Bạo lực học đường, học sinh FPT nghĩ gì?
Sau vụ một học sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị bạn đánh hội đồng nhưng không biết cách phản kháng, gây chấn động dư luận thời gian qua, vấn đề trang bị kỹ năng sống cho trẻ lại được đặt ra. Câu chuyện này đã được học sinh lớp 11 trường THPT FPT thẳng thắn bày tỏ quan điểm trong bài kiểm tra nghị luận văn học. Trường THPT FPT cũng là trường đi đầu về chương trình phát triển cá nhân (Personal development program – PDP) trang bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết, khả năng tự lập, và đặc biệt là giúp các em hiểu rõ về bản thân mình hơn, kiểm soát được cảm xúc cá nhân… từ đó phát triển được đúng hướng. Đây có thể coi là hướng đi mới cho việc giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng.
Bạo lực học đường, người trong cuộc nghĩ gì? Nguyên nhân từ chính nền giáo dục?
Trong bài viết văn nghị luận kiểm tra giữa học kì, rất nhiều học sinh khối 11 trường THPT FPT đã đưa ra quan điểm cá nhân về nguyên nhân của bạo lực học đường chính là do phương thức giáo dục hiên nay chưa hợp lý. Chương trình đào tạo nặng về kiến thức mà chưa chú trọng việc học lễ nghĩa – căn nguyên của xã hội. Nhiều em đưa ra giải pháp bằng cách giáo dục đạo đức và dạy kĩ năng sống ngay tại mỗi trường.
Em Đoàn Thị Hà Thu lớp 11G bày tỏ: “Tôi luôn nhớ câu Tiên học lễ, hậu học văn. Đầu tiên với việc đi học ta phải học lễ nghĩa trước, học cách cư xử,học đạo đức,học làm người trước rồi mới học đến những thứ tinh hoa của đất trời sau, học văn, sinh, sử địa, toán sau. Vậy mà không, tôi đang thấy giáo dục đi ngược lại với cái vỗn dĩ ban đầu của nó. Mỗi học sinh phải dành ra đa số thời gian để học các môn văn hóa còn môn đạo đức học chỉ chiếm cỏn con có 45 phút trên tuần. Rồi khi về nhà bố mẹ cũng bắt học thêm các môn văn hóa thay vì bảo con nhiều điều đúng đắn trong môn đạo đức. Rồi từ đó dần dần hình thành những thói quen không hay, những thứ cảm xúc, nhận thức khô khan, thiếu nhân văn”
Em Lê Yến Nhung lớp 11A phân tích nguyên nhân xảy ra sự việc và thể hiện rõ sự quan ngại về thói vô cảm đang trở thành một chuyện bình thường của xã hội: “Khi học sinh đánh lộn thì thầy cô ở đâu? Đây là câu hỏi tôi luôn tự đặt ra. Vụ việc chỉ được phơi bày khi mọi người được xem clip và cơ quan chức năng vào việc. Đáng lẽ người đầu tiên biết và giải quyết cùng cơ quan chức năng phải là thầy cô giáo! Nguyên nhân là do thầy cô không quan tâm đến học sinh nên không biết hay cố tình giấu đi cho êm chuyện? Một lần nữa ta lại thấy, thầy cô giáo ở đây chưa chắc hẳn đã là thầy giáo, cô giáo đúng nghĩa. Người trong cuộc đánh và bị đánh còn người ngoài cuộc đứng nhìn. Điều này đã cho ta thấy “sự suy thoái” rõ rệt của tình người ở nước ta. Xe tai nạn, lao vào lấy đồ, đánh lộn đứng ngoài xem; người bị tai nạn cầm điện thoại chụp ảnh…Chúng ta đang dần trở nên vô cảm và nhát gan”
Đồng quan điểm, Nguyễn Thu Phương lớp 11B thẳng thắn chia sẻ: “Nói thẳng ra chính là do nền giáo dục hiện nay – nền giáo dục qua loa từ chính nhà trường và gia đình. Trong quá trình mài đũng trên ghế nhà trường, học sinh dần dần hình thành lên một nhân cách, tức là học cách sống, cách làm người mà đôi khi lý thuyết và sách vở từ giáo viên không cho chúng ta điều đó. Chính sự lờ mờ, hời hợt của nền giáo dục đã tiếp tay cho những méo mó hình thành nên trong các cá nhân, lại thêm bị tác động từ môi trường xung quanh”.
Tranh biếm họa về bạo lực học đường (nguồn internet)
Em Bùi Thế Dân lớp 11D đưa ra ý kiến: “Vấn đề ở đây là giáo dục con người. Nền giáo dục Việt Nam hiện nay nếu không nói là lạc hậu, lý thuyết, quá tải thì cũng không phù hợp. Bên cạnh những kiến thức chuyên môn, có lẽ quan trọng hơn người học sinh ngay từ mẫu giáo cần được dạy những kĩ năng sống cho bản thân (kĩ năng sinh tồn, giao tiếp, chung sống với đồng loại…)”
Cho rằng nguyên nhân của bạo lực học đường là “Giáo dục hiện nay đang quá nặng về kiến thức mà bỏ bẵng việc rèn luyện đạo đức cho học sinh. Việc phải cong lưng chạy theo thành tích, chạy theo chương trình khiến cả cô và trò đều mệt mỏi, dễ rơi vào trạng thái stress, dễ nổi nóng, không kiểm soát được hành vi của bản thân”, em Nguyễn Tiểu Ngọc lớp 11E đưa ra giải pháp để bài trừ hiện tượng xấu này: “Nhà trường phải nâng cao giáo dục đạo đức, đội ngũ cán bộ giáo viên phải được chọn lọc kỹ càng, bài trừ nạn thành tích. Gia đình, bố mẹ phải làm gương cho con cái, có những cư xử đúng mực, định hướng đúng đắn cho con. Cuối cùng phải có sự phối hợp đồng đều giữa gia đình – nhà trường – xã hội để tạo nên môi trường sống văn minh”
Chương trình phát triển cá nhân – Hướng đi mới giảm thiểu bạo lực học đường
Hiện nay, nhiều trường rèn luyện kỹ năng sống lồng ghép trong các buổi học. Các năm trước đó, rèn luyện kỹ năng sống dừng lại ở phương án nói – nghe, nghĩa là thầy cô chủ yếu tác động đến học trò bằng lý thuyết. Gần đây, được sự ủng hộ của phụ huynh, các trường đã mạnh dạn hơn trong việc cho học sinh thực hành kỹ năng sống để hình thành lối sống lành mạnh cho học sinh. Tuy nhiên, giáo dục ở một mức độ bao quát và sâu hơn, chương trình phát triển cá nhân còn khá mới mẻ và chưa được áp dụng nhiều. Mục đích của chương trình Phát triển cá nhân trong nhà trường là giúp học sinh phát triển tối đa khả năng của bản thân, trang bị những kĩ năng sống, cũng như những kiến thức văn hóa, xã hội cho các em trong thời đại toàn cầu hóa. Quan trọng nhất, chương trình hướng đến việc vun đắp tâm hồn cũng như thẩm mĩ cuộc sống, khả năng thích nghi và tôn trọng lẫn nhau.
Là một giáo viên PDP tại trường THPT FPT – một trong những ngôi trường đi đầu và có tiếng về mục tiêu đào tạo và phát triển học sinh có đạo đức và trách nhiệm xã hội, cô Trịnh Thị Mai chia sẻ: “Trong thực trạng hiện nay, khi trên báo, mạng tràn ngập những hành động tiêu cực của giới trẻ như đánh nhau hội đồng, trộm cắp, thậm chí giết người…. bố mẹ nhiều khi bất lực không biết làm gì với con thì việc cung cấp những giá trị sống tốt đẹp sẽ giúp các em tự nhìn nhận bản thân và hiểu và thay đổi phù hợp với các chuẩn mực xã hội. Thông qua đó học cách tôn trọng người khác, tôn trọng bản thân mình hướng đến sự thay đổi hành vi, thái độ và cách ứng xử cho một thế hệ mới biết suy nghĩ và nhìn nhận thấu đáo.”
THPT FPT – ngôi trường đi đầu trong chương trình phát triển cá nhân
Anh Nguyễn Hữu Quang – phụ huynh học sinh Nguyễn Hữu Quang Minh đánh giá: “Mặc dù là một đứa trẻ được rèn tính độc lập từ sớm, nhưng môi trường nội trú FPT School và các chương trình phát triển cá nhân vẫn mang lại nhiều thay đổi tích cực khiến con trai tôi trưởng thành hơn, tự tin và bạo dạn hơn trong giao tiếp, trong cách xử lý các vấn đề hàng ngày. Việc được tham gia vào nhiều hoạt động phát triển cá nhân, các CLB…giúp cháu có điều kiện tiếp xúc, va chạm, học hỏi và dần ý thức rõ ràng hơn về lựa chọn hướng nghiệp của mình cũng như sống có trách nhiệm hơn, có ý thức hơn với bản thân và với mọi người xung quanh”.
Hoạt động PDP giúp học sinh chiến thắng các rào cản của mình, học cách tự chịu trách nhiệm, học cách chung sống với nhau – với sự khác biệt, học cách cân bằng và giữ được sự vui vẻ, hồn nhiên
Học sinh của trường, em Nguyễn Thu Phương lớp 11B bộc bạch: “Tôi thấy mình thật may mắn khi được trưởng thành trong một môi trường lý tưởng như FPT – nơi mà trường lớp dạy chúng tôi đề cao cá nhân và biết tôn trọng để nhận được sự tôn trọng.”
Chương trình phát triển cá nhân được xây dựng với nhiều hoạt động hấp dẫn, và lồng ghép vào toàn bộ hệ thống giảng dạy của nhà trường, song hành với chương trình đào tạo. Phương thức triển khai chương trình PDP cũng được đa dạng hoá, từ các lớp học chính quy, tới các hoạt động ngoại khoá, nhằm tạo môi trường cho học sinh được học tập, trải nghiệm và thực hành những gì được học, biến những tri thức được dạy trở thành kỹ năng thực tế của học sinh.
Bên cạnh đó, môn Giáo dục công dân đã được Ban Giám hiệu trường THPT FPT đưa vào chương trình đào tạo với hình thức và cách tiếp cận được cải tiến, đi vào thực tế, không hình thức. Học sinh sẽ được học và có các hoạt động trải nghiệm bổ trợ để tìm hiểu về đất nước, lịch sử, địa lý, pháp luật, các thể chế nhà nước… Đặc biệt các nội dung về giá trị sống giúp học sinh nuôi dưỡng các giá trị tâm hồn, hướng thiện. Chương trình phát triển cá nhân đang được phát triển mạnh tại nền giáo dục các nước. Ở Việt Nam, tuy còn mới nhưng chương trình này sẽ là hướng đi mới góp phần giảm thiểu bạo lực học đường.
Quỳnh Như
Chuyên mục: Tin tức
Ngày đăng: 05/04/2015
Ngày cập nhật: 05/04/2015
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025