Làm gì khi trái tim tan nát?

Bây giờ em cảm thấy khá là chán nản về bản thân, tâm lí buồn chán do người duy nhất em thích ở cấp hai đã rời xa em, bạn ấy đã làm tan nát trái tim em, khiến cho em bị tổn thương, nên bây giờ em lúc nào cũng buồn, cảm thấy không tự tin về bản thân. Em thường hay bỏ ăn hằng ngày để giảm cân và dành tiền mua đồ hàng hiệu để thể hiện bản thân trong khi lúc trước em chỉ mặc đồ bình thường không mấy đặc biệt. Em thấy bản thân sa sút đi nhưng vẫn không biết phải làm gì, em mong nhà trường có thể giúp em ạ. (Học sinh nam, lớp 10)

Click vào Đây để nghe radio

Chàng trai thân mến,

Em đang cảm thấy tổn thương, thấy chán nản, buồn phiền, giảm đi sự tự tin và có phần sa sút do người bạn gái từ thời cấp hai đã rời xa em. Những người vừa trải qua sự đổ vỡ trong một mối quan hệ tình cảm cũng thường có cảm giác như em vậy!

Chàng trai à, người con gái ấy đã làm tổn thương em, đã làm “tan nát trái tim” em, nghĩa là em đã thực sự rất đau lòng. Cô không biết lý do cụ thể là gì, nhưng như em biết đấy, mọi lý do lúc này cũng đã không còn quan trọng nữa. Điều quan trọng là bạn ấy đã rời xa em, đã không còn muốn đón nhận tình cảm chân thành và sâu sắc từ nơi em. Bạn ấy không muốn bước chung đường với em mà  đã chọn con đường cho riêng mình. Thực tế này làm đau lòng bất kỳ ai trong cuộc. Nhưng nếu em không bước đi, em sẽ mãi mắc kẹt ở một góc đường với đầy rẫy những khổ đau và tiếc nuối. Còn người con gái ấy đã đi rất xa, thậm chí đã bước chung đường với một người khác trong chặng hành trình đến với tương lai.

Cuộc sống là những lựa chọn. Em sẽ chọn đứng lại và mắc kẹt ở đâu đó trên hành trình cuộc đời hay sẽ đứng dậy và mạnh mẽ bước đi?

Có một số người không đưa ra lựa chọn cho cuộc đời của mình. Họ buông xuôi theo số phận. Họ nghĩ tình yêu đầu tiên mình có là duy nhất. Mất nó là trái tim đã không thể hàn gắn. Bởi thế họ buông xuôi và chìm đắm trong buồn, chán, thất vọng. Họ trở thành một con người khác, nhìn cuộc đời với con mắt màu xám và thấy mình cứ trượt dốc không phanh.

Ở đâu đó, người con gái kia nhìn chàng trai mình đã từng yêu đang ở vực thẳm của cuộc đời. Cô ấy bỗng dưng thấy mình thật may mắn khi đã đưa ra một quyết định đúng đắn ngày xưa. Và thế là, chàng trai ấy đã không chỉ mất người yêu, mất tương lai mà còn mất đi cả sự tự trọng của chính mình. Cũng đúng thôi vì ai đó đã từng nói rằng: “mất đi tài sản bạn không mất gì, mất đi sức khoẻ bạn đã mất vài thứ rồi, mất đi ý chí bạn chẳng còn gì cả”.

Với chia sẻ của em trong thư, cô nhận ra rằng em giống với đa số những người đã ý thức được về những gì đang diễn ra với mình. Em muốn thay đổi. Và đó là điều quan trọng, là cái tạo nên những khác biệt, những bước chuyển cho con đường em chọn. Để mạnh mẽ bước đi trên con đường mới, nhiều người ở vào trường hợp của em quyết định đối diện trực tiếp với những tổn thương đang có, thậm chí phân tích cụ thể về nó. Họ sẽ nói chuyện với người mình tin tưởng nhất. Họ đề nghị người bạn ấy dành thời gian để cùng trao đổi và phân tích về từng hành vi chưa phù hợp mà họ đang có. Hành vi ấy bắt nguồn từ cảm xúc nào? Cảm xúc ấy bắt nguồn từ những suy nghĩ gì?

Ví dụ về trường hợp của em: Em là người vốn giản dị. Em cho rằng vấn đề quan trọng trong ăn mặc là phù hợp, gọn gàng, lịch sự. Giả sử sau khi bị người yêu rời bỏ để đến với một bạn trai khác sành điệu hơn. Em đã đòi bố mẹ mua quần áo hàng hiệu, chỉ mặc đồ hiệu chứ không mặc giản dị như trước. Em làm như vậy là vì cảm xúc thất vọng, buồn bực khi bạn gái rời bỏ mình. Nhưng đằng sau đó có thể là một lớp cảm xúc khác nữa: cảm giác mình yếu thế, mình kém cỏi hơn người con trai kia về hình thức, về độ sành điệu. Những cảm xúc sâu xa ấy đến là vì em cho rằng bạn gái rời bỏ em bởi vẻ bề ngoài của em chưa hoàn hảo, em không sành điệu như người con trai kia. Em phải mặc đồ hàng hiệu để thể hiện mình sành điệu, để có vẻ ngoài như hoặc hơn người con trai kia.

Đó chỉ là những gì cô giả định cho trường hợp của em. Em có thể có cảm xúc và suy nghĩ khác. Nhưng, với cách phân tích đó, em sẽ thấy nếu mình suy nghĩ theo hướng so sánh với người con trai kia, hay việc ăn mặc đồ hiệu để thể hiện bản thân, để nói với đời rằng: “tôi chán đời; tôi bất cần” là không phù hợp. Tình cảm nhiều khi nó tự đến và tự đi mà không có lý do. Đặc biệt là cảm xúc, tình cảm trong giai đoạn vị thành niên có mức độ biến động rất lớn, nên chuyện bạn ấy rời xa em cũng là điều có thể xảy ra.

Mà nếu bạn gái ấy không muốn ở bên em vì em không có ngoại hình chuẩn, không ăn mặc sành điệu thì em nên thấy mừng vì sự ra đi ấy. Bởi cô gái đó không phải là “một nửa” của em. Một nửa của em là người yêu mến em bởi những gì em đang có, trân trọng em bởi sự giản dị và tình cảm chân thành từ nơi em. Nếu không phân tích để đủ sáng suốt nhìn ra những vấn đề này, em sẽ bị mắc kẹt trong quá khứ với suy nghĩ rằng đó là người duy nhất em thích. Thực tế, người em yêu và thực sự yêu em còn đang ở phía trước. Nếu em không bỏ lại quá khứ sau lưng để tự tin bước đi thì sao có thể gặp được “một nửa” thực sự của mình ở phía trước?

Phân tích rõ ràng từng hành vi, cảm xúc và vạch ra con đường mình đi là cách mà nhiều người đã làm. Một chàng trai ở trong tình huống tương tự như em cũng đã chìm trong quá khứ một thời gian. Sau khi thực hiện bài tập trên, bạn ấy thấy suy nghĩ thông suốt hơn, thấy tiếc nuối quãng thời gian mình đã qua. Giống như đúc kết của Nhà tâm lý học nhân văn Carl Rogers: “Khi tôi chấp nhận bản thân mình, ngay trong lúc ấy sự thay đổi được hình thành trong tôi”. Bạn ấy quyết định chấp nhận bản thân, sống là chính mình, tập trung vào chuyện học tập để cải thiện tình trạng hiện tại.

Một kế hoạch cho bản thân được thiết lập dựa trên bản phân tích SWOT với những mục tiêu và hành động cụ thể. Bạn ấy đã làm theo cách mà chàng trai trong bức thứ số 36 đã làm. Em trở lại bức thư số 36 với tiêu đề – Làm gì để bố mẹ ủng hộ ước mơ? để tham khảo nhé.

Em nhớ là: Một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác nhất định sẽ mở ra. Ánh sáng và tương lai tươi đẹp đang đợi em. Nếu em để quá khứ kéo lại, tương lai sẽ không đến với em. Nếu em không bước đi, cuộc đời sẽ không đẩy em về phía trước. Nói điều đó là bởi, giờ đây em đã biết cách làm, thì việc có làm hay không lại phụ thuộc vào chính em. Mỗi người đều có sức mạnh nội tại to lớn lắm, em hãy tận dụng nó để mở cánh cửa tươi sáng cho cuộc đời của mình!

Hãy luôn tự nhủ với bản thân rằng “I can do it”. Còn cô luôn tin tưởng rằng “You can do it”!

Chúc chàng trai sớm là chính mình, sớm đến với một cách cửa mới với nhiều màu sắc tươi sáng và rực rỡ!

PHỤ TRÁCH CHUYÊN MỤC

Cô Phùng Hiên – Thạc sĩ tư vấn tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên

Liên hệ tư vấn trực tiếp:

Phòng PDP – Phòng 106, tòa nhà Beta

 [email protected]

 

 

Ngày đăng: 26/12/2018

Ngày cập nhật: 26/12/2018

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

Quán Quân Well-being AVC24 Trần Thy Khuyên – học sinh trường THPT FPT Hà Nội: “Tự nhận mình không giỏi xuất chúng nên phải rất chăm”
Khám phá sắc màu văn hóa đa quốc gia ngay tại lớp học tiếng anh cùng học sinh trường THPT FPT Hà Nội
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội trổ tài khéo tay làm tranh sáng tạo từ thiên nhiên
Bùng nổ các màn trình diễn tại vòng sơ loại cơ sở cuộc thi Khơi nguồn Võ Việt 2024
Trường THPT FPT Hà Nội trang bị cho học sinh kiến thức an toàn trên không gian mạng 
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội gặp gỡ, giao lưu với học sinh trường THPT DaiDo Nhật Bản
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội tự tin giao lưu với học sinh Đài Loan qua dự án “Lớp học xuyên biên giới”
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội phát triển kỹ năng và tư duy qua hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp
Trường THPT FPT Hà Nội chào đón đại diện trường Shibaura Institute of Technology đến thăm và giao lưu
100 học sinh trường THPT FPT Hà Nội quyết tâm chinh phục kỳ thi thử SAT 

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh