Cách ứng phó khi có quá nhiều quan điểm

Ngày đăng: 04/07/2020

Ngày cập nhật: 04/07/2020

Ngày đăng: 04/07/2020

Ngày cập nhật: 04/07/2020

Tác giả: Phạm Hoa

Em nên giữ cảm xúc thế nào trước lời nói, quan điểm của nhiều người ập xuống cùng lúc?Học sinh nam, lớp 11

Em thân mến,

Thật không dễ dàng gì với bất kỳ ai khi lời nói và quan điểm của nhiều người ập xuống với mình cùng một lúc. Cô chia sẻ với em cảm giác em đang có!

THPT_FPT_Buc-thu-chieu-thu-66

Khi bắt đầu đọc bức thư này, em dành ít phút hồi tưởng lại những luồng ý kiến, quan điểm đã đến với mình. Em xem chúng liên quan đến vấn đề nào? Cảm xúc em có trong tình huống đó là gì? Khi làm như vậy, nhiều bạn có thể nhận ngay ra cách thức mình cần đối diện và hướng đi cho những tình huống tương tự. Hoặc ít nhất mỗi người trong cuộc cũng có được cái nhìn toàn cảnh về tình huống và vấn đề mình trải nghiệm. Với em, đó là gì? Hãy chia sẻ cùng cô trong bức thư sau nhé!

Em biết đấy, trong mỗi tình huống, chúng ta lại có một cảm xúc khác nhau. Cảm xúc nào cũng có ý nghĩa riêng của nó. Nhưng thể hiện những cảm xúc ấy ra bên ngoài như thế nào mới là điều quan trọng. Đây hẳn là lý do vì sao em quan tâm đến việc “giữ cảm xúc” của mình? Ý em khi dùng cụm từ “giữ cảm xúc” hẳn không phải chỉ là kiềm chế cảm xúc, mà còn là quản lý, làm chủ cảm xúc của mình phải không em?

Trong cuộc sống có rất nhiều luồng ý kiến và quan điểm khác nhau bởi mỗi người có hoàn cảnh, môi trường sống, đặc điểm tính cách… không giống nhau. Em cũng có một hệ thống quan điểm của riêng mình mà không hề giống bất kỳ ai. Vì thế, khi ở trong tình huống này, mọi người thường xác định cho mình nguyên tắc số 1 là: chấp nhận sự đa dạng. Sự đa dạng trong ý kiến, quan điểm là tất yếu. Xác định được điều này, cảm xúc sẽ dịu nhẹ hơn, tâm trạng sẽ bớt rối bời hơn đó.

THPT_FPT_Buc-thu-chieu-thu-65

Đứng trước nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau, chúng ta cảm thấy rối bời, không biết nên nghe theo ai. Điều này chứng tỏ chúng ta quan tâm đến ý kiến của những người xung quanh. Tuy nhiên, không phải lúc nào nghe theo một ai đó mới là tôn trọng họ. Cân nhắc cái gì phù hợp, cái gì không phù hợp với bản thân mới là điều quan trọng nhất. Đây là nguyên tắc số 2, em nhé.

Mỗi người có quyền bộc lộ hoặc không bộc lộ cảm xúc của mình. Con người cũng có khả năng điều chỉnh vui buồn theo cơ chế thích hợp với những hoàn cảnh khác nhau. Thường chúng ta cảm thấy vui vẻ, hào hứng trước những ý kiến trùng với quan điểm, niềm tin và giá trị mình theo đuổi. Với quan điểm trái chiều, những ý kiến phản đối có khi là cảm giác giận dữ, khó chịu… đặc biệt là khi mình muốn chứng minh họ sai, nhưng không thể làm vậy.

THPT_FPT_Buc-thu-chieu-thu-64

Có người bộc lộ sự giận dữ, cảm giác khó chịu mình đang cảm thấy ngay lập tức. Điều này nhiều khi làm cho mối quan hệ giữa họ với những người xung quanh trở lên căng thẳng. Thậm chí, tạo nên xung đột và bạo lực. Có người chỉ biết kìm nén và chịu đựng. Nhưng áp lực theo đó lại ngày một tăng lên. Có những lúc họ muốn bùng nổ. Và thực sự nhiều tình huống đã diễn ra cho thấy họ mất kiểm soát vì áp lực bị dồn nén.

Hẳn em đã thấy sự bất lợi của hai cách thức ứng xử với cảm xúc trên đều có những điểm bất lợi phải không? Thế nên, nguyên tắc số 3 khi ở tình huống này đó là: Phân tích và nhìn nhận hệ quả của mỗi cách ứng xử. Việc phân tích này sẽ hỗ trợ em ra quyết định phù hợp với bản thân mình.

THPT_FPT_Buc-thu-chieu-thu-623

Chàng trai thân mến, để xác định điều gì là phù hợp, người ta thường dựa trên việc nhận diện những điểm mạnh – điểm yếu của bản thân, cũng như những quan điểm và giá trị sống của chính mình. Trên cơ sở này, chúng ta mới xác định được cái gì là phù hợp với bản thân. Những người đưa ra ý kiến, quan điểm ấy khó lòng hiểu được hết về chúng ta. Không ai có thể hiểu được vấn đề của mình hơn chính bản thân họ cả. Hơn nữa, việc em nghe theo tất cả mọi người là không thể. Làm vừa lòng tất cả mọi người cũng là điều bất khả thi. Thế nên, chọn lọc ý kiến là nguyên tắc số 4 em có thể tham khảo.

Ngay sau khi biết rõ được cái gì là quan trọng với bản thân, những người ở vào hoàn cảnh của em lựa chọn phản ứng theo ba bước. Đó chính là nguyên tắc số 5. Bước một, giữ thái độ khách quan, bình thản với tất cả những quan điểm, ý kiến đến với mình. Bình tĩnh sẽ giúp người trong cuộc tỉnh táo và không phạm sai lầm để cảm xúc dẫn lối. Một vài công cụ hỗ trợ hiệu quả cho việc giữ cảm xúc bình tĩnh tức thời đó là hít thở thật sâu một vài lần để điều tiết cảm xúc. Uống ngay mấy ngụm nước mát nếu chúng ta luôn có sẵn bình nước bên người.

THPT_FPT_Buc-thu-chieu-thu-62

Trong tình huống, chúng ta cảm nhận được cảm xúc khó chịu, giận dữ gần đến ngưỡng mất kiểm soát, cách hiệu quả là chủ động tạm dừng cuộc nói chuyện và ra ngoài. Tách khỏi môi trường mang đến cảm xúc khó chịu để đến với một không gian khác hơn, thoáng hơn sẽ giúp mỗi chúng ta nhanh chóng nhẹ dịu và cân bằng lại cảm xúc.

Bước hai, xem xét lại quan điểm đó đúng ở đâu và chưa đúng ở đâu. Bước này liên quan chặt chẽ với nguyên tắc số 4. Nó đòi hỏi mỗi người hiểu rõ về bản thân mình, xác định được cái gì là quan trọng. Từ đây, mỗi người sẽ quyết định được cách mình sẽ phản ứng lại với những ý kiến đó như thế nào.

THPT_FPT_Buc-thu-chieu-thu-61

Cuối cùng, bước ba: hành động. Chúng ta cho rằng bản thân cần lên tiếng, hãy giải thích một cách ngắn gọn, đủ ý để người khác hiểu quan điểm của mình. Nếu có mâu thuẫn xảy ra, hãy chia sẻ cảm xúc, nói ra suy nghĩ của mình một cách chân thành và mang tính xây dựng. Điều này sẽ giúp người khác hiểu chúng ta hơn và họ cũng cảm thấy được tôn trọng.

Mỗi chúng ta không thể kiểm soát suy nghĩ, quan điểm, hành vi của người khác, nhưng có thể học hỏi để kiểm soát và làm chủ chính mình. Mỗi người không có nhiều cuộc đời để sống và làm hài lòng tất cả những người xung quanh. Bởi thế, những gì không có nghĩa với bản thân, hãy nhớ đến nguyên tắc số 6: bỏ qua.

THPT_FPT_Buc-thu-chieu-thu-6

Những gì là đánh giá, phán xét chủ quan, không giúp phát triển mà chỉ khiến chúng ta thêm sầu muộn và tự ti. Đừng bận tâm là nguyên tắc số 7. Tiếp thu những ý kiến khách quan, mang tính xây dựng là “chìa khoá” để giúp chúng ta hoàn thiện bản thân hơn mỗi ngày! Đó cũng là nguyên tắc số 8 – nguyên tắc cuối cùng em có thể tham khảo và áp dụng cho mình!

Chúc chàng trai sớm làm chủ được cảm xúc của mình!

 

Tin cùng chuyên mục