2 ngày 1 đêm code quên ăn, ngủ và tiềm năng của đội tuyển trẻ tuổi nhất đấu trường Hackathon

Dù không đạt được giải thưởng trong Hackathon mùa đầu tiên, các chàng trai của THPT FPT đã xuất sắc vượt qua 27h code thử thách và hoàn thiện sản phẩm, trình bày trước hội đồng giám khảo. Ý tưởng và năng lực của các bạn được BGK đánh giá cao và BGK tin tưởng các bạn sẽ tiến xa trong tương lai.

Boys without Smartphones là nhóm có độ tuổi trẻ nhất trong 14 đội thi cùng tranh tài tại vòng chung kết FPT Edu Hackathon 2018 tại Hòa Lạc campus ngày 9 -10/6 vừa qua. “Đọ sức” với 48 thí sinh khác đến từ đại học FPT, cao đẳng thực hành Polytechnic, Đại học trực tuyến Funix, Đại học Greenwich Việt Nam… ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… các chàng trai lớp 11 của FSchool đã đưa ra ứng dụng đa nền tảng DealAssist. Cụ thể, ứng dụng này đưa ra danh sách các đơn hàng giá tốt, mã giảm giá theo từng ngày cho chính người sử dụng lựa chọn.

Các chàng trai mang niềm hi vọng của FSchool trong vòng chung kết Hackthon mùa đầu tiên.

Sau phần khai mạc ngắn gọn, “em út” của vòng chung kết Boys without Smartphones nhanh chóng bước vào 27 tiếng lập trình liên tục kéo dài từ sáng 9/6 đến hết trưa 10/6. Trong khi một số đội gặp khó khăn sau lần submit code đầu tiên thì đại diện của FSchool lại tỏ ra bình tĩnh và có chiến thuật thi đấu ổn định. Bộ ba Vũ Hưng, Tiến Mạnh, Đức Long chọn chiến thuật chia ra để làm. Mỗi thành viên chịu trách nhiệm code một phần riêng, sau đó sẽ cùng kết hợp lại. Dù “còn xanh và non” so với đàn anh, đàn chị nhưng Boys without Smartphones tỏ ra khá tự tin. Các em bình tĩnh vừa code vừa nghe nhạc thư giãn. Khi đó, cả nhóm vẫn đang tuân thủ chính xác theo thời gian submit bài của BTC.

Không khí khẩn trương, tập trung của 14 đội thi cùng hướng đến ngôi vị quán quân Hackathon.

Tuy nhiên, trong giai đoạn nước rút, Boys without Smartphones lại nhận ra một sự cố khá lớn với ứng dụng. Chỉ còn một giờ trước khi BTC niêm phong máy tính, đội vẫn chưa thể tìm ra lỗi của hệ thống để chỉnh sửa.

Các chàng trai FSchool tỏ ra khá căng thẳng, lo lắng và sợ rằng phải dừng bước ở đây. Nhưng thật may mắn, ở những phút cuối cùng phần thi code, lỗi đã được tìm thấy và nhanh chóng được các chàng trai khắc phục một cách khó tin.

Boys without smartphones đã khắc phục thành công sự cố với DealAssist ở những phút cuối cùng.

Nụ cười rạng rỡ lại trở về trên khuôn mặt các thí sinh nhỏ tuổi nhất của cuộc thi. “Phần thuyết trình là thế mạnh của bọn em rồi nên lúc này em không sợ gì nữa cả, sẽ thi đấu hết mình thôi”, Tiến Mạnh cho hay.

Vũ Hưng giữ vị trí trưởng nhóm và cũng đảm nhiệm phần thuyết trình. Đầu tiên, bước vào phần thuyết trình, Boys without Smartphones hóm hỉnh giới thiệu về sự đặc biệt của tên nhóm, đồng thời đề cập đến mục đích của sản phẩm liên quan đến chiếc Smartphone. Dù mới học lớp 11, nhưng Vũ Hưng rất tự tin đứng thuyết trình và tương tác với Hội đồng chuyên môn. Cậu học sinh FSchool cho hay hiện nay 73% dự án thương mại điện tử được sử dụng trên smartphone. Bên cạnh đó, Hưng cũng đưa thêm nhiều ví dụ thực tế từ các tin tức và thông tin trên báo chí để chứng mình tầm ảnh hưởng của thương mại điện tử trên thị trường. Theo nhóm, điều quan trọng nhất trong thị trường thương mại điện tử là hướng về khách hàng, và đó cũng là mục tiêu mà sản phẩm của nhóm hướng đến. Dựa theo nhu cầu và sở thích của khách hàng, các sản phẩm phù hợp sẽ được hửi về để thuận tiện cho việc theo dõi các mặt hàng yêu thích và gợi ý những sản phẩm có mức giá hấp dẫn nhất cho người dùng ứng dụng.

Sau khi dành khá nhiều thời gian cho việc giới thiệu và phân tích về thương mại điện tử, Boys without Smartphones tiến hành demo ứng dụng trên website trước Hội đồng và khán giả. Để có thông tin chi tiết, các chàng trai yêu cầu người dùng tạo tài khoản và nhập các thông tin cơ bản liên quan đến sở thích cá nhân.

Theo đó, sản phẩm của Boys without Smartphones không cố gắng để bán hàng hay đưa ra các gợi ý mang tính thương mại, mà đưa ra nhiều sản phẩm đã được chọn lọc để người dùng so sánh và tự lựa chọn. Theo nhóm trưởng, anh chàng rất ngưỡng mộ quan điểm của Chủ tịch Tập đoàn FPT về việc: “Người giàu nhất không phải là người sở hữu tài sản mà là người sản hữu thông tin”, vì thế nhóm cũng rất chú trọng trong việc khai thác thông tin người dùng.

Đưa ra các phân tích thể hiện sự am hiểu về tâm lý khách hàng, các chàng trai của Boys without Smartphones nhận được khá nhiều lời khen từ Hội đồng. Thay mặt hội đồng, thầy Bùi Đình Chiến cảm ơn nhóm đã mang đến cho hội đồng không khí rất mới, thầy cũng thể hiện sự ngưỡng mộ về nỗ lực của cả nhóm và góp ý về nội dung sản phẩm và đưa ra định hướng cũng như những phương pháp để nhóm cải thiện và phát triển kỹ năng.

Bên cạnh đó, thầy Lã Ngọc Quang đưa ra câu hỏi về việc lấy dữ liệu từ các website khác và gật gù với câu trả lời từ đại diện nhóm. Thầy Bùi Ngọc Anh cũng như các thầy trong hội đồng sau khi theo dõi đã gửi lời chúc mừng tới nhóm và đánh giá cao suy nghĩ về việc tiếp cận với thương mại điện tử của Boys without Smartphones. Theo lời thầy, việc code của cả nhóm so với chương trình của các học sinh cấp 3 là khá tốt, chứng tỏ các bạn rất cố gắng trong khả năng tự học.

Lắng nghe nhận xét của thầy, cả nhóm cũng chia sẻ những khó khăn trong quá trình làm việc và giải pháp mà nhóm đã sử dụng. Ghi nhận sự nỗ lực trong 27 tiếng của nhóm, thầy Ngọc Anh cho biết sự tăng trưởng về code của nhóm rất rõ rệt. Qua cuộc thi chắc chắn nhóm cũng học được thêm nhiều thứ để có động lực theo đuổi lập trình trong tương lai.

Trưởng nhóm Vũ Hưng cho biết: “Hackathon đã cho em có cơ hội thi đấu cùng các đàn anh, đàn chị không chỉ giỏi mà còn có nhiều ý tưởng sáng tạo, cả trong sản phẩm và ở cách thực hiện chúng. Chắc chắn còn nhiều điều chúng em cần trau dồi, học hỏi để phát triển kỹ năng lập trình.”

Anh Vũ Quốc Tuấn – CEO công ty FBS bày tỏ sự ngạc nhiên vì phong thái tự tin của những học sinh mới chỉ học lớp 11. Anh cũng đưa ra những đánh giá thực tế. Về cơ bản, nhóm còn trẻ nên chưa nắm được nhiều thông tin, bên cạnh đó việc thu thập thông tin của người dùng mà nhóm đưa ra cũng khá khó triển khai. Anh Tuấn đưa ra nhiều lời khuyên về tính ứng dụng thực tế, khuyến khích nhóm đào sâu về các giải pháp công nghệ để phát triển ý tưởng.

Với vai trò mentor, cô Trần Thị Lịch nhận xét về phần thể hiện của cả nhóm: “Sau 1 tháng tự mày mò nghiên cứu, các em đã có phần thi đấu khiến cô cảm thấy thực sự hài lòng. Cả đội đã tiến xa hơn rất nhiều so với mục đích thi để cọ sát, lấy kinh nghiệm ban đầu. Cô tin rằng sau cuộc thi, các em đã được làm quen với nhiều ngôn ngữ lập trình và sẽ thành công hơn nữa trong tương lai.”

Thu Hiền

 

Ngày đăng: 12/06/2018

Ngày cập nhật: 21/10/2021

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh