,

Em đang cảm thấy rất buồn, mệt mỏi, khó chịu và thậm chí là không muốn về nhà vì mẹ liên tục nhắc tới chuyện tình cảm của em với thái độ, lời nói không mấy tích cực. Cô xin được chia sẻ cùng em những cảm giác em đang có!

Như em cũng biết, hầu hết các bậc phụ huynh đều rất quan tâm tới chuyện tình cảm của con cái. Tình yêu ở tuổi học trò thì đôi lúc còn gặp phải sự ngăn cản từ gia đình nữa đấy. Nhiều trường hợp khi bố mẹ phát hiện ra con mình đang yêu, hoặc chỉ mới để ý tới một bạn khác là ngay lập tức đã bắt các bạn ấy phải chia tay, ngừng thích đối phương ngay lập tức. Thậm chí có những bậc phụ huynh còn can thiệp luôn vào chuyện tình cảm đó. Lý do thì cũng vì họ lo lắng cho việc học tập, sức khoẻ và tương lai của con.

 

Có bạn khi gặp phải tình huống như vậy đã nghe theo quyết định của bố mẹ, chấp nhận tạm biệt mối tình của mình. Một số bạn khác ngay lập tức phản ứng gay gắt, tỏ thái độ và hành vi chống đối bố mẹ với mong muốn được duy trì tình yêu. Khi làm vậy, các bạn ấy không biết rằng điều đó chỉ khiến câu chuyện trở nên trầm trọng hơn, chỉ khiến mối quan hệ giữa mình và bố mẹ trở nên căng thẳng hơn, thậm chí đôi khi còn dẫn tới nhiều hệ quả tiêu cực. Nhiều bạn khéo léo hơn thì cố gắng tìm một khoảng thời gian thích hợp để trò chuyện, tâm sự và thuyết phục bố mẹ bằng hành động, bằng chính sự tiến bộ từng ngày của bản thân.Với những chia sẻ của em, cô thật tự hào khi biết rằng mặc dù em đang cảm thấy rất bức bối, mệt mỏi khi quay về nhà, muốn lánh đi một nơi khác, nhưng em đã không lựa chọn cách làm đó. Em đang tìm cho mình một giải pháp để giải quyết vấn đề. Cách làm này cho thấy em đã chín chắn, đã trưởng thành thật nhiều. Cô tin là em đủ bình tâm và sáng suốt để lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp nhất!

Chàng trai à, em nói rằng em yêu bạn ấy được khá lâu rồi, mẹ em cũng biết và trước đó mọi chuyện vẫn bình thường, chỉ gần đây mẹ mới bắt đầu hay để ý, “nói nhiều” về chuyện của hai em. Có lẽ không phải tự nhiên mà mẹ lại thay đổi như vậy? Bằng tình yêu thương vô bờ bến của mình dành cho con cái, bố mẹ thường rất nhạy cảm trước những thay đổi của con mình. Có đôi khi trong một số tình huống chỉ vì một chút vô tâm, một câu nói,  hay những sự kiện ngẫu nhiên, nhưng diễn ra liên tục trong một giai đoạn nhất định như: việc em buồn ngủ nhiều hơn, mệt mỏi hơn và ốm có thể khiến bố mẹ chạnh lòng hoặc suy nghĩ, trăn trở và lo lắng.

Cô vẫn nhớ câu chuyện của một bạn nữ đã chia sẻ.  Vấn đề hết sức đơn giản, nhưng bạn ấy đã không hề nhận ra cho tới khi cố gắng lắng nghe và hiểu mẹ nhiều hơn. Bình thường mỗi khi về nhà, bạn ấy luôn dành nhiều thời gian tâm sự, kể cho mẹ nghe rất nhiều sự kiện của mình ở trường, những câu chuyện nhỏ vụn vặt, đôi khi là nỗi ấm ức, lo lắng trong ngày của mình.

 

Nhưng sau khi có bạn trai được một thời gian thì mọi chuyện dần thay đổi. Bạn ấy không còn dành nhiều thời gian để tâm sự với mẹ nữa, thay vào đó là đi chơi, hẹn hò với người yêu, lúc không ở bên nhau thì hai người hay nhắn tin, gọi điện tâm sự… Những lúc giận dỗi, mặt cô bé ấy lại sa sầm xuống, chán nản, mệt mỏi không muốn làm gì cả. Không phải bạn ấy cố tình, chỉ đơn giản là không kiểm soát được cảm xúc của bản thân.

Mẹ muốn hỏi về tình yêu của bạn ấy, nhưng đương nhiên là cô bạn không chia sẻ, luôn nói rằng “chuyện tình cảm của con, mẹ cứ để con tự giải quyết”. Mẹ không biết điều gì đang diễn ra với con, chỉ biết rằng con gái của mẹ, mỗi ngày, thời gian dành cho học tập, cho việc tham gia các hoạt động ngoại khoá, thể thao, giải trí và cho gia đình một ít hơn. Cái có nhiều hơn chỉ là thời gian cho mối quan hệ hiện tại với bạn trai, sự mệt mỏi và cả những biểu hiện của cảm xúc tiêu cực sau những lần giận hờn, hay xích mích. Điều đó làm mẹ vừa lo lắng, vừa buồn và mẹ bắt đầu nói về chuyện tình yêu của bạn ấy bằng thái độ không hề thoải mái.

Cô bạn thấy vậy cũng buồn hơn vì bình thường mẹ lúc nào cũng là người hiểu bạn ấy nhất, yêu bạn ấy nhất, không hiểu vì sao đột nhiên mẹ lại tỏ thái độ như thế. Cũng mất khá nhiều thời gian mới hiểu được, bởi vì với một số người lớn, đôi khi họ cũng giận dỗi, tủi thân và quan tâm, lo lắng thật nhiều đấy, nhưng cách thể hiện ra ngoài lại là cáu giận và khó chịu.

Có những điều đôi khi viết ra sẽ dễ dàng hơn là nói. Có thể trong lúc nói vì nhiều lý do, vì thái độ của người nghe, hay định kiến của người nói, vì hồi hộp mà lời nói của mình không được rõ ràng, mạch lạc. Hoặc đơn giản chỉ vì một vài câu từ sử dụng chưa thật sự thích hợp khiến người nghe bị hiểu nhầm, dẫn tới kết quả không được như mong đợi.

Vì thế bạn gái trong câu chuyện cô kể đã gửi cho mẹ một lá thư tay, viết hết những cảm xúc trong lòng mình ra, mong muốn mẹ hiểu rằng bạn ấy đang cảm thấy rất buồn vì mẹ không còn hiểu mình. Bạn ấy cũng rất mệt mỏi khi nghe mẹ nói về tình yêu của mình bằng một thái độ tiêu cực. Cô gái bày tỏ hy vọng mẹ sẽ cho mình biết điều gì khiến mẹ thay đổi như vậy, bạn ấy cần làm như thế nào để mẹ ứng xử với mình như xưa. Dĩ nhiên, ở đầu thư bạn ấy không quên thể hiện tình yêu với mẹ, không quên viết rõ rằng bạn ấy hiểu lý do mẹ đang phản ứng như hiện tại là vì mẹ lo lắng, quan tâm tới mình… Và cuối thư, cô gái cũng khẳng định rằng sẽ không bao giờ để chuyện tình cảm gây ảnh hưởng tới việc học, các mối quan hệ cũng như các hoạt động, sinh hoạt khác của mình.

Người mẹ nào cũng yêu thương con vô điều kiện. Vì thế sau khi đọc xong lá thư, bác ấy đã chủ động “hẹn hò” con gái và hai người có cuộc trò chuyện thực sự nghiêm túc để lắng nghe, thấu hiểu nhau hơn. Mặc dù sẽ có chút ngượng ngùng, nhưng sau khi hiểu ra thì chính bạn ấy cũng đã “trở lại” giống như xưa: quan tâm tới mẹ nhiều hơn, làm thật nhiều điều tốt đẹp để mẹ không còn phải lo lắng cho mình. Cô gái cũng bắt đầu kể cho mẹ nghe về những điều thú vị trong tình yêu của mình, đôi khi còn xin lời khuyên từ mẹ. Thời gian cuối tuần thay vì đi hẹn hò ở những nơi khác, bạn ấy thỉnh thoảng sẽ dẫn cậu bạn về ăn cơm, trò chuyện để mẹ hiểu hơn về bạn ấy…

 

Chàng trai à, có những điều tưởng chừng như rất rắc rối, rất khó khăn nhưng hóa ra nguyên nhân của vấn đề lại vô cùng đơn giản khi những cảm xúc được sẻ chia, những niềm tin được gây dựng. Chọn cho mình một cách chia sẻ phù hợp với bố mẹ, phân bổ thời gian hợp lý trong học tập, sinh hoạt, cũng như chọn cho mình cách thức duy trì các mối quan hệ phù hợp để tình yêu luôn đẹp theo năm tháng, nhưng mối quan hệ gia đình cũng tràn ngập tình yêu thương, sự tin tưởng chàng trai nhé!

Các bạn học sinh Fschool luôn nói: “Đi để trở về”. Khi nhận được email của cô hẳn em đã trở về, cô tin là khi “hoá giải” những cảm xúc đang có trong lòng, em sẽ lại thấy NHÀ là nơi em muốn được trở về nhất sau mỗi chuyến đi xa. Cô cũng tin câu châm ngôn này luôn đúng: “Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc”, đặc biệt là tình yêu của người mẹ, luôn tuyệt vời và cao quý nhất!

Chúc em luôn vui và hạnh phúc!

“Bức thư chiều thứ 6” là một chuyên mục trong chương trình tham vấn tâm lý học đường, chương trình phát triển cá nhân PDP, trường THPT FPT. Vào mỗi chiều thứ 6, chuyên mục sẽ gửi cho các bạn học sinh một email với chủ đề xác định, đồng thời đăng tải trên fanpage: www.facebook.com/Bucthuchieuthu6/

 

 

Ngày đăng: 23/02/2019

Ngày cập nhật: 28/02/2019

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh