“Con xin lỗi! Con yêu bố mẹ rất nhiều!”

Ngày đăng: 22/08/2017

Ngày cập nhật: 22/08/2017

Ngày đăng: 22/08/2017

Ngày cập nhật: 22/08/2017

Tác giả: Phạm Hoa

Bạn có từng trông thấy nếp nhăn trên khóe mắt mẹ? Bạn đã từng nâng niu đôi tay thô ráp của ba? Hay vô tình trông thấy mái tóc bố mẹ đã điểm bạc ?

Chúng ta thường cho rằng việc được bố mẹ quan tâm, chăm sóc là lẽ dĩ nhiên, vậy nên khi còn đang “tuổi ăn tuổi chơi” ít bạn ý thức được trách nhiệm của mình với gia đình, với bố mẹ. Tuy nhiên buổi học “Kỹ năng Sống trong thức tỉnh – học làm người hiếu đạo” đã gây được ấn tượng mạnh và thức tỉnh những cảm xúc gia đình trong các bạn học sinh K5, khiến không ít những dòng chữ nhòe đi vì nước mắt.

tpt-fpt-ky-nang2

K5 trong buổi học “Kỹ năng Sống trong thức tỉnh – học làm người hiếu đạo”

Tiếp nối chuỗi buổi học kỹ năng sống, lớp học với chủ đề “Kỹ năng Sống trong thức tỉnh – học làm người hiếu đạo” bắt đầu thật nhẹ nhàng và sâu lắng bằng những câu ca dao bình dị, những bài hát quen thuộc về công cha nghĩa mẹ. Bằng giọng nói truyền cảm kết hợp với nền nhạc nhẹ nhàng và đầm ấm, Thầy Trần Nhật Linh đã kể những câu chuyện hết sức gần gũi, bình dị về công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ khiến các bạn học sinh phải lắng lòng mình lại. Đan xen lời kể chuyện là những hình ảnh đầy cảm động từ những đoạn clip. Cứ thế, những câu chuyện đầy cảm động cùng với những lời phân tích về tâm lý lứa tuổi thật tinh tế đã trở thành “tiếng chuông tâm hồn” đánh thức phần“nhân chi sơ” trong tâm hồn của các bạn – vốn từ lâu đã ngủ quên trong bóng tối của sự “thờ ơ, ích kỷ”… Cảm xúc trào dâng thành những tiếng nấc nghẹn ngào để rồi vỡ òa thành những giọt nước mắt! Không chỉ các bạn nữ mà cả các bạn nam, những bờ vai rung lên, những đôi mắt đỏ hoe vì những dòng lệ nghẹn ngào. Giọt nước mắt hạnh phúc vì được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Giọt nước mắt hối hận vì những lầm lỗi đã khiến cho đấng sinh thành phải buồn lòng…

Cảm xúc của các bạn học sinh được đẩy lên mạnh mẽ khi được yêu cầu viết bài thu hoạch sau khóa học. Hay đúng hơn đó là một bức thư gửi gia đình của chính các bạn. Những bức thư với cảm xúc chân thành, các bạn không ngại ngần thể hiện tình cảm của mình với ba mẹ. Đó là sự nuối tiếc quãng thời gian đã qua, hối hận vì nhiều lần khiến ba mẹ buồn và thất vọng như lời chia sẻ đầy hối tiếc trong bức thư của bạn Nguyễn Trần Huy Hoàng.

“Mẹ à, bố à, hôm nay con được nghe các thầy ở Viện đào tạo kỹ năng Việt Nam nói về gia đình. Con thấy có lỗi với bố, với mẹ lắm! Nhiều lần trốn đi chơi, đi net, tiêu tiền của bố mẹ không tiếc. Cãi nhau với bố, với mẹ luôn có thái độ bật lại. Nhiều khi chơi game mải mê không quan tâm tới bố mẹ. Từ nhỏ con đã hình dung ra bố mẹ đã nuôi nấng con như thế nào! Bố dắt con, đưa con đi học. Mỗi khi đi làm về, bố lại bế con lên, cho con sờ râu bố, rồi bố lại tắm cho con, cho con ăn. Vậy mà ngày qua ngày, con ít quan tâm đến bố. Những lúc bố đánh hay mắng con, con đã từng nghĩ sao bố lại có ở trên đời này, sao không để chú kia hay bác kia làm bố của con. Cả mẹ nữa, hồi nhỏ, con thường không nghe lời mẹ làm mẹ buồn, mẹ khóc. Mẹ chưa 40 tuổi mà đã lấm tấm vài sợi tóc bạc và nếp nhăn rồi. Con thấy con có lỗi lắm.”

nguyen-tran-huy-hoang1

Đó cũng là khi bạn nhận ra mình cần phải làm gì cho chính cuộc đời mình, cho gia đình mình. Những dòng chữ nguệch ngoạc ướt nhòe của bạn Thạch Văn Thọ đã nói lên tâm sự của một đứa con trai nghịch ngợm nay đã lớn hơn trong suy nghĩ, đã nhận ra được nhiều điều.

“Bố mẹ à,

Là con đây, con là một đứa con rất hư, đã làm bố mẹ buồn vì nhiều chuyện, đã từng làm bố mẹ giận, thất vọng, thậm chí nhiều lúc thất vọng quá mức. Có một lần, vì quá chán con, bố đã nói rằng : “Mày không phải là con của tao, mày cút ra khỏi nhà tao ngay, mày thích đi đâu thì đi, làm gì thì làm, tao không cấm mày nữa!”. Thật sự con rất rất buồn và con còn nghĩ: “Có lẽ mình không xứng đáng với bố mẹ, không đáng làm con của bố mẹ!” Lúc đấy con đã nghĩ con nên bỏ nhà đi luôn tức khắc không nói một câu nào cả.

Con là một đứa rất hay nói dối, nói dối rất nhiều. Tuy được nhắc nhở nhiều lần nhưng con vẫn tái phạm và làm bố mẹ thất vọng! Con xin lỗi!

Hồi bé, tuy nhà mình con nghèo và khó khăn, nhưng bố mẹ luôn mua cho con những đồ ăn ngon và đắt tiền để bồi dưỡng sức khỏe cho con, mua cả những thứ con thích nữa. Dù con đã lơn nhưng bố mẹ vẫn luôn tạo mọi điều kiện để con được vui vẻ với bạn bè và để con không thiếu thốn, bằng bạn bằng bè. Thật ra con hư hơn bố mẹ tưởng rất nhiều và nếu con kể ra, hẳn bố mẹ sẽ không nghĩ con là một người như thế. Nhưng con quyết định sẽ giữ những điều cần giữ để bố mẹ không phải thất vọng nhiều hơn về con nữa.

Con xin lỗi!

Con yêu bố mẹ rất nhiều!”

thach-van-tho1

Chỉ trong thời gian ngắn, buổi học dường như đã chạm tới trái tim của tất cả những con người có mặt trong phòng. Mỗi người mang một tâm trạng, một cảm xúc riêng nhưng đều có chung một bài học ý nghĩa. Đó là bài học làm người, để ta biết trân trọng hơn những điều giản dị trong cuộc sống là tình cảm gia đình. Ta trưởng thành hơn khi thôi ích kỷ và sẵn sàng thể hiện tình yêu thương với gia đình của mình.

 

Tin cùng chuyên mục