Học sinh FPT trổ tài đồ họa, hệ thống kiến thức Địa lí
Không còn bị nhàm chán, gò bó bởi những lý thuyết dài hàng mấy trang giấy, giờ đây kiến thức Địa lí trở nên thật thú vị thông qua inforgraphic sáng tạo.
Sử dụng “inforgraphic” vào việc dạy và học vẫn còn khá mới mẻ ở các trường học. Tuy nhiên tại THPT FPT phương pháp này đã được sử dụng vào bài thực hành Địa Lí lấy điểm hệ số 1 của khối 10. Bài thực hành này nhằm tổng hợp kiến thức về tất cả các chủ đề đã học từ đầu kì như các ngành công nghiệp, các loại hình giao thông vận tải… Cô Lê Vân Anh – giáo viên bộ môn Địa Lí trường THPT FPT cho biết: “Phương pháp giúp học sinh chủ động trong việc học và tìm hiểu kiến thức, phát huy sự sáng tạo của bản thân và đặc biệt là kỹ năng chọn lọc nội dung, chọn lọc ý chính trong quá trình làm bài.”
Mỗi lớp được chia thành các nhóm nhỏ gồm 3 học sinh, mỗi nhóm sẽ được lựa chọn các chủ đề, chủ điểm mình đã học để xây dựng nên một bài thực hành hoàn chỉnh. Mỗi nhóm sẽ có 45 phút để lên ý tưởng cũng như hoàn thiện sản phẩm.
Khác với các trường THPT khác, học sinh FPT thường xuyên làm slide thuyết trình, có lớp học thiết kế trong khung giờ nghệ thuật, có câu lạc bộ F-Designers… nên đồ họa không còn quá xa lạ với các bạn. Vì vậy, khi nhận được đề bài các bạn nhanh nhẹn bắt tay vào làm, phân chia nhiệm vụ trong nhóm rất rõ ràng và đồng đều, mỗi bạn làm một việc rồi nhóm trưởng sẽ tổng hợp lại tạo nên một bài hoàn chỉnh.
Bạn Nguyễn Phú Minh Quân học sinh lớp 10A3 cho hay:“ Trong quá trình làm bài chúng em cũng gặp một số khó khăn như phải tìm hiểu những công cụ thiết kế, chọn lọc thông tin, hình ảnh thích hợp… Ngoài ra, chúng em còn phải điều chỉnh sao cho vừa đủ hình ảnh lẫn chữ viết, background, phông chữ, màu sắc sao cho đúng với nội dung, ý nghĩa của mục tiêu. Tuy nhiên, em và các bạn đã tập trung, liên kết với nhau cùng lọc ra những thông tin phù hợp cho bài học.”
Chỉ thực hiện trong một tiết học ngắn ngủi, song thành quả các bạn khiến cô giáo vô cùng bất ngờ. Những tác phẩm inforgraphic của các bạn rất khoa học, rõ ràng. Mỗi một nhóm thể hiện góc nhìn của mình bằng những phong cách thiết kế khác nhau.
Chẳng hạn như tại chủ đề “Ngành đường sắt” các bạn đã nếu rất đầy đủ những kiến thức cần nhớ trong bài như khái niệm, đặc điểm, ưu điểm, nhược điểm, vai trò, thực trạng của hình thức giao thông này. Ngoài ra minh họa bên cạnh mỗi phần kiến thức đều là cách hình ảnh liên quan vô cùng sống động.
Nói về cảm nhận của bản thân trước bài làm của học sinh cô Vân Anh chia sẻ: “Cô cảm thấy rất hài lòng và bất ngờ trước khả năng sáng tạo, năng động của học sinh FPT. Trong một thời gian ngắn như thế nhưng thành quả của các bạn rất đẹp và chỉn chu.”
Được biết cô Vân Anh đã chia sẻ phương pháp học mới lạ này cũng như bài làm của các bạn lên một group giáo viên Địa Lí khá nổi tiếng. Bài đăng của cô đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía các giáo viên trên khắp cả nước. Ngoài những bình luận khen, tán đồng hay cảm thấy bất ngờ về phương pháp dạy và học này của Fschool, cũng có những bình luận thể hiện sự tiếc nuối, ghen tị khi tại những cơ sở các giáo viên đó công tác, học sinh không được trang bị các kỹ năng để áp dụng phương pháp thú vị này.
Tại FSchool, các phương pháp dạy và học đều được thay đổi thường xuyên sao cho sáng tạo, kích thích được niềm yêu thích học hỏi cũng như phát huy được tính chủ động, khả năng làm việc nhóm của các học sinh. Có lẽ học theo các phương pháp mới, áp dụng các phương pháp sáng tạo và độc đáo đã tạo nên thương hiệu “trường học khác lạ” cho THPT FPT.
Bài: Hoài Linh
Chuyên mục: Tin FSchool Tin tức
Ngày đăng: 04/03/2019
Ngày cập nhật: 04/03/2019
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025