FSCHOOLER RƠI NƯỚC MẮT KHI NGHE GIẢNG PHÁP VỀ ĐẠO HIẾU
Chiều ngày 25/8/2016 Sư thầy Thích Tịnh Quán, trụ trì chùa Đình Quán và Sư bà Thích Nữ Liên Hoa đã có buổi giảng pháp cho các bạn học sinh THPT FPT về nguồn gốc ngày Vu Lan Báo Hiếu và răn dạy về đạo làm con. Bài giảng pháp không chỉ đem đến những bài học bổ ích mà còn có những giây phút lắng đọng, khiến các em học sinh xúc động rơi nước mắt.
Nguồn gốc ngày Lễ Vu Lan báo hiếu
Ngày Xá tội vong nhân và Lễ Vu Lan đều có chung nguồn gốc ra đời từ Phật giáo, hai ngày lễ đều được tổ chức vào ngày Rằm tháng 7 với mục đích thể hiện lòng kính trọng, biết ơn với những tổ tiên và bậc sinh thành.
Ngày lễ bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của Ngài Mục Kiền Liên, gọi tắt là Mục Liên. Vốn là một tu sĩ khác đạo, về sau Mục Liên đã quy y và trở thành một đệ tử lớn của Phật, đạt được sáu phép thần thông rồi được liệt vào hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Phật.
Sau khi đã tu thành chứng quả, Mục Liên vẫn luôn nhớ đến mẹ, bèn dùng huệ nhãn nhìn xuống các cõi khổ mà tìm thì thấy mẹ đã đọa vào kiếp quỷ đói nơi địa ngục A Tì vì khi còn sống lỡ làm điều sai. Mẹ ông thân hình tiều tụy, da bọc xương, đầu đội chậu máu, ngồi trên bàn chông.
Quá thương cảm xót xa, Mục Liên liền biến ra bát cơm dâng mẹ, nhưng chưa vào đến miệng thì cơm đã hóa thành lửa. Mục Liên đau đớn vô cùng, khóc than thảm thiết rồi trở về thưa chuyện với Ðức Phật để xin được chỉ dạy cách cứu mẹ.
Phật cho Mục Liên biết phải nhờ đến uy đức của chúng tăng khắp các nẻo đồng tâm hiệp ý cầu xin cứu rỗi cho mới được, đúng vào ngày rằm tháng 7 thì lập trai đàn để cầu nguyện, thiết trai diên để mời chư tăng thọ thực. Quả nhiên vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sanh về cảnh giới lành.
Từ đó ngày Rằm tháng 7 được coi là ngày Vu Lan báo hiếu, con cái tỏ lòng tôn kính, hiếu thảo với mẹ, cũng là ngày Xá tội vong nhân, các cô hồn thoát khỏi nơi ngục tù.
Báo Hiếu là trưởng thành ngay từ hôm nay
Sau khi giải thích cách gọi khác của ngày Rằm tháng Bảy, bằng câu chuyện về Đức hiếu sinh, thầy Thích Tịnh Quán đã dẫn dắt các FSchooler về những triết lý, bổn phận làm con. Đó là câu chuyện về đức Phật thuyết pháp, giảng cho chàng Thiện Sinh hiểu được ý nghĩa của việc lạy sáu phương.
Phương Đông là cha mẹ. Vì phương Đông là sự bắt đầu một ngày mới, khi mọi việc đều bắt đầu, trong quan hệ xã hội, mọi việc muốn tốt thì phải bắt đầu từ gia đình, đó là yếu tố căn bản. Do vậy, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, con cái với cha mẹ tượng trưng cho phương Đông.
Phương Nam là thầy dạy. Khi rời khỏi cha mẹ thì chúng ta phải đến nhà trường, mối quan hệ giữa học trò và người thầy được hình thành. Vậy học trò nên biết năm điều thờ kính, phụng dưỡng thầy. Phương Tây là vợ hoặc chồng. Khi con người lớn khôn, lập gia đình, đó là đạo vợ chồng, vợ chồng cần yêu thương, tôn trọng, cấp dưỡng nhau. Phương Bắc là bạn bè thân thích. Bạn bè cần chân thật, chung thủy với nhau, thật thà,tận tâm giúp đỡ nhau và luôn lắng tai nghe nhau. Phương Hạ là quan hệ chủ với tớ, chủ cũng phải thương người ở như người thân của mình. Phương Thượng là các bậc tâm linh, bề trên.
Hay đó là câu chuyện về người mẹ một mắt, suốt một đời bị người con trai thành đạt hắt hủi, xa lánh, chối bỏ, anh cho rằng người mẹ chỉ có một mắt ấy đã khiến anh xấu hổ, làm trò cười cho thiên hạ. Chỉ đến khi mẹ mất đi rồi, anh mới biết khi bé mình bị tai nạn, chính mẹ là ngươi đã tặng mắt cho mình. Bà không muốn anh có bất cứ khiếm khuyết nào trên cơ thể, vậy mà bao năm anh không về nhìn mẹ lấy một lần, mọi hối hận giờ cũng đã muộn màng. Câu chuyện ấy đã khiến bạn Ngô Thị Minh Thùy (Lớp 11A5) xúc động rơi nước mắt.
Sư thầy đặc biệt nhấn mạnh, phận làm con đối với cha mẹ phải làm tròn chữ Hiếu, thể hiện ở năm khía cạnh: Hiếu Kính, Hiếu Dưỡng, Hiếu Hạnh, Hiếu Tâm, Hiếu Đạo.
Hiếu Kính chính là bày tỏ lòng kính trọng qua lời nói và hành động và cần có một thái độ kính trọng từ tận sâu tấm lòng đối với địa vị của cha mẹ. Vâng lời cha mẹ, không làm trái ý, làm cha mẹ buồn chính là những biểu hiện của Hiếu Kính.
Hiếu Dưỡng là nuôi dưỡng cha mẹ đầy đủ về các mặt vật chất, như cung cấp cơm ăn, áo mặc, thuốc thang… Đối với các bạn học sinh Fschool còn nhỏ và phụ thuộc, thì Hiếu Dưỡng bằng cách phụ giúp cha mẹ làm việc nhà, mẹ nấu cơm, con rửa bát, rót nước mời cha mẹ. Hiếu Hạnh là luôn giữ gìn hạnh kiểm, là người con luôn luôn giữ mình trong mọi hành động, lời nói và ý tưởng, không bao giờ làm điều gì để người khác chê bai là đứa con hư hỏng, xấu xa. Những lời chê bai, chửi mắng, nói xấu nếu để đến tai cha mẹ thì điều đó sẽ làm cho cha mẹ buồn rầu trở thành những hành vi bất hiếu. Hiếu Tâm là tâm tư của luôn luôn hướng về cha mẹ, không khi nào quên những gì cha mẹ chỉ dạy. Hiếu Đạo là hướng cha mẹ đến cái thiện, không phạm những điều tội lỗi.
Năm yếu tố ấy tạo thành chữ Hiếu, là bổn phận của con cái. Báo Hiếu không phải khi lớn khôn có công việc tốt,chu cấp tiền bạc mà từ chính những hành động nhỏ giúp đỡ cha mẹ hàng ngày, tôn kính cha mẹ, là trưởng thành trong suy nghĩ và hành vi ngay từ hôm nay.
Ngoài ra các FSchooler cũng được khuyên dạy cách sống, tu dưỡng sao cho tích Đức, tạo Phúc, tránh xa những ác nghiệp. Sư bà Thích Nữ Liên Hoa cũng truyền cảm hứng đánh thức những năng lực tiềm ẩn cho các bạn học sinh bằng cách thuật lại câu chuyện về cuộc đời mình. Từ một cô gái mất anh em, người thân nhưng sư bà đã một mình đến đất Mỹ, vượt qua rất nhiều gian khó, giữ tâm tịnh và lối sống thanh bạch đạm bạc để có thể lao động nuôi gia đình, theo đuổi con đường tu đạo, tạo phúc, chữa lành vết thương tâm hồn cho đại chúng. Bí quyết của sư bà chính là do Tâm mình không lúc nào buông bỏ, luôn để cái Tâm đứng trước mọi khó khăn.
Buổi giảng pháp được các bậc phụ huynh hoan nghênh và đánh giá cao “Không chỉ học văn hóa, THPT FPT còn đem đến những bài học bổ ích về Nhân -Trí – Lễ -Nghĩa”, rèn chữ rèn người. Bạn Nguyễn Quốc Anh (10A2) thì hào hứng chia sẻ “em rất vui vì biết thêm nhiều điều mới, biết cách báo hiếu với cha mẹ”.
Ảnh: Nguyễn Quốc Anh (10A2), Nguyễn Minh Hoàng (10A10)
Ni sư Thích Tịnh Quán là Ủy viên Ban Hoằng pháp và Ban Hướng dẫn Phật tử TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Đình Quán. Tại chùa sư thầy cũng thường tổ chức các khóa tu, các khóa sinh sẽ được nghe giảng về giáo lý nhà Phật, giáo dục đạo đức nhân cách, lòng hiếu thảo, sự yêu thương, được giáo dục những kỹ năng sống và tính tự lập. Tiến Sĩ Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Liên Hoa được sinh ra tại Việt Nam, sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ từ năm 1970. Trong 30 năm qua, Sư Bà Liên Hoa đã dạy và hướng dẫn nhiều khóa tu trên thế giới. Là một diễn giả nổi tiếng, Sư Bà đã có mặt tại nhiều hội nghị quốc tế, bao gồm Hội nghị Hòa bình cuả Phụ nữ tại thành phố Turino, Italia; Đại hội Tôn Giáo quốc tế tại Cape Town, Nam Phi, và những hoạt động khác ở các nước Nam và Trung Mỹ, Đông Nam Á và châu Âu. Tiến Sĩ Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Liên Hoa là một tác giả và đã xuất bản hàng chục cuốn sách về phương cách tự phục hồi sức khoẻ cuả bản thân và tâm linh. Là một bác sĩ và tu sĩ, Sư Bà đã hướng dẫn bệnh nhân cách phòng bệnh và trị bệnh, cách ứng dụng tâm trí của họ để chữa lành bệnh và khám phá những tiềm ẩn ở bên trong. Vào ngày 7 tháng 3 năm 2014, Sư Bà được Ngày Phụ nữ Quốc tế Liên Hiệp Quốc (United Nations – International Women) chọn là Người Tu sĩ Phật giáo xuất sắc, buổi lễ được tổ chức ở Chonburi, Thái Lan. |
Chuyên mục: Tin tức
Ngày đăng: 26/08/2016
Ngày cập nhật: 26/08/2016
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025