Cách để xây dựng suy nghĩ tích cực
Suy nghĩ tích cực giúp chúng ta giảm căng thẳng và làm cho mọi khoảnh khắc trong cuộc sống trở nên đáng giá. Ngoài ra, suy nghĩ tích cực giúp bạn hạnh phúc, bớt chán nản và dễ hài lòng hơn. Lợi ích của suy nghĩ tích cực là rất lớn phải không? Liệu suy nghĩ tích cực có thể rèn luyện, hình thành và phát triển? Bằng cách nào chúng ta có thể hình thành nên thói quen suy nghĩ tích cực? Hãy cùng khám phá BTCT6 tuần này nhé.
Ghi nhớ và sử dụng từ ngữ tích cực
Bạn biết không? Chúng ta hoàn toàn có thể rèn luyện sự tích cực bằng cách ghi nhớ những từ ngữ tích cực. Khi não bộ thường xuyên sử dụng những từ ngữ lạc quan, các đường dẫn hình thành kết nối chặt chẽ với nhau và dễ dàng kích hoạt sự tích cực từ não bộ.
Hãy rèn luyện trí não của bạn bằng cách yêu cầu bộ não của bạn sử dụng thông tin tích cực theo cách:
Viết ra các từ tích cực và đọc lại chúng mỗi ngày
Sử dụng ít nhất 5-10 từ tích cực trong một ngày. Chẳng hạn bạn có thể nói với chính bản thân mình hoặc những người bạn xung quanh
Luôn tự nói với bản thân những từ tích cực trước khi bắt đầu ngày mới. Như hôm nay là ngày rất tuyệt vời; Hôm nay mình đẹp quá ^^;…
Sau đây là list các từ ngữ tích cực mà BTCT6 gợi ý cho bạn. Hãy chia sẻ những từ tích cực mà bạn có cho chúng mình nhé:
Sáng tạo, đáng tin cậy, hăng hái, nhiệt tình, lạc quan, thành thật, hiểu biết, khéo léo, lịch sự, nhẹ nhàng, hài hước, vui vẻ, dễ gần, thú vị, tài giỏi, tuyệt vời,…
Phát triển tư duy tích cực
Nếu bạn nói với bản thân điều gì đó sẽ xảy ra, bộ não của bạn sẽ biến điều đó thành mục tiêu và có xu hướng tự nhiên làm mọi thứ để hô biến điều đó thành hiện thực. Hãy cùng mình tập luyện một số kỹ thuật giản đơn sau nhé
Chuyển các câu phủ định thành khẳng định: thay vì nói “Tôi sẽ không đi học muộn” bạn hãy nói “Tôi sẽ đến lớp đúng giờ”
Sử dụng cú pháp tích cực để hạn chế sự tiêu cực xảy ra. Thay vì nói “ngày hôm nay cũng được”. Bạn có thể nói “Ngày hôm nay thật tuyệt vời/ thật nhiều niềm vui” đúng không nào?
Sử dụng các cấu trúc câu với các động từ và tính từ tích cực
Chẳng hạn: Tôi có thể/ muốn /rất / xứng đáng/ luôn/ tin tưởng/ trải nghiệm/ chọn/ đạt được/ thích/ yêu và đừng quên kèm những tính từ tích cực chúng mình đã gợi ý ở phía trên nhé.
Hãy nói to cùng với chúng mình nào: Hôm nay là một ngày tuyệt vời. Khi bạn nói vậy với chính mình – bạn sẽ thấy tuyệt vời rất nhiều phải không.
Làm chủ được suy nghĩ tiêu cực khi cần
Suy nghĩ tích cực có lợi ích tốt, nhưng không phải bao giờ cũng là phản ứng tốt nhất. Mà đôi khi, suy nghĩ tiêu cực cũng có lợi lắm đấy. Khi chúng ta buồn, suy nghĩ tiêu cực xuất hiện và điều này biểu hiện ra ngoài thông qua cảm xúc của bạn.
Chính sự thể hiện này là con đường giao tiếp cho người khác nhận ra rằng bạn đang cần hỗ trợ, quan tâm. Hay khi bạn bị đối xử bất công và cảm thấy tức giận, suy nghĩ này có thể là điểm tựa thúc đẩy bạn hành động, thay đổi cuộc sống của bạn. Khi bạn nhận thấy sự xuất hiện của những suy nghĩ tiêu cực, hãy “lắng nghe” thật nghiêm túc nguyên nhân để tránh những hệ quả xấu.
Vì vậy, khi xuất hiện những cảm xúc tiêu cực, bạn hãy tự hỏi chính mình, liệu những cảm xúc này có mang đến những thay đổi làm cuộc sống các bạn trở nên tốt đẹp hơn không. Nếu có, hãy suy nghĩ về nó, còn nếu không, hãy hành động để thay đổi nó.
Thể hiện lòng biết ơn
Trong cuộc sống, sẽ có vô số điều khiến bạn tức giận, buồn bã hoặc lo lắng. Nhưng bên cạnh đó cũng có vô số điều mang đến niềm đam mê, nhiệt huyết và hào hứng. Tất cả đều phụ thuộc vào điều mà chúng ta muốn tập trung là gì.
Và cách không thể thiếu để “huấn luyện” bộ não của bạn tập trung vào những điều tích cực đó là thể hiện lòng biết ơn. Lòng biết ơn là khi bạn cảm thấy cảm ơn mọi người, mọi vật xung quanh hay những trải nghiệm mà bạn đã đi qua. Khi bạn thể hiện sự biết ơn trong công việc, bạn nhận lại sự tôn trọng và tình bạn đẹp.
Hay khi bạn biết ơn những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ tìm được nhiều ý nghĩa và sự hài lòng hơn trong cuộc sống. Cùng mình thực hành một số thói quen bạn có thể làm để thể hiện lòng biết ơn như:
- Lập danh sách những điều bạn biết ơn: gia đình, công việc, nơi ở, các mối quan hệ, sự vật xung quanh,…
- Viết thư cảm ơn cho một người nào đó
- Viết 3 điều tốt mỗi ngày và cùng nhìn lại vào cuối tuần.
Lưu giữ những khoảnh khắc đẹp
Chúng ta thường để những khoảnh khắc đẹp vụt qua nhanh chóng mà quên lưu giữ nó. Đôi khi chỉ là món quà nhỏ nhận từ người bạn của mình hay bạn cùng lớp làm bạn cười. Hãy lưu lại và tôn trọng những sự biết ơn nhỏ bé đấy.
Bạn có thể viết nhật ký kỉ niệm, đăng ảnh lên mạng xã hội hay bằng cách riêng của bạn, để khi cần nhớ lại, bạn có thể lấy ra cùng ngắm nghía và lại cười tủm tỉm lên ấy chứ. Lưu giữ những suy nghĩ và cảm xúc tốt là cách chúng ta có thể cảm nhận những khoảnh khắc tích cực đã trải qua, tạo động lực cho những khởi đầu mới.
Xem những video hài hước
Lý thuyết the broaden-and-build chỉ ra rằng các trải nghiệm về cảm xúc tích cực sẽ xây dựng tâm trí, trí tuệ, xã hội của bạn và mang đến nhiều lợi ích. Xem video tích cực hoặc vui vẻ hay truyền cảm hứng có thể đẩy cảm xúc tích cực xuất hiện nhanh chóng. Sống và làm việc với cảm xúc tích cực này, bạn sẽ hạnh phúc và có động lực hơn rất nhiều đấy. Nhưng đừng quên giới hạn thời gian xem để không bị thu hút quá vào việc xem video mà trì hoãn làm các công việc khác nhé.
Ghi nhận sự thành công
Bạn thân mến, chúng ta luôn có thói quen xấu là phủ nhận hoặc không đánh giá cao những thành công trong cuộc sống của mình. Như bạn đạt được điểm cao môn toán và ai cũng chúc mừng bạn, còn bạn cho rằng đó là do may mắn. Đừng hạ thấp những nỗ lực ôn tập mà bạn đã bỏ ra, hãy hiểu rằng, bất kì ai cũng có cơ hội đạt điểm cao, nhưng những người bạn của bạn không làm được, còn bạn thì đã làm được. Hay đơn giản khi bạn đang lắng nghe chia sẻ này của BTCT6 thì chứng tỏ bạn đang từng bước theo đuổi sự thành công trong hình thành những suy nghĩ tích cực, hạnh phúc. Bất kể lý do là gì, hãy ghi lại những thành công, những điều bạn làm và ứng dụng được nhé.
Dừng suy nghĩ “có tất cả hoặc không có gì”
Suy nghĩ “có tất cả hoặc không có gì” là suy nghĩ khi chúng ta nhìn một tình huống với góc nhìn hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu. Và đấy chính là một thói quen rất khó bỏ của suy nghĩ tiêu cực. Luôn có cơ hội để thay đổi và đừng nghĩ rằng bạn là một người thất bại hoàn toàn chỉ vì bạn không thành công theo cách bạn muốn. Thắng thua là chuyện cả đời, đó là cuộc sống mà.
Chúng mình hãy cùng áp dụng thôi nào!
Chuyên mục: Bức thư chiều thứ 6 Tin FSchool Tin tức
Ngày đăng: 18/07/2020
Ngày cập nhật: 18/07/2020
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025