Công thức hạnh phúc của FSchoolers: Chia nỗi buồn, cộng niềm vui, nhân yêu thương, trừ sợ hãi

Giải các bài toán đầy ắp những con số là việc mà mỗi học sinh trải qua suốt 12 năm học, thế nhưng liệu ai đã thử “tính toán” cảm xúc của mình chưa? Việc nắm bắt cảm xúc chính là chìa khóa để ta thấu hiểu bản thân mình, vì thế FSchool đã đưa việc “tính toán” cảm xúc trở thành một môn học quan trọng rồi đấy nhé!

Phát triển toàn diện là sự phát triển phải đến từ cả trí tuệ và tâm hồn. Là trường chuyên phong cách sống, FSchool là ngôi trường luôn tạo những điều kiện tốt nhất để giúp học sinh bộc lộ thoải mái những tâm tư tình cảm, tôn trọng tuyệt đối những cá tính của các bạn. Chuỗi ngày triển lãm PDP: WE THINK WE DO là một trong những dịp như thế, tại đây biết bao câu chuyện chân thật của các cô cậu học trò tuổi 15,16 được bộc bạch.

Cùng nhẩm tính cảm xúc với các FSchoolers : chia nỗi buồn, cộng niềm vui, nhân yêu thương, trừ sợ hãi để ra kết quả nào!

Thương của phép chia nỗi buồn là gì?

Ai cũng có những nỗi buồn, đó là cảm xúc tất yếu của cá thể trong quá trình nhận thức cuộc sống và trưởng thành. Mỗi lứa tuổi chúng ta sẽ mang những nỗi buồn khác nhau. Nói về những nỗi buồn tuổi 16, câu chuyện của Ngô Đình Minh đến từ 11A2 thật cảm động: “Trước kia tôi thường hay cãi mẹ và luôn cho mình là đúng. Ở tuổi 16 tôi nghĩ ai cũng vậy, cũng cố muốn chứng tỏ bản thân mình mà không để ý gì đến cảm xúc của những người xung quanh.”

Thế rồi trong một cuộc cãi vã về chủ đề bạn bè, Minh bỏ đi để lại mẹ mình bị ngất mà không hay biết: “Sau đó tôi đã vô cùng bàng hoàng và hối hận khi về đến nhà biết mẹ vừa bị ngất. Tôi chợt nhận ra tất cả những gì đã qua có thể tốt hơn nhiều nếu tôi nhạy cảm, biết quan sát cảm xúc của mẹ lúc đó.”

Bài viết mang tựa đề “Hối hận” của Ngô Đình Minh 11A2

Tại môn học Quản lí cảm xúc nằm trong chương trình phát triển cá nhân – điểm đặc biệt trong mô hình giáo dục tại FPT School. Điều đầu tiên các bạn được biết là một cái nhìn tổng quan về cảm xúc. Cảm xúc của con người rất đa dạng nhưng cũng có tính phổ quát. Trí thông minh cảm xúc có vai trò quan trọng tới sự thành công của mỗi cá nhân.

Nhiều bạn trước khi học luôn hiểu lầm quản lý cảm xúc là kiềm chế cảm xúc, không bộc lộ ra ngoài nhưng thực chất cảm xúc bao gồm cả năng lực cá nhân và năng lực xã hội. Mỗi học sinh trước hết cần có khả năng nhận diện cảm xúc và kiểm soát hành vi, xu hướng của mình. Sau đó là khả năng thấu hiểu tâm trạng, hành vi và động cơ của người khác để làm tăng chất lượng các mối quan hệ.

Bạn biết vì sao chúng ta luôn cần những nỗi buồn không? Bởi nỗi buồn là một hạt giống nhỏ xinh tích cực cho niềm vui tới. Chỉ khi có những nỗi buồn ta mới cảm nhận rõ ràng nhất sự xuất hiện của niềm vui. Một câu chuyện buồn thế nhưng khi được chia sẻ lại trở thành niềm vui, vì biết bao nhiêu bạn khác nhận được sự đồng cảm, nhận được bài học. Bởi vậy kết quả của phép tính đầu tiên, khi chia nỗi buồn ra ta lại nhận được niềm vui!

Vậy cộng niềm vui ta được gì ?

“Cách đây 1 năm, tôi đề nghị với bố mẹ về một khoản vốn nhỏ để mở cửa hàng và bất ngờ bố mẹ đã đồng ý. Lúc đó tôi là cảm thấy vui. Vui không phải vì cảm giác được thoả mãn mong muốn và vui và tự hào vì bố mẹ tin tưởng tôi.” – Bạn Nguyễn Công Minh lớp 11A4 chia sẻ về niềm vui của mình.

Thế rồi niềm vui nhân đôi: “Bán hàng đôi lúc cũng có nhiều điều khiến tôi ức chế nhưng lúc đó tôi luôn bình tĩnh với mọi việc xảy ra và nghĩ nó theo một hướng tích cực nhất. Quản lí đơn hàng thì 10 đơn đi sẽ có 1 đơn hoàn nhưng tôi nghĩ nếu hoàn càng nhiều tức mình sẽ bán được càng nhiều nên sẽ vui chứ không tức giận. Và thật bất ngờ cách tôi làm cũng chính 1 một trong số những điều tôi học được trong môn quản lí cảm xúc.”

Không ngờ câu chuyện của Công Minh khi được chia sẻ tại triển lãm lại nhận được nhiều nụ cười và sự tán thưởng đến vậy. Hóa ra cộng niềm vui ta lại có thêm niềm vui. Đây thật sự là phép tính mà ta luôn muốn thực hiện trong suốt cuộc sống của mình. Có những phút giây niềm vui nối tiếp niềm vui, ta như được tiếp thêm năng lượng để tiếp tục cuộc hành trình phía trước.

Cộng niềm vui ta có gì, một phép tính mang lại kết quả hạnh phúc.

“Hy vọng” là thừa số luôn cần được nhân lên

Nói đến tuổi trẻ, chắc hẳn mỗi chúng ta đều nghĩ ngay đến sự sục sôi, nhiệt huyết, những điều tươi mới, hoài bão lớn về một tương lai xán lạn. Mỗi bạn trẻ đều phải trang bị cho mình những mục tiêu để đạt được, nhưng không phải mục tiêu nào cũng dễ thực hiện được, sẽ luôn có những khó khăn bủa vây chúng ta. Vì vậy, mỗi con người cần phải có một niềm hy vọng để vượt qua mọi khó khăn. Có một câu nói khẳng định rất mạnh tầm quan trọng của niềm hy vọng: “Luôn luôn hy vọng, không bao giờ được tuyệt vọng. Đó là bản chất của người có tâm hồn lớn.”

Một câu chuyện đến từ lớp 11A3 của bạn Lương Nhật Minh. Minh thi cấp ba và nhận lại điểm số mà Minh không mong muốn. Minh nói “Tôi đã vô cùng buồn chán và nhiều khi tôi đã không muốn đi học nữa. Tôi thất vọng về bản thân, tôi tiếc nuối.”

Thế rồi cậu nhận được hy vọng từ chính anh gia sư của mình, cậu vực dậy “Giờ đây, tôi có thể không học một ngồi trường như tôi đặt mục tiêu ban đầu nhưng tôi tự tin, không còn suy nghĩ tiêu cực về bản thân, biết mình mong muốn điều gì.”

Những bài viết “nhân hy vọng” trong triển lãm We think, we do

Phép nhân hy vọng thật kỳ diệu, dù nhân với con số 0, dù trao đi hết thì kết quả nhận được vẫn là gấp đôi. Quản lí cảm xúc khiến Minh thấy biết ơn, khiến Minh biết cách nhân hy vọng như chính anh gia sư đã từng giúp cậu.

Trừ đi nỗi sợ, trừ đi lo lắng ta hướng đến tương lai

Những hình tượng tốt đẹp “con người ta” mà phụ huynh, xã hội thường đặt ra dường như là những áp lực vô hình với những cô cậu học trò tuổi mới 15, 16. Những cảm xúc mà Nguyễn Hà My – 11A1 đem đến triển lãm khiến không ít phụ huynh, giáo viên học sinh bàng hoàng. Một cô học sinh giỏi ưu tú như My thì ra cũng biết sợ. My sợ gì ? Có thể nói My sợ chính sự ưu tú của mình. Bao nhiêu áp lực điểm số, áp lực thành tích trên vai cô gái nhỏ.

My chia sẻ: “Tôi đã từng suy sụp khi mình bị điểm kém và mệt mỏi khi cứ phải mãi phải chạy theo những con số.” Thế rồi My cũng thay đổi sau lớp học quản lí cảm xúc “tôi yêu bản thân tôi hiện tại, một bản thân không còn nỗi sợ”.

Nỗi sợ của Hà My – cảm xúc thường thấy của những bạn trẻ bị đặt lên quá nhiều kỳ vọng.

Một chia sẻ ẩn danh về nỗi lo lắng của tuổi 16

Đúng vậy, nỗi sợ hay sự lo lắng không phải là vĩnh cửu, ta có thể trừ đi, xóa tan nó. Hóa ra, trừ bao nhiêu nỗi sợ, ta lại có bấy nhiêu sự tự tin, bấy nhiêu sự yêu thương.

Vậy làm sao để “tính toán” tốt cảm xúc của mình? Quản lí cảm xúc sẽ dạy bạn. Quản lí cảm xúc là một bộ môn thuộc chương trình Phát triển cá nhân của FPT School. Tại đây, các học sinh được học những lý thuyết căn bản để quản lý và nhận ra cảm xúc của mình từ đó áp dụng thực hành trong những tình huống hàng ngày.

Các bạn sẽ được biết tới câu chuyện về cơ sở sinh lí để biết rằng chỉ số EQ rất quan trọng, nó quyết định thành công của một con người. Ngoài ra, các bạn còn được thực hành các kỹ năng để làm nhận thức, làm chủ bản thân và các mối quan hệ xã hội thông qua những tình huống cụ thể” – Cô Lương Trà My – giáo viên giảng dạy môn học Quản lí cảm xúc tại THPT FPT.

Cảm xúc không phải để kiềm chế, giấu diếm, cảm xúc cần được nhận ra và quản lý thật tốt. Khi chúng ta đã hiểu được cảm xúc của chính mình, của người khác và biết cách đưa ra những hành vi phù hợp, chúng ta sẽ có những phút giây hạnh phúc.

 

 

Ngày đăng: 31/05/2019

Ngày cập nhật: 01/06/2019

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

Quán Quân Well-being AVC24 Trần Thy Khuyên – học sinh trường THPT FPT Hà Nội: “Tự nhận mình không giỏi xuất chúng nên phải rất chăm”
Khám phá sắc màu văn hóa đa quốc gia ngay tại lớp học tiếng anh cùng học sinh trường THPT FPT Hà Nội
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội trổ tài khéo tay làm tranh sáng tạo từ thiên nhiên
Bùng nổ các màn trình diễn tại vòng sơ loại cơ sở cuộc thi Khơi nguồn Võ Việt 2024
Trường THPT FPT Hà Nội trang bị cho học sinh kiến thức an toàn trên không gian mạng 
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội gặp gỡ, giao lưu với học sinh trường THPT DaiDo Nhật Bản
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội tự tin giao lưu với học sinh Đài Loan qua dự án “Lớp học xuyên biên giới”
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội phát triển kỹ năng và tư duy qua hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp
Trường THPT FPT Hà Nội chào đón đại diện trường Shibaura Institute of Technology đến thăm và giao lưu
100 học sinh trường THPT FPT Hà Nội quyết tâm chinh phục kỳ thi thử SAT 

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh