Cách chứng tỏ mình không còn bé nhỏ

Ngày đăng: 14/05/2019

Ngày cập nhật: 14/05/2019

Ngày đăng: 14/05/2019

Ngày cập nhật: 14/05/2019

Tác giả: Phạm Hoa

Nghe bản radio tại đây

Cô ơi, em thực sự cần lời khuyên của cô vì em cảm thấy cực kỳ khủng hoảng tinh thần mỗi khi nghĩ về mối quan hệ giữa em và bố mẹ.

Chuyện là thế này cô ạ, nhà em có 2 chị em, chị em lớn hơn em 1 tuổi nhưng tính tình khá khép nép và cực kỳ kỵ tính của cả bố lẫn mẹ em, nên chị em và bố mẹ rất ít khi tiếp xúc (vì chị em luôn chủ động tránh mặt). Còn mẹ em thì cũng rất buồn vì tính cách của chị, nên em cũng chỉ biết vâng lời bố mẹ cho bố mẹ an lòng. Nhưng thời gian gần đây, việc học của em tăng lên khá nhiều nên cuối tuần về hầu như em không có ở nhà, thi thoảng em xén chút thời gian rảnh để gặp bạn bè. Nhưng mẹ em luôn không đồng ý, em cũng đã trao đổi với mẹ nhiều lần, và không lần nào mẹ em đổi ý cả.

Mẹ luôn ép em học, em vẫn học đều, đủ theo ý mẹ nhưng dường như em thấy rằng mẹ cảm thấy em học như vậy là chưa đủ và luôn hối thúc em học nhiều hơn. Đến nỗi mà em sợ mỗi cuối tuần, sợ phải về đi học thêm quá nhiều, em sợ phải gặp bố mẹ! Em cũng không hiểu nổi bản thân từ bao giờ đã thấy sợ việc phải về nhà như vậy. Hết mức chịu đựng nên em đã cãi nhau với mẹ về việc học thêm, việc mẹ quan tâm những thứ mà em không thích. Em biết được trong mắt mẹ em vẫn là cậu bé 5 tuổi thôi nhưng dường như mẹ không hiểu em, mẹ không biết được em thực sự cần gì!

Việc mẹ em tạo áp lực lên em còn có cả bố góp phần, không hiểu từ khi nào em đã sợ bố mẹ đến vậy, em khủng hoảng đến nỗi không muốn nghĩ đến, cũng chỉ muốn tránh mặt bố mẹ (em từng định ở lại trường không về cuối tuần nhưng em vẫn nhớ bố mẹ!!). Mấy ngày nay em chọn cách im lặng với bố mẹ vì em sợ 1 lúc nào đó tâm lý bất ổn sẽ lại xảy ra cãi nhau với bố mẹ.
Em phải làm gì đây ạ?

Học sinh nam, lớp 11

Chàng trai thân mến,

Từ những gì em viết, cô cảm nhận được phần nào những áp lực em đang trải qua. Cô thực lòng chia sẻ những cảm xúc em đang có!

Đọc những dòng thư đầu tiên của em, cô hình dung đến một chàng trai giàu cảm xúc, tinh tế, biết quan tâm, hiểu và cảm thông với người khác. Đó là lý do vì sao, em nhận diện được nỗi buồn của mẹ khi chị gái ít giao tiếp với gia đình. Vì thế, em đã luôn cố gắng để làm bố mẹ an lòng. Điều tuyệt vời này không phải ai cũng có thể làm được chàng trai ạ. Cô rất trân trọng và cảm kích trước những gì em đã làm trong tình huống này!

Khi luôn cố gắng như vậy, em cũng mong bố mẹ hiểu, tin tưởng và để cho em chủ động trong việc học tập, sinh hoạt của bản thân, bao gồm cả việc giao lưu với bạn bè. Đây là nhu cầu tất yếu và em xứng đáng được như vậy. Cô cũng tin tưởng rằng bất kỳ người bố, người mẹ nào cũng có thể hiểu và tôn trọng những nhu cầu chính đáng này của con mình.

Để cô kể với em tình huống mà một người mẹ mới chia sẻ với cô gần đây. Câu chuyện này liên quan một phần đến tình huống em đang trải nghiệm. Chuyện là cô ấy luôn tin tưởng con gái của mình, luôn để bạn ấy chủ động trong việc tự học và sinh hoạt. Bởi thế, khi bạn ấy bảo lên phòng học thì cô ấy cũng luôn tin là con mình làm như vậy. Nhưng dạo này, cứ mỗi lần cô ấy lên gác thì ngay lập tức thấy con gái tắt máy tính ngay. Đây là hành động khá lạ và lặp lại nên cô quyết định trao đổi với con, hỏi rõ điều gì khiến bạn ấy làm như vậy? Bởi khi chuyện đó diễn ra nhiều lần thì bố, mẹ sẽ không tránh khỏi những lo lắng.

Bạn ấy nói: “Con chat với bạn cho vui. Nhưng thấy ngại với bố mẹ, sợ bố mẹ không cho nói chuyện với bạn bè qua mạng, nên mỗi khi bố mẹ lên, con tắt máy luôn”. Đây là cơ hội tốt để cô ấy chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình. Cô ấy nói rằng: “Việc bạn bè trò chuyện với nhau qua mạng là bình thường. Bởi đó cũng là kênh để giao tiếp, để nối kết với nhau trong thời đại ngày nay. Nhưng việc bạn ấy sử dụng thời gian học, ngồi trước sách vở, máy tính và nói là học trong khi lại chat với bạn là chưa hợp lý. Bạn ấy có quyền được nghỉ ngơi, được giải trí. Tuy nhiên, học là học, chơi là chơi, cần rõ ràng và tránh để mọi người hiểu rằng bạn ấy đang học trong khi thực tế lại không như thế”.

Nếu bạn ấy có hẹn trò chuyện cùng bạn bè, chỉ cần nói trước với bố mẹ về thời gian và dừng hẳn việc học để trò chuyện cho thoải mái. Điều này là bình thường. Bạn ấy vẫn có thể tự nhiên tiếp tục trò chuyện cùng bạn bè ngay cả khi bố mẹ lên. Bố mẹ cũng không có ý định đọc những gì bạn ấy trao đổi với bạn, nên không cần phải tắt máy tính ngay như vậy. Điều đó thể hiện sự thiếu tin tưởng vào bố mẹ, đồng thời để lại trong lòng bố mẹ cảm giác lo lắng không đáng có. Bạn gái ấy từ lần sau đã thông báo trước với bố mẹ nếu có trò chuyện cùng bạn. Bố mẹ bạn ấy cũng chủ động không lên gác khi biết con đang nói chuyện với bạn bè.

Trở lại câu chuyện của em, phải chăng em đã luôn cố gắng và đã luôn nhận được sự tin tưởng của bố mẹ, nên chuyện em “xén” chút thời gian gặp bạn bè bỗng dưng trở thành vấn đề như trường hợp của bạn gái trên? Để tránh tình huống tương tự xảy ra, tránh những cảm xúc bị dồn nén lâu ngày, em chủ động ngồi lại để nói chuyện cùng bố mẹ. Em bắt đầu bằng cảm xúc của mình giống như cách em chia sẻ với cô vậy. Em nói rõ mong muốn của mình trong tình huống này là gì nữa nhé.

Cách em hẹn gặp bố mẹ, cách em giao tiếp, biểu cảm chân thành của gương mặt, cũng như những điều em chia sẻ về cảm xúc của mình phần nào sẽ khiến bố mẹ cảm nhận được sự trưởng thành từ em. Đương nhiên, đừng quên trong lúc trò chuyện hãy luôn thử đặt mình vào vị trí của người lớn để hiểu hơn cảm xúc, hiểu điều mà bố mẹ có thể nghĩ tới, lắng nghe họ thật chân thành. Như vậy chắc chắn cuộc trò chuyện của em sẽ tốt hơn đấy.

Bên cạnh đó hãy lập cho mình một kế hoạch học tập logic, hiệu quả, thiết lập những mục tiêu và các bước để em hoàn thành các mục tiêu đó rồi trình bày cho bố mẹ, cùng bố mẹ thiết lập một thời gian biểu hợp lý nhất cho mình. Thuyết phục bố mẹ rằng: bên cạnh việc học tập, em cũng cần có thời gian để thư giãn. Bởi não bộ của chúng ta không thể làm việc hiệu quả nếu như bị quá tải. Hãy vận dụng những kiến thức về cơ chế hoạt động của não bộ em đã được học trong tuần lễ định hướng để trao đổi cùng bố mẹ một cách khoa học nhé chàng trai.Quan trọng là sau đó em thực hiện được kế hoạch do chính mình đề ra. Kết quả học tập có tiến bộ, tinh thần thoải mái và mối quan hệ gia đình ấm áp hơn là minh chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả của việc thực hiện một lịch biểu mới. Điều đó sẽ tạo dựng niềm tin và sự tôn trọng của bố mẹ dành cho mình. Để làm được như vậy, em nhớ là mình cũng cần thật kiên nhẫn nữa. Con trẻ cần bao nhiêu thời gian để cảm thông và thấu hiểu cha mẹ thì cha mẹ mình cũng cần bấy nhiêu thời gian để tiếp nhận sự thay đổi của con cái đấy em à.

Cô tin rằng bằng tất cả tình yêu thương vô bờ mà cha mẹ dành cho con cái, chỉ cần em đủ kiên định, với sự chân thành và tình yêu sẵn có của mình, em sẽ khiến bố mẹ thấu hiểu một cách thật nhanh chóng.Chúc em đủ mạnh để thực hiện được điều đó. Luôn là một chàng trai giàu lòng yêu thương, vui vẻ và thành công nhé!

PHỤ TRÁCH CHUYÊN MỤC

Cô Phùng Hiên – Thạc sĩ tư vấn tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên

Liên hệ tư vấn trực tiếp:
Phòng PDP – Phòng 106, tòa nhà Beta

Hoặc qua kênh online:

https://www.facebook.com/Bucthuchieuthu6/

https://www.facebook.com/phung.hien.18

[email protected]

 

Tin cùng chuyên mục