Con 15 tuổi mà không được dạy những điều này, cha mẹ lo lắng suốt đời

Theo Dân trí – Kiến thức sách vở có thể giúp con vượt qua các kỳ thi, vào đại học nhưng kiến thức sống, khả năng tự học hỏi mới giúp con thích nghi với sự thay đổi, phát huy tri thức và đi xa trên con đường đời. Nhiều cha mẹ bị cuốn theo vòng xoáy thi cử, chỉ tập trung vào kiến thức sách vở mà quên mất những yếu tố này.

Tự lo cho đời sống cá nhân

Nhiều phụ huynh, nhất là nhóm gia đình có điều kiện kinh tế thường lo cho con đến từng chi tiết, con chỉ việc học, không cần làm gì khác. Mặt khác nhiều cha mẹ cho rằng, con mình vẫn “trẻ con”, “biết gì mà làm”… nên thường nghĩ thay, làm thay con.

Hệ quả là, nhiều bạn học sinh đến khi vào cấp III vẫn ỷ lại vào bố mẹ, không biết làm việc nhà, không tự giác sinh hoạt, học tập mà để cha mẹ thường xuyên giục giã. Đến khi đi học đại học, va chạm xã hội thì “sảy chân”, chuyện gì cũng loay hoay. Nhiều sinh viên thừa nhận, năm đầu tiên tại đại học các bạn mất thời gian thích nghi với cuộc sống “thoát ly” vòng tay cha mẹ, hơn là tập trung học tập.

Bài học đầu tiên khi bắt đầu cuộc sống nội trú tại FPT là thức dậy đúng giờ, gập chăn màn, quét nhà, lau nhà, chải bồn cầu… chứ không phải kiến thức sách vở.

Tự lo cho bản thân từ những việc nhỏ như ăn uống, quần áo, học tập… cao hơn là biết suy nghĩ, tự đưa ra lựa chọn, quyết định và thuyết phục bố mẹ ủng hộ, đồng thuận với quyết định đó. Khi con tự chủ, cha mẹ sẽ tin tưởng, trao quyền nhiều hơn.

Tự bảo vệ bản thân

Bé lo con ốm đau bệnh tật, đi lạc, bắt cóc; lớn lo con yêu đương, bạo lực học đường, tai nạn, tệ nạn rình rập… phụ huynh lúc nào cũng lo lắng cho sự an toàn của con. Chỉ có chuẩn bị cho con kiến thức, cách xử lý tình huống mới có thể bảo vệ con mọi lúc, mọi nơi.

Khi con 15, phụ huynh cần chia sẻ với con vấn đề giáo dục giới tính, nhận diện chất cấm, cách nói “không” với những lời dụ dỗ, cách ứng biến khi bị khiêu khích, gây sự, thậm chí là cách tự vệ khi cần…

Vì ngại ngùng mà bỏ qua vấn đề giáo dục giới tính, vì chủ quan mà không trang bị hiểu biết cho con về các chất cấm… là sai lầm của nhiều phụ huynh.

Phát triển kỹ năng tự học

Xã hội đang biến đổi nhanh chóng, khó dự đoán, việc học tập là cần thiết để thích nghi và không bị đào thải. Kỹ năng tự học hỏi, tìm tòi, bổ sung kiến thức trở nên vô cùng cần thiết và quan trọng với các bạn trẻ nói chung, các bạn học sinh nói riêng.

Tuy nhiên, các mô hình giáo dục truyền thống tại Việt Nam hiện nay phần nhiều không trang bị cho học sinh kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, phát triển kỹ năng… Kiến thức chủ yếu được tiếp nhận thụ động theo lối truyền đạt một chiều, nặng về đọc chép và bài tập. Việc được hướng dẫn, gợi mở cho các em biết cách tự học, tự tiếp cận vấn đề vẫn còn khá hạn chế.

Chính vì vậy, cha mẹ cần ý thức được vai trò quan trọng của kỹ năng này, từ đó, chọn môi trường phù hợp cho con để xây dựng kỹ năng tự học, liên tục hoàn thiện và phát triển bản thân.

Tự quản lý tài chính

Kỹ năng quản lý tài chính tốt là nền tảng giúp con tự lập.

Hiểu biết về tài chính và có kỹ năng quản lý tài chính vì vậy là một điều quan trọng được phụ huynh các nước phát triển dạy cho con. Bài học về đồng tiền bắt đầu từ những số tiền nhỏ, vài chục nghìn ăn sáng, vài trăm nghìn tiền tiêu vặt hàng tháng, tiền mừng tuổi… học cách trả lời “cái này không mua có sao không”, khi mua đồ cân nhắc những yếu tố gì…

Khi biết tiêu tiền, con biết quý trọng công sức lao động của bố mẹ, kiềm chế những nhu cầu tự phát của bản thân. Quản lý tài chính tốt cũng khiến con không rơi vào tình trạng phụ thuộc, bị động về tiền bạc, biết tiết kiệm và sử dụng đồng tiền có ý nghĩa hơn.

Tự nhận thức về bản thân, tự hoàn thiện nhân cách và các mối quan hệ

Sự thấu hiểu bản thân và sự yêu thương, tôn trọng mọi người xung quanh hình thành nên ý thức, hành vi, nói rộng hơn là về nhân cách của trẻ. Những điều này đều cần được dạy bảo, xây dựng một cách vững chắc giúp con có niềm vào cuộc sống, vào gia đình; biết sống, hòa nhập và thích nghi với từng hoàn cảnh cụ thể; từ đó, nhanh chóng thích nghi với môi trường đại học, du học nhiều thử thách sau này.

Điều này càng quan trọng khi ở độ tuổi 15, cái “tôi” bắt đầu nổi loạn, khoảng cách bố mẹ – con cái ngày càng lớn… Những giá trị tình cảm đó là chìa khoá cốt lõi để con không đi chệch đường và để cha mẹ, con cái có thể đối thoại trong mọi vấn đề.

Những bài viết tâm sự của học sinh FPT sau khi học môn Nhận thức bản thân, Sức khoẻ và Giá trị sống giúp phụ huynh hiểu suy nghĩ của con mình hơn.

Những kỹ năng mềm nói trên là kết quả của cả quá trình chung sống với gia đình, nhìn nhận cách người lớn ứng xử cũng như ảnh hưởng từ môi trường sống. Hiện nay, nhiều trường học đã chú trọng tăng cường các hoạt động ngoại khoá, dạy kỹ năng để bổ sung vốn sống cho trẻ, dạy học sinh tự lập. Đó cũng là tiêu chí quan trọng để phụ huynh chọn trường, gửi gắm con cái.

 

Ngày đăng: 05/03/2019

Ngày cập nhật: 05/03/2019

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh