“Đọc vị” các kiểu trường THPT ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội
Theo Bí kíp chọn trường – Không hề ngẫu nhiên khi mùa thi tuyển sinh vào THPT năm nay, trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, các trường ngoài công lập được phụ huynh đặc biệt quan tâm.
Điểm đến của gần 40.000 sĩ tử tuổi 15
2018 là năm đánh dấu thế hệ “dê vàng” – những cô bé cậu bé sinh năm 2003 vượt vũ môn vào lớp 10. Năm đẹp, tuổi đẹp nên số lượng học sinh lớp 9 khắp cả nước tăng đột biến. Thống kê sơ bộ cho thấy, tại Hà Nội hàng năm có khoảng 80.000 thí sinh dự thi vào 10 thì năm nay, con số này lên đến hơn 100.000, tăng tới 20%.
Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh cũng như cơ sở vật chất của các trường THPT công lập không có nhiều thay đổi, ước tính các trường này chỉ nhận được tối đa 60% học sinh. Ước tính có hàng vạn học sinh lớp 10 sẽ học tập tại các trường dân lập, hệ bổ túc, dạy nghề… Do đó, sức nóng vào 10 lập tức lan ra các trường ngoài công lập thủ đô.
Vậy, hiện các trường ngoài công lập ở Hà Nội có những nhóm nổi bật nào, và đâu là điểm đến phù hợp cho các sỹ tử? Tổng hợp dưới đây có thể giúp phụ huynh và các bạn học sinh có thêm cơ sở cho quyết định quan trọng của mình.
Nhóm 1 – Những ngôi trường “bác học”
Nhóm trường ngoài công lập lâu đời được phụ huynh nghĩ tới đầu tiên khi chọn trường là những trường có tỉ lệ đỗ vào những trường Đại học danh tiếng. Cái tên thường được nhắc tới nhiều nhất là trường THPT Lương Thế Vinh – ngôi trường được thành lập bởi người thầy tài đức – cố PGS Văn Như Cương. Từ khi thành lập đến nay trường vẫn luôn được nhiều phụ huynh gửi gắm con theo học bởi nề nếp nghiêm túc, kỷ luật, đào tạo chặt chẽ, yêu cầu sự chăm chỉ và học tập tập trung rất cao ở học sinh, đồng thời chuyên chú vào công tác giảng dạy chuyên môn. Điều này giúp cho THPT Lương Thế Vinh có nhiều thế hệ học trò xuất sắc nổi trội so với nhiều trường công lập khác, thu hút được đông đảo học sinh và phụ huynh lựa chọn, ôn luyện thi vào trường.
Tuy có một số phản ứng trái chiều từ cả phụ huynh và học sinh trên mạng xã hội về việc kỷ luật quá nghiêm khắc và chương trình học quá năng của trường, nhưng THPT Lương Thế Vinh vẫn là lựa chọn trường ngoài công lập có sức nặng trên địa bàn Hà Nội.
Bên cạnh đó còn phải kể đến những ngôi trường danh tiếng khác trong diện này như THPT Đào Duy Từ, THPT Nguyễn Tất Thành…
Trường tiêu biểu – Học phí: THPT Lương Thế Vinh – 20 triệu/năm, THPT Đào Duy Từ – 10 triệu/năm, THPT Nguyễn Tất Thành – 21,5 triệu/ năm (Bảng phí tham khảo năm học 2016 – 2017).
Nhóm 2 – Những ngôi trường đào tạo toàn diện
Bên cạnh nhóm trường chuyên thi cử, các trường phát triển cân bằng giữa đào tạo kiến thức, khả năng học tập và đời sống tinh thần, trải nghiệm học đường của học sinh cũng được nhiều phụ huynh quan tâm. Đại diện tiêu biểu của nhóm này là THPT Marie Curie. Đây cũng là một trong những trường ngoài công lập đầu tiên tại Hà Nội chỉ sau Lương Thế Vinh, nổi tiếng và nhận được tin tưởng của phụ huynh bởi chất lượng đào tạo tốt, phân ban rõ ràng theo nguyện vọng học sinh đồng thời duy trì chất lượng đào tạo tiếng Anh nổi trội. Các hoạt động văn thể mỹ, phát triển đời sống, hoạt động ngoại khóa cho học sinh được nhà trường quan tâm, cơ sở vật chất của trường cũng được đánh giá cao về độ thẩm mỹ và hiện đại.
Danh sách các trường phát triển đồng đều về học tập và trải nghiệm này có thể kể đến những cái tên như Lomonoxop, Đoàn Thị Điểm, Vinschool…
Trường tiêu biểu – Học phí: THPT Marie Curie – 39 triệu/năm, Lomonoxop – 15 triệu/năm, Đoàn Thị Điểm – 30 triệu/năm (Bảng phí tham khảo năm học 2016 – 2017), Vinschool – 40,8 triệu/năm (Bảng phí cập nhật năm học 2017 – 2018).
Nhóm 3 – Nhóm các trường nội trú
Trường nội trú là một trong những kiểu trường ngoài công lập có đặc trưng riêng biệt được nhiều phụ huynh quan tâm lựa chọn. Tại đây, học sinh học tập và sống luôn trong khuôn viên trường, nhà trường không chỉ dạy học mà còn quản lý đời sống các em, rèn luyện sự tự chủ, tự lập. Tại Hà Nội, THPT Trí Đức và trường thiếu sinh quân Trần Quốc Tuấn (thuộc Học viện Khoa học Quân sự) là hai trường nội trú lâu năm nhất, được biết đến với kỷ luật nghiêm ngặt, đào tạo và quản lý học sinh chặt chẽ.
Bên cạnh đó, một cái tên mới được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây là THPT FPT. Trường kết hợp mô hình nội trú với chương trình giảng dạy cân bằng giữa đào tạo kiến thức và phát triển kỹ năng sống ở học sinh, hướng tới xây dựng phong cách sống, các suy nghĩ, lối sống. Nếu như nhiều người thích trường Trí Đức và Trần Quốc Tuấn bởi kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực nội trú thì THPT FPT với lợi thế đi sau đã chọn tiếp thu các mô hình nội trú tiên tiến khác kết hợp với đặc trưng lối sống, thói quen, văn hóa của thế hệ trẻ Việt để theo đuổi phương thức riêng: Tôn trọng cá nhân, tạo môi trường để học sinh học cách tự lập, chủ động trong cuộc sống. Thông qua các hoạt động hướng nghiệp thực tế, chương trình phát triển bản thân (PDP) khác biệt và chú trọng đào tạo tiếng Anh, trường đặt mục tiêu đào tạo học sinh trở thành những cá nhân tự lập, trưởng thành, có khả năng học tập, hòa nhập và thích nghi cao nhằm chuẩn bị cho cuộc sống học Đại học và du học sau này.
Đại diện + Học phí: THPT FPT – 50 triệu/năm; THPT Trí Đức – 38 triệu/năm; THPT Trần Quốc Tuấn – 17 triệu/năm ((Bảng phí tham khảo năm học 2016 – 2017).
Giữa bức tranh trường cấp 3 ngoài công lập rộng lớn và đặc biệt được quan tâm trong mùa thi vào 10 năm 2018, những thông tin trên hi vọng sẽ giúp phụ huynh và học sinh có thêm cơ sở để lựa chọn trường phù hợp nhất với khả năng học tập cũng như định hướng tương lai của mình.
Chuyên mục: Tin FSchool Tin tức
Ngày đăng: 07/03/2018
Ngày cập nhật: 07/03/2018
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025