Xoay sở với cú sốc tại FSchool
Click vào Đây để nghe radio
Chàng trai thân mến,
Cô có thể hiểu được phần nào cảm xúc em đang trải nghiệm! Cô đã nhận được nhiều câu hỏi giống như chia sẻ của em trong thời gian vừa qua nên bên cạnh việc cảm nhận những khó khăn của các em trong giai đoạn đầu nhập trường, cô cũng có phần tự hào vì học sinh của mình mới nhập trường chưa lâu, nhưng đã rất chủ động trong việc nhìn nhận vấn đề của bản thân và tìm sự trợ giúp để tháo gỡ.
Cảm giác đầu tiên em có là sốc bởi môi trường tập thể. Với chia sẻ này, em chưa nói rõ cho cô biết những vấn đề cụ thể em gặp phải. Nhưng cô hình dung những khó khăn đó có khả năng sẽ liên quan tới một số vấn đề phổ biến ở môi trường tập thể như: đông bạn bè khiến em mất không gian riêng tư, sự ồn ào, những khác biệt trong hành vi và cách ứng xử, hoặc những va chạm, mâu thuẫn trong việc thể hiện cá tính…
Đúng là có thật nhiều điều “phiền phức” khi chúng ta sống chung cùng các thành viên khác. Cảm giác phiền lòng còn tăng lên nhiều hơn khi hầu hết chúng ta thường vô tình mắc lỗi tư duy giống nhau: mong muốn những người còn lại sẽ cư xử, hành động giống mình hoặc phù hợp với mong muốn của mình.
Nhưng em biết đấy, chúng ta đến từ những nơi khác nhau, được hưởng nền giáo dục gia đình, nhà trường và cộng động xung quanh khác nhau. Những trải nghiệm trong quá khứ của các em không giống nhau, các em có những niềm vui, nỗi buồn riêng… Tất cả những điều này hình thành nên các em của bây giờ – với đặc điểm, tính cách, sở thích, quan điểm rất riêng. Chính vì những khác biệt đó mà đôi khi chúng ta không thể tránh khỏi việc bất đồng ý kiến, quan điểm, cũng như có cách lý giải khác nhau về cùng một vấn đề, cách thể hiện và ứng xử khác nhau trong cùng một môi trường sống.
Chàng trai có biết không? UNESCO đã đề xướng mục đích học tập đó là: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Trong đó, học để chung sống cùng nhau vốn không hề dễ dàng gì. Nó đòi hỏi chúng ta phải thách thức lại chính mình để phá bẫy tư duy khi mong đợi người khác sống theo ý muốn của mình. Không! Mỗi người có quyền sống theo cách riêng của họ và chúng ta cần mở lòng mình để cảm nhận cuộc sống muôn màu, nhìn nhận mọi thứ đa chiều, học cách tôn trọng sự đa dạng để thích nghi và hoà nhập. Cuộc sống ấy, cần em và các bạn biết chấp nhận lẫn nhau, bao dung cho nhau và tự ý thức, kiểm soát hành vi, cách ứng xử của mình sao cho ít ảnh hưởng đến những người xung quanh nhiều nhất.
Em thân mến, đúng là tuân thủ giờ giấc sinh hoạt cũng khó khăn không kém. Nhưng có tin vui là giờ sinh hoạt của trường mình với khung giờ nghỉ trưa, và nghỉ vào buổi đêm như hiện tại sẽ giúp em ngủ đủ ít nhất 8 tiếng/ ngày để có thể phát triển và học tập hiệu quả nhất. Sự bố trí này dựa trên cơ sở khoa học đấy em à.
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Philip Gehrman, phó giáo sư tâm thần học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ): giấc ngủ trưa không chỉ giúp chúng ta thoát khỏi cơn buồn ngủ vào giữa ngày mà còn cải thiện hiệu suất, sự sáng tạo và tâm trạng tổng thể. Thời lượng 30 phút đủ để giúp cơ thể và não bộ có điều kiện nghỉ ngơi sau buổi sáng. Bên cạnh khả năng hồi phục năng lượng, giấc ngủ trưa còn là giải pháp hữu hiệu để chúng ta “tái khởi động” khả năng tư duy sáng tạo, vốn bị giảm thiểu dần theo thời gian làm việc và học tập trong ngày.
Hơn thế nữa mỗi bộ phận trong cơ thể đều có một giờ giấc nghỉ ngơi và đào thải nhất định. Khung giờ từ 23h-5h là thời gian của những bộ phận quan trọng như gan, túi mật, phổi làm công việc này đó em ạ! Do vậy, việc tuân thủ theo quy định về giờ giấc sẽ giúp em dần thiết lập được đồng hồ sinh học của mình. Theo thời gian, em sẽ dần thấy nó không còn là vấn đề, thậm chí sẽ cảm nhận rất rõ giá trị của nó đối với sức khoẻ của em. Em sẽ dần hình thành thói quen sinh hoạt khoa học, tạo lập phong cách của người biết tôn trọng thời gian, tôn trọng không gian chung. Đó là những thứ mà không phải ở đâu em cũng có cơ hội học tập và rèn luyện, em có nghĩ vậy không?
Chàng trai ạ, các thầy cô đã nghe nhiều bạn than phiền về các nội quy, quy định của Nhà trường. Nhưng em biết đấy, trong gia đình của chúng ta có nhiều nhất là 3 thế hệ, cùng là ruột thịt nhưng đôi lúc không tránh khỏi những va chạm, hiểu lầm. Vì thế với hơn 1000 học sinh với vô vàn khác biệt, hẳn sẽ có vô vàn va chạm, vô vàn hiểu lầm. Để tất cả đều có những hành vi và thái độ chuẩn mực, tạo nên môi trường an toàn, chúng ta cần những quy định chung để mọi người cùng thực hiện, giúp mỗi cá nhân đảm bảo những yêu cầu tối thiểu của mình. Điều này không chỉ đảm bảo cho các bạn mà còn cho chính em nữa đó chàng trai ạ!
Chuyên mục: Bức thư chiều thứ 6 Tin tức
Ngày đăng: 20/09/2018
Ngày cập nhật: 04/10/2018
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025