EM LÀ GIÁO VIÊN QUẢN NHIỆM

Nghề quản nhiệm – Thật lòng mà nói em chẳng thích tên gọi của cái nghề mà em đang làm ấy. Nó khó hiểu, khó giải thích và trả lời cho người khác mỗi khi họ hỏi về nghề nghiệp của em. Tổ Quản nhiệm – nơi em đang công tác là đơn vị chịu trách nhiệm mảng nội trú của trường. Công việc chính của chúng em là lo toan toàn bộ mọi vấn đề ăn ở ngủ nghỉ ụ ị ọ ẹ của học sinh ở trường THPT FPT.

Ngày đầu vào nghề, em bắt đầu trải nghiệm những thứ mà chưa bao giờ tồn tại trong trí óc mình, quá nhiều những lạ lẫm, bỡ ngỡ, bất ngờ và bối rối. Sau một chữ ký (trong hợp đồng lao động), nghiễm nhiên em trở thành mẹ của hơn 20 đứa trẻ (to cao bằng mình). Cái gì cũng cô, đầu tiên nhớ nhà, tiếp không ăn, không ngủ, sau không đi học, không làm vệ sinh, không nghe lời, vi phạm nội quy… Ừ thì không sao có cô “cân tất”. Có những tình huống xử lí học sinh xong, ra ngoài cô khóc òa như một đứa trẻ, tức giận và ấm ức vô cùng, dạy bảo chúng, lo lắng vì chúng mà kết quả có lúc thật phũ phàng: “Cô chỉ là giáo viên quản nhiệm thôi chứ là gì mà… lắm chuyện…”

THPT_FPT_Giao_Vien_Quan_Nhiem (5)

Cô Hoàng Thị Kim Tuyến (bên phải) từng bị shock khi mới nhận công việc quản nhiệm.

Học sinh ở đây cái gì cũng giỏi, cái gì các em cũng hay, công nghệ, điện tử biết, chiêu trò biết, lý luận siêu… Ở cái tuổi “nhất quỷ nhì ma” này cái gì cũng có thể xảy ra: mải chơi, lười lao động, hút thuốc lá, sisa điện tử, yêu nhau, tâm lý bất ổn, đánh nhau, bỏ học, bỏ trốn ra khỏi trường… toàn những nguy cơ và rủi ro thường trực. Không quản lý được chúng em “chết”, mà dẫu chỉ là tin đồn thôi, chúng em vẫn “chết”. Với chúng cái gì cũng phải dạy, dạy ăn dạy nói, quét nhà rửa bát, giặt quần áo và quan trọng nhất là dạy chúng học cách sống chung với những điều “bất như ý”. Áp lực từ bốn phương tám hướng, học sinh, phụ huynh, cấp trên đồng nghiệp, còn từ phía bản thân nữa chứ.

THPT_FPT_Giao_Vien_Quan_Nhiem (4)

THPT_FPT_Giao_Vien_Quan_Nhiem (1)

Học trò của em có những lúc ngoan như thiên thần, nhiều khi nghịch như quỷ, có em được cưng chiều, bao bọc, có em sớm chịu chuyện buồn gia đình.

Học sinh của em cũng nhiều gia cảnh lắm, có em thì sống trong sự thương yêu hết mực từ gia đình, có em thì phải nếm trải những nỗi đau từ khi còn quá nhỏ, có em thì bất mãn với cuộc sống, có em thì oán hận gia đình… Chao ôi, cuộc sống sao mà lắm cảnh vậy?

Qua đi những ngày đầu chênh vênh ấy, chúng em rút ra khỏi phòng quản lí từ bên ngoài, chia nhau ra làm theo ca kíp, nay ca sáng, mai ca chiều. tiếp ca tối rồi lại ca đêm. Thời gian linh hoạt hơn, không gò bó, không “làm màu” suốt như lúc còn ở cùng học sinh. Em mới dám hít sâu, thở mạnh cho đã cái lồng ngực. Cơ mà, trước là quản lí một phòng giờ thì “cân” luôn cả tầng, choáng luôn, “trực ca em nhé, sáng – trưa – chiều – tối (24/24) các chú cứ thế mà làm”; “khối 10, 11, 12 chú lãnh hết”, “VÂNG EM SẼ CỐ Ạ”. Lớp 10 quát nó như bố, 11 nói như mẹ, 12 thì nhẹ nhàng khuyên bảo nhé, động viên nhiệt tình nhé – các em lớn rồi, phải là gương sáng cho các em còn soi, còn ngắm. Chao ôi ở nhà mẹ quát mắng suốt ngày đêm, ở FPT School mình thay chỗ của mẹ. Cũng phải phục mình và anh em đồng nghiệp nhiều lắm…

THPT_FPT_Giao_Vien_Quan_Nhiem (2)

Cô Tuyến (ngoài cùng bên phải) với học trò.

Đội ngũ chúng em chủ yếu là những người trẻ, gia đình chưa lập, người yêu thì đứa có đứa không, thế nhưng công việc quản nhiệm lại mang theo thiên chức quá lớn lao khiến chúng em buộc phải gồng mình lên mà lớn. Chưa đủ tuổi, đủ trình độ, đủ khả năng vậy nên anh em bắt đầu mò, đâu phải mò ốc ở ao, mò cua ở ruộng, mò hến ở kênh mương… ở đây là mò kim đáy bể, phải mò sao cho ra phương pháp, ra tiêu chí, ra kĩ năng, ra nghiệp vụ… Từng bước làm là từng bước sửa, ấy vậy mà cũng đã được ba năm. Tuy công việc có lúc này lúc nọ nhưng dù thế nào anh em vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Thật tâm mà nói có những lúc cái đầu nó chẳng thông, tư tưởng nó bị kẹt, lòng thì còn nặng trĩu với câu “Quản nhiệm như bố mẹ của học sinh” của các anh.

Tới nay, 4 khóa học sinh đã nhập học, 1 khóa đã ra trường, mái nhà chung FPT School cũng phần nào xác lập được trật tự, giá trị và văn hóa. Các em K4 đang còn ngây dại, vài hôm nữa “diễn sâu” cũng chả kém anh chị khóa trên… Và công việc là vậy, hết chuyến đò nọ tới chuyến đò kia. Tại FPT School luôn có những thầy cô không dạy chữ, những người sẵn sàng đứng sau cánh gà của sân khấu làm tròn trách nhiệm, họ là những giáo viên quản nhiệm và họ… chính là em.

Cô Hoàng Thị Kim Tuyến

 

Ngày đăng: 26/09/2016

Ngày cập nhật: 26/09/2016

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh