Hiểu thêm về cuộc sống người nông dân qua môn Công Nghệ

Nhầm “đậu đen” là tên gọi khác của “đậu tương”, nhìn hình vẽ ruộng trồng cà chua ra ruộng trồng ngô… thế nhưng, đa số học sinh lớp 10 của THPT FPT đều hào hứng với những kiến thức mới mẻ về nông nghiệp trong bài học môn Công Nghệ.

Mở đầu bài học có tên “Khảo nghiệm giống cây trồng” tại lớp 10D, cô giáo Thùy Linh chiếu cho cả lớp xem một bức ảnh về người nông dân bên thửa ruộng hoa màu của mình. Mất vài phút tranh cãi, nhóm mới biết đó là những cây đậu tương  – đang héo rũ. Trên gương mặt người nông dân là nỗi lo lắng, mệt mỏi, buồn bã. Không khó để các cô cậu học trò vốn xa lạ với ruộng đồng nhưng giàu cảm thông hiểu được thông điệp từ bức ảnh.

Học sinh hiểu thêm về cuộc sống người nông dân qua bải học “Khảo nghiệm giống cây trồng”.

Học sinh hiểu thêm về cuộc sống người nông dân qua bải học “Khảo nghiệm giống cây trồng”.

Từ bức ảnh, các em được gợi ý các vấn đề liên quan tới công tác khảo nghiệm giống cây trồng: Khảo nghiệm đóng vai trò gì? Tại sao phải khảo nghiệm? Một chủ đề thoạt nghe có vẻ xa lạ và mới mẻ bỗng chốc đã thu hút được sự quan tâm chú ý của học sinh. Tham khảo sách giáo khoa, tự vận động suy nghĩ, hàng loạt cánh tay giơ lên phát biểu. Có em thận trọng cắt nghĩa hai từ “khảo nghiệm”, có em còn nghi ngại về ý kiến của mình… Được cô giáo khuyến khích “cứ nói ra suy nghĩ của mình”, cả lớp cuối cùng cũng hiểu ra vai trò cung cấp thông tin nhằm tăng hiệu quả trồng trọt cho người nông dân của công tác khảo nghiệm giống cây trồng trong nông nghiệp.

Các em hăng hái phát biểu xây dựng bài.

Các em hăng hái phát biểu xây dựng bài.

Và chăm chú làm bài tập nhóm.

Và chăm chú làm bài tập nhóm.

Cũng với nội dung này, lớp 10G được cô giáo “thử tài” suy luận với câu hỏi: So sánh vai trò các yếu tố trong câu thành ngữ “Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống” trong sản xuất nông nghiệp xưa và nay. Từ đó, cô giáo gợi ý để các em tự phân tích, liên tưởng tới vấn nạn “ốc bươu vàng” khi giống ốc bươu vàng phá hoại này được nhập về Việt Nam một cách vô tội vạ, không qua công tác khảo nghiệm. Những ví dụ thực tế giúp các bạn có một giờ học khá vui và ý nghĩa.

Lớp 10G không kém phần hào hứng với tiết học.

Lớp 10G không kém phần hào hứng với tiết học.

Sang nội dung thứ hai của bài học là “Các loại thí nghiệm trong khảo nghiệm giống cây trồng”, cô dẫn dắt để các em tham khảo sách giáo khoa, tự thảo luận nhóm và làm bài ra giấy. Đồng thời, một nhóm học sinh “xung phong” sẽ được lên bảng trình bày tại lớp. Với hình thức học tập này, tất cả các thành viên trong lớp đều phải “hoạt động” nhưng không bị nhàm chán vì các em được làm nhóm, kết quả bài tập được tính vào điểm học tập cho bộ môn.

Xung phong lên bảng làm bài.

Xung phong lên bảng làm bài.

Là một thành viên rất tích cực phát biểu trong giờ học công nghệ, em Lê Yến Nhung (Học sinh lớp 10G) hào hứng cho biết, em thấy giờ học rất vui, bổ ích. “Những ví dụ cô đưa vào bài không chỉ giúp em hiểu kiến thức trong bài học, mà còn rõ hơn về những thông tin mà mình đã biết. Ví dụ như vấn nạn ốc bươu vàng, em đã nghe qua thời sự từ lâu nhưng bây giờ mới hiểu rõ về nguyên nhân, hậu quả… của vấn đề này như thế nào” – Nhung nói.

Các em được truyền thêm cảm hứng học nhờ những liên hệ thú vị với thực tế đời sống.

Các em được truyền thêm cảm hứng học nhờ những liên hệ thú vị với thực tế đời sống.

Theo cô giáo Thùy Linh, bộ môn Công nghệ có nhiều đặc thù riêng nên phương pháp giảng dạy phải linh hoạt. Tùy thuộc bài học, GV sẽ kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy như: Làm nhóm, vấn đáp, thực hành để các em nhanh chóng nắm bắt kiến thức.

“Vì đặc thù môn công nghệ của lớp 10 về các kiến thức cây trồng, vật nuôi mà đa số học sinh đều không có nhiều kiến thức nên giáo viên cần đưa ra nhiều ví dụ cụ thể, cũng như khuyến khích các em đọc, quan sát, tham khảo… chủ động liên hệ thực tế, phát biểu. Điều này góp phần tạo sự thoải mái cho học sinh trong giờ học, bổ sung những thông tin mới giúp học sinh cảm thấy vui, thú vị với môn học” – cô cho biết.

Nguyễn Quỳnh

 

Ngày đăng: 09/09/2013

Ngày cập nhật: 12/03/2014

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh