Cô giáo Ngô Thu Hà: “Học văn là cơ hội được nói lên con người của mình”

Là giáo viên trẻ với tư tưởng hiện đại, cô Ngô Thu Hà giúp học sinh được thể hiện quan điểm cá nhân của mình trong môn văn, khơi dậy sức sáng tạo và tình yêu của học sinh đối với một môn học vốn là nỗi sợ của nhiều học trò.

Bấy lâu nay, học sinh Việt Nam vẫn quen với hình tượng cô giáo dạy văn đứng tuổi, đọc từng lời, từng lời giảng cho trò chép lại. Đó là cách giảng dạy truyền thống, truyền tải kiến thức đơn thuần, rập khuôn nhưng chính xác.

Dù vậy, văn học không chỉ là đọc hiểu, ghi nhớ, văn học còn là tư duy, là sáng tạo. Môn Ngữ văn ở FSchool hướng đến những điều như thế. Học sinh được chủ động diễn giải, tiếp thu kiến thức qua các dự án, trò chơi, mô hình 3D hay những vở kịch tự diễn, tự lên kịch bản.

Là một giáo viên trẻ, nhiệt huyết tại FSchool, cô Ngô Thu Hà cho rằng: “Học văn là cơ hội được nói lên con người của mình”.

Những thiếu hụt trong cách giảng dạy cũ làm thui chột sự sáng tạo của học sinh

Cô Hà chia sẻ, trước đây, cô cũng thừa hưởng nền giáo dục học văn theo khuôn mẫu. Ở bên trong hệ thống đó, cô thấy rất rõ nhiều ý tưởng, lối viết sáng tạo không được tiếp nhận chỉ vì chúng không giống “cái khuôn” đã áp sẵn. Cứ thế, văn học trở thành một nỗi ám ảnh với nhiều học sinh, khi họ bắt buộc phải học thuộc lòng những kiến thức sẵn có, không được “bén mảng” ra khỏi vùng an toàn đã được giảng dạy vì không giống kiến thức đã học.

2

Năm 2017, TS Chu Văn Sơn (giảng viên khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng cho rằng: “Môn Văn trong nhà trường đang bị làm hỏng nhiều quá rồi, giờ phải làm lại, theo hướng thiết thực hơn”. Theo ông, môn văn ngày nay quá chú trọng “nhồi nhét” kiến thức để đi thi. Dường như họ quên mất học văn trước hết là học giao tiếp, học tư duy, diễn đạt vấn đề rồi mới đến cảm thụ văn học, lý luận văn học. Đó là tình trạng ở nhiều trường công lập và cả tư thục hiện nay.

Nhìn thấy những điều như vậy, người cho đó là điều hiển nhiên, người tránh sang lĩnh vực khác, người lại mong muốn thay đổi. FSchool cũng đã có nhiều giáo viên ứng dụng các dự án, sản phẩm sáng tạo để dạy học. Ở lớp cô Ngô Thu Hà, học sinh nhìn thấy sự thay đổi theo một hướng khác. Thay vì đi theo lối mòn học thuộc nhiều năm về trước, cô lựa chọn giúp học sinh thể hiện, phát huy khả năng của mình qua cơ hội nói lên chính kiến riêng.

Giờ văn cô Hà mở đường cho các ý tưởng độc đáo

Ngay từ giai đoạn tiếp thu kiến thức mới, cô Hà đã thúc đẩy, khuyến khích học sinh tự tư duy, tìm tòi để khám phá ra nhiều khía cạnh khác nhau của bài học chứ không chỉ giới hạn trong giáo trình soạn sẵn. Cô thường xuyên yêu cầu học trò chủ động tra cứu, tổng hợp thông tin về một số phần kiến thức trước khi nghe giảng cũng như hay đưa ra các câu hỏi khó xuyên suốt tiết dạy, đòi hỏi học sinh kết hợp bài học trên lớp với kiến thức nền và khả năng tư duy lý luận. Có lẽ đó cũng là một phần nguyên nhân nhiều học sinh của cô Hà tư duy rất nhanh, rất sắc bén trước các vấn đề văn học, không bị thụ động, chỉ trông đợi vào nội dung cô cung cấp.

Những bức hình nên thơ của cô giáo trẻ tại khuôn viên xanh của trường.

Kể cả khi làm bài kiểm tra viết, cô Ngô Thu Hà vẫn cho phép học sinh tự do sáng tạo trên cơ sở kiến thức sẵn có. Học trò không bị áp lực phải phân tích đúng từng câu từng chữ, sát với lời giảng của cô mà có thể hiểu văn bản theo cách riêng của mình, miễn là chứng minh được rõ ràng lối suy nghĩ đó xác đáng. Nhờ thế, nhiều học sinh trong lớp cô đủ tự tin để đưa ra các quan điểm mới mẻ, nằm ngoài giáo trình cho trước.

Sự đổi mới phải được xây dựng trên nền tảng kiến thức vững chắc

Dù được thoải mái sáng tạo đến đâu, học sinh cô Hà vẫn phải đảm bảo khối lượng kiến thức cơ bản. Bởi lẽ, việc thể hiện quan điểm cá nhân có thể gây tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều, thế nên, hiểu rõ nội dung bài học là một yếu tố cần thiết để đưa ra các lập luận chắc chắn, đủ để thuyết phục người khác. Nếu đưa ra ý kiến cá nhân mới lạ mà không chứng minh được ý kiến đó đúng thì sự sáng tạo ấy khó mang lại giá trị tích cực mà ngược lại, còn trở thành những ý kiến mang tính suy diễn.

Cô Hà rất giỏi nắm bắt tâm lý giới trẻ nên được nhiều học trò yêu mến.

Được trải nghiệm, được vấp ngã, tất nhiên sẽ có lúc học sinh cô Hà đưa ra những ý tưởng chưa thật sự đúng đắn, có kẽ hở trong lập luận, chứng minh. Đây không phải điều xấu. Qua các sai lầm đó, học sinh tìm được vấn đề trong cách tư duy, hiểu bài của mình, củng cố thêm nền tảng để tiếp tục khám phá những khía cạnh mới của bài học. “Thất bại là mẹ thành công”, càng sai, học sinh càng tìm ra được những thiếu sót, nhầm lẫn của mình và có thể phát triển ra các ý tưởng mới mẻ hơn.

Dường như vì được sai và được sửa, nhiều học sinh của cô Hà ngày càng yêu mến môn văn hơn, tích cực tìm hiểu, khám phá các phương diện khác của bài học mà cô chưa giảng giải. Đến lớp văn cô Ngô Thu Hà, học sinh không chỉ được học mà còn được thỏa thích sáng tạo, cô sẵn sàng cùng trò theo đuổi, bàn luận về các ý tưởng mới dù mới đầu nghe nó có kì lạ đến đâu. Có lẽ cũng nhờ vậy mà học sinh của cô không ngại thể hiện quan điểm riêng trong văn học, được truyền lửa để tiếp tục đi đến tận cùng vấn đề.

Cô giáo rực rỡ sắc cam trong ngày Nhà giáo Việt Nam.

Với tư cách là một nhà giáo rất trẻ, hình như cô Hà gần gũi với học sinh hơn bất cứ ai khác, thấu cảm được các vấn đề của học trò và kết nối môn văn hàn lâm với học sinh thông qua con đường tự suy nghĩ, tự mở rộng từng bước một cùng người hỗ trợ là cô. Có lẽ vì thế nên văn – bộ môn vốn bị coi là nhàm chán, nặng nề đã trở nên sinh động hơn trong mắt học sinh cô Ngô Thu Hà nhờ việc được tự do thể hiện quan điểm, màu sắc cá nhân của mình. Đây là một đại diện cho cách học đổi mới, sáng tạo ở Fschool với hướng đi chú trọng khai thác tiềm năng của học sinh.

PV: Linh Nga

 

Ngày đăng: 14/05/2021

Ngày cập nhật: 14/05/2021

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

Trường THPT FPT tổ chức thành công hội thảo “Tuổi 15 và trí tuệ cảm xúc trong thời đại số” với sự tham dự của gần 300 quý phụ huynh và học sinh
Trường THPT FPT Hà Nội ký kết hợp tác với Liên minh dự bị đại học và du học Trung Quốc (CCN)
LỘ DIỆN 8 ĐỘI THI XUẤT SẮC NHẤT TẠI CHUNG KẾT FSCHOOLS STEMPETITION 2024 CẤP TRƯỜNG
Công nghệ 4.0 và những tác động đến cảm xúc, trí tuệ của trẻ vị thành niên  
Thầy trò trường THPT FPT Hà Nội sáng tạo những cây thông tái chế lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường
Ấn tượng với ý tưởng sáng tạo và hữu ích trong vòng sơ loại cấp trường cuộc thi FSchool Stempetition 2024
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội học cách gắn kết và thấu hiểu tại buổi tọa đàm “Kết nối gia đình”
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội mang “Giáng sinh yêu thương” đến với các em nhỏ tại Mái Ấm Thiên Ân
55 đội tuyển sẵn sàng chinh phục giải bóng đá lớn nhất năm tại trường THPT FPT Hà Nội
Khám phá lớp học quốc phòng nghiêm túc và sôi nổi tại trường THPT FPT Hà Nội

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh