Độc đáo các bài thi học kỳ chỉ có tại FSchool

Không phải là những bài thi khiến học trò mỏi mệt bên những tập đề cương dày đặc chữ, bài thi học kỳ tại FSchool luôn khơi gợi cảm hứng, niềm say mê học tập cho các teen nhờ những hình thức mới lạ, có 1-0-2.

FSchooler thử sức với muôn vàn hoạt động khép lại các môn học PDP

Các môn học Kỹ năng mềm, Kinh doanh hay Hướng nghiệp thuộc chương trình PDP (Personal Development Program – phát triển cá nhân) là điểm riêng khác biệt trong chương trình đào tạo của FSchool. “Không phải lý thuyết đơn thuần, điều giá trị nhất mà các em nhận được chính là cách hiểu và vận dụng những kiến thức, kỹ năng được học vào cuộc sống và công việc thực tế. Vì thế, việc kiểm tra đánh giá cũng cần được thực hiện qua thực hành, trải nghiệm, với các hình thức khác nhau để các em ứng dụng được tốt nhất những gì mình đã học”, cô Phùng Hiên, phụ trách bộ môn PDP cho biết.

Nếu thấy teen FSchool hào hứng tham gia ngày hội kinh doanh, sáng tạo nên các triển lãm hoặc tự tin tổ chức hội thảo thì đây chính là bài thi cuối kì thật khác biệt của các bạn ấy đó. “Qua các hoạt động này, các em cũng có cơ hội tự học, tự nghiên cứu và phát huy được khả năng sáng tạo của bản thân, phát triển được bản thân nhiều hơn những gì được học”, cô Hiên chia sẻ thêm.

Những khoảnh khắc tuyệt vời bên mẹ trong triển lãm “Mẹ trong tâm trí con”.

Triển lãm sắp đặt “Who Am I” với những kết quả thật bất ngờ cho câu hỏi “Tôi là ai” từ các teen tuổi 15: “Tôi là lãnh đạo”, “Tôi là tàu ngầm”, “Tôi thích quan sát”, “Tôi là một họa sĩ”,…

Nam sinh FSchool tự tin điều hành workshop trong khuôn khổ chương trình “Emotional Pieces”.

Một bạn nữ chăm chút gian hàng lớp mình trong ngày hội Kinh doanh.

Sinh động, gần gũi các dự án kết thúc môn Sử, Địa

Từ bỏ cách kiểm tra lý thuyết truyền thống, việc trả bài bằng dự án đối với các môn học Sử, Địa từ lâu đã trở nên quen thuộc với thầy trò FSchool. Cả lớp sẽ được chia nhóm, chọn dự án theo hướng dẫn của giáo viên và tiến hành làm nên các sản phẩm thực tế, cụ thể.

Mô hình Năng lượng mặt trời đến từ lớp 10A6 cho chủ đề “Thiết kế mô hình về các ngành kinh tế”.

Sa bàn chiến trận sông Như Nguyệt – Lý Thường Kiệt – Chống Tống lần II: sản phẩm dự án môn Lịch sử của nhóm học sinh 10A9.

Một học sinh chia sẻ: “Kiểm tra như thế này em vừa không phải học thuộc, vừa được tham khảo tài liệu thoải mái, lại còn được vừa làm vừa chơi. Sản phẩm làm ra còn giữ được lâu dài nữa.”

Trải qua quá trình nghiên cứu tài liệu, bàn bạc ý tưởng cho đến khi thực hành với không ít rủi ro trong thiết kế hay bất đồng giữa các thành viên, các teen FSchool đã xuất sắc vượt qua bài thi cuối kì. Các em vừa biến kiến thức tưởng như khô khan, lý thuyết trở thành hiểu biết của mình, vừa học được cách làm việc nhóm, quản lý thời gian hiệu quả với hình thức kiểm tra hết môn độc đáo tại FSchool.

Thi Thể dục bằng biểu diễn Vovinam

Có người dành cả thanh xuân để qua môn Thể dục, còn teen FSchool lại thấy môn Thể dục là một phần tuyệt vời trong thanh xuân của mình. Trong đó, môn võ dân tộc  Vovinam là môn học thể dục luôn nhận được sự yêu thích, hào hứng của các FSchooler.

Nếu các môn nhảy cao, nhảy xa hay chạy bền chưa hoàn toàn phù hợp với thể trạng của mọi đối tượng học sinh, Vovinam lại là môn võ mà bất cứ teen nào dù cao lớn hay bé nhỏ đều có thể theo học. Đưa Vovinam vào giảng dạy còn mang ý nghĩa tôn vinh và xây dựng các giá trị nhân bản, hướng về cội nguồn, đề cao tinh thần tôn sư – trọng đạo cũng như rèn luyện tính kỷ luật cho học sinh.

Một giờ học Vovinam của các FSchooler.

Trong ngày thi Vovinam, các học sinh sẽ thi các bài quyền nhập môn nhằm đánh giá tổng thể các kỹ thuật đã học, từ tấn pháp tới các bộ pháp khác như bộ chém, bộ đấm, bộ gạt, bộ trỏ và bộ đá.

Mỗi học sinh khi biểu diễn đều phải thuộc bài, song song với rèn luyện tinh thần và tâm lý. Ngoài ra, các em cần phải tạo ra ấn tượng bằng  tác phong và thần thái”, thầy giáo Vovinam Hồ Quang Hòa “tiết lộ” tiêu chí chấm điểm ngày thi Vovinam.

Thi Tiếng Anh phân lớp theo giáo trình Pathways

Có lẽ chỉ riêng tại FSchool, các teen mới kết thúc môn tiếng Anh với 2 bài thi. Ngoài bài thi dựa theo giáo trình của Bộ GD – ĐT, các FSchooler còn cần vượt qua bài thi Pathways theo giáo trình của Tổ chức National Geographic Hoa Kỳ. Việc tăng cường tiếng Anh trong học tập và thi cử tại trường THPT FPT hướng tới việc xây dựng kiến thức toàn diện và khả năng học tiếng Anh học thuật một cách tự nhiên và hấp dẫn.

Bài thi Pathways cũng là tiêu chí phân lớp học cuối mỗi học kỳ, tạo động lực để các teen không ngừng nỗ lực hoàn thiện năng lực học tập của bản thân. Quy mô lớp học tại FSchool thay đổi hàng năm vì những học sinh có trình độ tiếng Anh ngang nhau sẽ được học chung một lớp để có phương pháp truyền đạt phù hợp.

Không khí trật tự, nghiêm túc trong một buổi thi Pathways.

Học tập và thi cử dựa trên giáo trình Pathways khiến teen FSchool phát triển năng lực học ngoại ngữ toàn diện, tự tin giao tiếp với người nước ngoài.

Giảm nhẹ áp lực thi cử, đổi mới phương pháp đánh giá kiểm tra nhưng vẫn đảm bảo chất lượng học tập, trường THPT FPT đã khơi dậy tinh thần sáng tạo, đam mê trong mỗi học sinh như thế đó!

Thu Hiền

 

Ngày đăng: 14/05/2018

Ngày cập nhật: 15/05/2018

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh