Làm gì để được đón nhận hơn?

Thưa cô, em là học sinh K6. Em cảm thấy lạc lõng và cô đơn lắm ạ. Ở phòng không bạn nào chơi với em. Ở lớp cũng vậy, ai cũng ghét và sợ em, em không có bạn. Lúc chưa phân lớp, em đã rất mong chờ lớp em sẽ tử tế và quả nhiên đúng thế thật, lớp em là một lớp tử tế – khách quan là như thế. Ban đầu khi mới quen, cả lớp còn chưa nhớ mặt, nhớ tên nhau thì lớp thật sự rất tốt ạ. Nhưng càng về sau khi đã học chính một thời gian rồi em không hiểu tại sao các bạn ghét em, không ai muốn chơi với em cả, em buồn lắm! Em biết là em cười hơi… giống con trai, tính em hơi nam tính chút, em nghĩ vì thế mà các bạn không thích nên em bớt lại, em cũng biết là em học hành không khá khẩm gì cho cam, nhưng em đã cố gắng cải thiện, nhưng tại sao các bạn vẫn ghét em hả cô? Em cần lắm một lời khuyên ạ! (Học sinh nữ, lớp 10)

Click vào Đây để nghe radio

Cô gái thân mến,

Cảm giác buồn, cô đơn và lạc lõng là cảm giác thực sự rất khó chịu. Cô chia sẻ cùng em cảm giác ấy, và mong rằng những cảm nhận yêu thương, nồng ấm từ bạn bè xung quanh sẽ sớm đến với em!

Cô tin tưởng vào sự thay đổi đó là vì em đã dũng cảm và thẳng thắn nhận diện bản thân mình khi nói rằng: “Em biết là em cười hơi… giống con trai, tính em hơi nam tính chút và em học không khá khẩm gì”.

Đúng là cuộc sống thật đa dạng và mỗi chúng ta cũng có những khác biệt. Chúng ta cũng không cần phải biến mình thành một “phiên bản” khác để làm hài lòng tất cả những người xung quanh. Nhưng, cuộc sống luôn biến động. Cuộc sống ấy đòi hỏi chúng ta phải thay đổi để thích nghi. Sự thay đổi cũng là cách để mỗi chúng ta “lớn hơn”, phát triển hơn so với mình của ngày hôm qua. Để thay đổi được, chúng ta cùng nhìn nhận, xem xét thật kỹ để nhận diện rõ mình cần phải thay đổi cụ thể điều gì. Khi đó, chúng ta mới biết mình cần thay đổi như thế nào, phải không em?

Một “bí kíp” được nhiều người sử dụng trong tình huống này rất hiệu quả đó là Đối thoại với chính mình. Em thử xem ví dụ trong việc đối thoại về nụ cười nhé!

  • Mình cười có đúng lúc không?
  • Sẽ không đúng lúc nếu cả lớp đang trong giờ học. Tất cả mọi người đang nghe giảng với một thái độ nghiêm túc và trân trọng. Đột nhiên cậu lại cười to. Có chuyện đó không?
  • Híc, có
  • Uh, cười khi ấy có phần lạc điệu thật. Cậu chỉ nên cười như vậy trong giờ giải lao hay những lúc bạn bè ngồi vui chơi, tán dóc với nhau thôi nhé.
  • Đúng thật, tớ sẽ chú ý điều này.
  • Điệu cười của cậu như thế nào?
  • Hmm, thật khó tả, hình như là “ha ha…” kèm âm lượng rất to thì phải.
  • À, có thể điều đó mang đến cảm giác hơi chói tai cho những người xung quanh. Điều chỉnh một chút về âm lượng để đảm bảo rằng cậu cười tươi, vui nhưng không đến mức thành tiếng to như thế nha!
  • Vậy sao? Thế mà tớ đã không nghĩ đến.
  • Khi cười, cậu có kèm thêm hành động, cử chỉ gì không?
  • Ừm… Hình như có. Mỗi lần cười như thế, tớ vỗ đùi đánh “đét” một cái.
  • Tớ hiểu là khi đó cậu thực sự sảng khoái đấy. Nhưng có vẻ cử chỉ ấy đi kèm tiếng cười thì nhiều người nghĩ nó không lịch sự. Cậu chú ý tay nhé!
  • Hi hi, cử chỉ đấy không đẹp lắm nhỉ? Tớ sẽ học cách kiểm soát cái tay của mình.

Ở mỗi vấn đề cần thay đổi, em đối thoại với bản thân để tìm ra những hành vi, cử chỉ hay lời nói… cần phải cải thiện để hướng đến là người có cách ứng xử hoà đồng, thân thiện, nhưng văn minh, lịch sự.

Về việc học, mỗi người có thế mạnh khác nhau. Thật khó để mỗi chúng ta có thể trở thành một người học rất giỏi văn khi trí thông minh ngôn ngữ và nội tâm không phải là thế mạnh. Nhưng, nhà khoa học vĩ đại Thomas Edison có nói rằng: “Nhân tài 1% là thiên bẩm, còn 99% là nước mắt và mồ hôi”. Điều đó nghĩa là với sự cố gắng, nỗ lực, mỗi chúng ta có thể làm nên những điều tuyệt vời cho cuộc sống này, em có nghĩ thế không?

Nếu em không giỏi văn và em làm mọi cách để nói với cả thế giới rằng em không ưa gì môn học đó thì môn Văn mỗi lúc một khó hơn đối với em là dễ hiểu. Nhưng nếu em làm khác đi, em có thiện chí tiếp nhận, chịu khó lắng nghe cô giảng, ghi chép bài, làm bài theo hướng dẫn của cô, đón nhận sự trao đổi, hỗ trợ từ các bạn… Khi ấy, em sẽ thấy môn Văn không phải là “nỗi sợ hãi” nữa, mà em có thể học được. Tất nhiên điều đó có thể không giúp em trở thành một người rất giỏi Văn, hay một nhà văn của tương lai, nhưng chắc chắn em có thể học môn này tốt nhất trong khả năng của mình.

Ai cũng biết rằng một thanh gỗ nếu tốt cả bên trong và đẹp cả bên ngoài thì quá tuyệt. Nhưng nếu phải lựa chọn thì người ta đều cho rằng “tốt gỗ còn hơn tốt nước sơn”. Khi em hướng đến những nét đẹp từ bên trong, em sẽ thấy mình mỗi lúc một đẹp hơn cả bên ngoài. Bởi nét đẹp từ nội tâm sẽ đủ mạnh để chinh phục tâm hồn con người đấy cô gái ạ.


Là một giáo viên, cô cũng buồn vô cùng khi biết rằng trong số các học sinh của cô vẫn có những em còn đang bị đứng ở đâu đó ngoài tập thể, đang thấy buồn và cô đơn lạc lõng trong môi trường hiện tại. Nhưng mới đây thôi, trong một bài tập nhỏ, có bạn đã viết những điều thật tuyệt vời dành cho một người bạn cũng ở trong tình huống của em: “…Tôi quý ông vì ông là người vui tính, vị tha và hay cười. Một số đứa trong phòng tẩy chay ông, chúng nó bảo tôi nói với lớp tẩy chay ông. Nhưng không, tôi làm ngược lại. Tôi sẽ làm cho hiện tại trở thành quá khứ tốt đẹp để sau này ông có thể chia sẻ với mọi người bằng cảm giác ấm áp của hồi ức”.

Những mảnh giấy giản dị, nhưng đầy tình yêu thương ấy cho cô tin tưởng rằng: sớm thôi, em sẽ thấy các bạn đón nhận mình, em sẽ thấy mình là một phần của phòng ở, là một phần không thể thiếu trong lớp. Bởi vì trong một bài học về giá trị Yêu thương gần đây, các cô giáo dạy kỹ năng mềm đã nói với học sinh rằng học cách yêu thương bắt đầu từ việc học cách nhận diện được điểm mạnh của người khác đấy. Thầy cô tin rằng tới đây, sẽ có nhiều bạn hơn nữa nhận diện được những điều tuyệt vời từ em, thấy được những nỗ lực của em trong việc cải thiện bản thân mình.Cho chính mình và cho các bạn thêm thời gian để cùng nối kết và gắn bó với nhau nhiều hơn em nhé!

Chúc cô gái tự tin và có nhiều niềm vui hơn mỗi ngày!

PHỤ TRÁCH CHUYÊN MỤC
Cô Phùng Hiên – Thạc sĩ tư vấn tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên
Liên hệ tư vấn trực tiếp:
Phòng PDP – Phòng 106, tòa nhà Beta

 

Ngày đăng: 27/11/2018

Ngày cập nhật: 27/11/2018

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh