Làm gì khi yêu thần tượng quá mức?
Nếu như em yêu thần tượng quá mức, làm cách nào để có thể nhận thức điều đó là vô bổ? Hoặc không thì có thể coi đó cũng là một điều tốt không?
(Bạn nữ, lớp 10)
Em thân mến!
Với câu hỏi của em, cô nhận thấy em là một cô gái thông minh, có cái nhìn đa chiều và tư duy phản biện tốt. Cô hình dung như vậy là bởi phần lớn các bạn ở lứa tuổi của em khi đã thần tượng một ai đó thường rất khó tự nhìn nhận mức độ ngưỡng mộ mình đang có và sự ảnh hưởng của việc này đến cuộc sống của chính mình.
Như em cũng biết, thần tượng có thể là những người sở hữu các tố chất quý báu khiến người khác phải ngưỡng mộ. Tố chất ấy có thể là vẻ đẹp ngoại hình, cũng có thể là tài năng trong học tập, nghiên cứu, tài năng thiên bẩm trong lĩnh vực nghệ thuật, có thể là tính cách, khí chất, hoặc bao gồm nhiều hay tất cả những thứ ấy cộng lại. Thần tượng có thể là các vị anh hùng dân tộc, các nhà khoa học, doanh nhân, chính trị gia, thầy giáo, cô giáo, các ngôi sao trong lĩnh vực giải trí, thể thao hay đơn giản là bất kỳ ai.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, làn sóng âm nhạc Hàn Quốc, Âu Mỹ trở nên cực kỳ phổ biến, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân đặc biệt là giới trẻ ở Việt Nam. Trong một nghiên cứu gần đây nhất (tháng 5/2018) ở hai trường THCS nội thành Hà Nội, có tới 80.6% các em học sinh trả lời “Có” cho câu hỏi “Em có thần tượng âm nhạc không?”. Điều này nghĩa là việc thần tượng ai đó dường như là tất yếu, là tâm lý hoàn toàn bình thường của những người trẻ em à.
Thần tượng có thể ảnh hưởng nhiều tới các em, nhưng nhìn chung có 4 khía cạnh nổi bật hơn cả đó là: thói quen sinh hoạt hàng ngày; hứng thú học tập, việc xây dựng hình ảnh bản thân, và gu giải trí, gu thẩm mỹ. Theo đó, khi cần xem xét mức độ tình cảm dành cho thần tượng và tác động của việc này đến cuộc sống của mỗi người, nhiều bạn đã nghiêm túc xem xét việc thích thần tượng có khiến cho vấn đề ăn, ngủ và giờ giấc sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn, kết quả học tập kém đi không? Thời gian dành cho người thân yêu và bạn bè xung quanh bị hạn chế?
Có bạn còn so sánh các bức ảnh được chụp trước và sau khi bắt đầu thần tượng ai đó để xem có đang cố gắng ăn mặc, ứng xử, trang điểm… cho giống thần tượng, mặc dù nhiều khi điều đó không phù hợp với mình? Có chi tiêu cho các hoạt động liên quan đến thần tượng nhiều hơn những gì mình có thể chi trả không? Ví dụ phải nhịn ăn, nhịn mặc hoặc xin bố mẹ nhiều tiền hơn để mua album, poster, photobook,… của thần tượng?
Nếu em muốn nhìn nhận mức độ yêu thần tượng của mình có phải là quá mức hay không, thì việc trả lời các câu hỏi như trên cũng là cách hay mà nhiều người thường làm em nhé!
Nếu em thấy mình đang ở mức trên và muốn thay đổi, em có thể tham khảo cách làm của các bạn đã ở trong tình huống tương tự. Trước tiên họ xác định cho mình mục tiêu dài hạn, VD: Tốt nghiệp cấp 3 với điểm trung bình là: 8,0 và đỗ ngành học đúng với mong đợi. Họ biết rõ rằng, việc yêu thần tượng quá mức đang là rào cản cho mục tiêu trên của mình, nên đã xây dựng 1 bảng mang tên: “TÔI CHO PHÉP” và 4 góc là 4 khía cạnh liên quan đến tác động của thần tượng: thói quen sinh hoạt hàng ngày; hứng thú học tập, việc xây dựng hình ảnh bản thân, và gu giải trí, gu thẩm mỹ. Ví dụ:
- 10 phút/ngày để update thông tin về thần tượng
- Vun đắp ước mơ du học tại Mỹ để có cơ hội tham gia 1 buổi biểu diễn trực tiếp của thần tượng.
- Để kiểu tóc giống thần tượng vì kiểu tóc đó hợp với khuôn mặt của tôi
- Xem 1 bộ phim có thần tượng đóng/tháng ở rạp bằng tiền tiêu vặt tiết kiệm được.
Bảng trên, em có thể đặt ở vị trí dễ nhìn nhất để nhắc nhở và tự kiểm soát bản thân chỉ làm mọi việc liên quan đến thần tượng trong giới hạn mình cho phép.
Và tốt hơn nữa, em có thể xây dựng 1 bảng tương tự, nhưng với tiêu đề: “TÔI SẼ”. Bảng này sẽ giúp nhắc nhở bản thân làm những việc cần thiết để hướng tới mục tiêu đã đặt ra và xây dựng mối quan hệ với những người thân yêu, như:
- Đi ngủ lúc 22h00 và thức dậy lúc 6h00 mỗi ngày.
- Dành ít nhất 1 tiếng/ngày để trò chuyện cùng bố mẹ và chơi với em.
- Duy trì 30 phút học tiếng Anh mỗi ngày để đạt IELTS 7,5 khi kết thúc lớp 11.
- Xây dựng hình ảnh bản thân cá tính, nhưng hiện đại và văn minh (không phải là bản sao của thần tượng J )
- Chấp nhận những khuynh hướng thời trang khác bởi tôi không thể phán xét mọi người vì họ ăn mặc khác với thần tượng của tôi.
Thần tượng ai đó cũng có thể mang lại cho chúng ta rất nhiều giá trị mà những người khác không thể đem lại, đặc biệt là các giá trị về mặt tinh thần. Nhưng đó là khi chúng ta có khả năng nhìn nhận, kiểm soát được hành vi, cảm xúc và nhận thức được những điều phù hợp, hay chưa phù hợp mà thần tượng ảnh hưởng đến mình để phát triển hoặc điều chỉnh. Theo đó, hãy coi những bảng trên như là 1 “bí kíp” cho mình, nếu em nhận thấy việc yêu thần tượng của mình đang là quá mức, em nhé.
Nhân đây, cô cũng muốn chia sẻ câu chuyện của anh Phạm Xuân Bách học sinh chuyên hóa khóa 2014-2017 của THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng – một học sinh đã giành được giải nhì môn Toán trong kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia năm 2016. Bách chia sẻ rằng động lực học tập của mình là cô nàng Tiffany của SNSD – người mà anh ấy đã thần tượng suốt 7 năm. Hay cô bạn Khánh Vân đã nhận gói học bổng hỗ trợ tài chính hơn 3 tỷ từ một trường đại học ở Mỹ lấy Sơn Tùng MTP làm động lực học tập. Chính tình yêu lớn lao dành cho thần tượng đã truyền cảm hứng, giúp cô bạn có được nhiều thành công như ngày hôm nay.
Việc yêu thích, ngưỡng mộ hay thần tượng một ai đó là cảm nhận và quyền riêng tư của mỗi người. Cô mong rằng em cũng như các bạn sẽ luôn biết thần tượng đúng người và đúng cách để chúng ta có thêm động lực trong cuộc sống cũng như học tập. Hãy luôn cố gắng trau dồi kiến thức, kỹ năng và sức khoẻ để hoàn thành những mơ ước của mình. Biết đâu sau này em lại trở thành thần tượng của một ai đó thì sao nhỉ?
Chúc em sẽ trở thành một fan chân chính luôn khiến thần tượng của mình tự hào!
Thân mến,
Bức thư chiều thứ 6
Chuyên mục: Bức thư chiều thứ 6 Tin tức
Ngày đăng: 10/09/2018
Ngày cập nhật: 10/09/2018
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025