FPT SCHOOL THÍCH ỨNG VỚI NHỮNG THAY ĐỔI CỦA KỲ THI THPT QUỐC GIA 2017
Kỳ thi 2017 sẽ có 5 bài thi bao gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trong số đó, chỉ bài thi môn Ngữ văn thực hiện theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm. Trước sự thay đổi đó, trường THPT FPT đã nhanh chóng có những chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này.
Theo cô Nguyễn Thị Thu Hiền (Giáo viên Ngữ văn – Phụ trách tổ Bộ môn Xã hội) cho biết: “Từ đầu năm học, học sinh đã đăng ký các môn sẽ thi THPT quốc gia trên tổng số 8 môn theo cách thi cũ. Nhưng khi có thông tin thay đổi môn thi, nhà trường đã triển khai việc đăng ký lại nguyện vọng, học sinh lựa chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc tổ hợp Khoa học Xã hội (3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ là bắt buộc). Đến nay công tác này đã hoàn tất. Dựa trên khảo sát này, nhà trường sẽ phân chia học sinh và có chương trình học tập phù hợp”.
Dù kỳ thi thay đổi nhưng cách dạy và học tại THPT FPT không thay đổi nhiều, bởi ngay từ đầu nhà trường xác định thi tự luận hay trắc nghiệm trước hết học sinh đều phải nắm vững kiến thức trong chương trình. Song song với việc học kiến thức nhà trường sẽ rèn luyện kỹ năng làm bài trắc nghiệm cho học sinh.
Tại THPT FPT việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy luôn được quan tâm triệt để ở tất cả các môn, nhất là các môn KHXH làm video, đóng kịch, tham quan, trải nghiệm, thuyết trình, báo cáo, tổ chức ngày hội văn hóa, dạy lồng ghép, liên môn, hỗn hợp, đảo ngược…
Chính những phương pháp này giúp học sinh hào hứng học tập, tiếp thu bài dễ dàng hơn, ghi nhớ kiến thức lâu hơn, giúp giảm bớt khó khăn cho học sinh khi chuyển sang hình thức thi tổ hợp trắc nghiệm.
Những dự án lịch sử, địa lý, GDCD do học sinh thực hiện khiến các em ghi nhớ kiến thức tốt hơn
Đối với các môn Lý, Hóa, Sinh, Ngoại Ngữ, Ngữ văn, học sinh đã quen với cách làm bài thi, riêng với môn Toán thầy Phạm Quốc Toàn (Giáo viên Toán – Phụ trách tổ Bộ môn tự nhiên) cho biết: “Ngoài việc đảm bảo kiến thức, nhà trường đã chuẩn bị những bộ đề thi toán trắc nghiệm và cho học sinh lớp 12 làm thử. Thông qua đó, bộ môn sẽ xác định những vấn đề học sinh hay mắc phải và có phương án ôn tập cho hiệu quả”.
Sau một tháng lấy ý kiến đóng góp ý kiến, chiều ngày 28/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã chủ trì họp báo công bố phương án thi 2017. Theo đó, cơ bản phương án thi 2017 giống như dự thảo. Trừ Ngữ văn thi tự luận, 4 bài còn lại sẽ theo hình thức trắc nghiệm. Mỗi thí sinh cùng phòng có mã đề thi riêng, làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Phiếu này được chấm bằng phần mềm máy tính. Đề thi gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và các câu hỏi phân hóa phục vụ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ.
Năm 2017, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 12 THPT; năm 2018, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong Chương trình cấp THPT.
Trước năm 2014, Việt Nam có 13 năm liên tục thi đại học theo hình thức 3 chung (chung đề, chung đợt và sử dụng chung kết quả thi). Sau khi thi tốt nghiệp THPT tại địa phương vào cuối tháng 6, sang tháng 7 thí sinh sẽ thi đại học, cao đẳng ở một số cụm thi nhất định, thời gian thi một ngày rưỡi.
Từ năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo gộp hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học, cao đẳng vào làm một, gọi là kỳ thi THPT quốc gia. Thí sinh thi vào đầu tháng 7 tại các cụm địa phương (cho người chỉ xét tốt nghiệp) và cụm do đại học chủ trì (cho người vừa xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học). Ngoài 3 môn bắt buộc gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ và một một tự chọn để xét tốt nghiệp, thí sinh có thể chọn thêm những môn sau Sử, Địa, Lý, Hóa, Sinh để xét tuyển đại học.
Hoàng Thảo
Chuyên mục: Tin tức
Ngày đăng: 01/10/2016
Ngày cập nhật: 01/10/2016
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025