HỌC SINH THPT FPT “KHUẤY ĐỘNG” TAM ĐẢO ĐỂ BẢO VỆ GẤU
Cái lạnh của Hà Nội không làm giảm đi sự háo hức và nhiệt tình của các bạn học sinh THPT FPT dành cho chuyến thăm quan.
Cuối tuần vừa qua, 54 học sinh THPT FPT cùng các cô giáo bộ môn Địa lý và Sinh học đã có một chuyến thăm quan, tìm hiểu kiến thức cũng như có nhiều hoạt động bảo vệ loài gấu rất thiết thực.
Hơn 6h sáng, tất cả các bạn trong đoàn đã đến địa điểm hẹn đúng giờ, tư trang chỉn chu và bắt đầu cuộc hành trình lên Tam Đảo tìm hiểu về những chú gấu.
8h30 phút, cả đoàn THPT FPT đã có mặt giữa Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo và bắt đầu hành trình thăm quan nơi đây. Trung tâm đi vào hoạt động từ 4/2008, nằm ở vùng đệm của Vườn quốc gia Tam Đảo. Lúc đầu, trung tâm này có tổng diện tích là 1,2 ha với hơn 80 nhân công, được đầu tư với số tiền trên 3,3 triệu USD, có thể tiếp nhận 200 cá thể gấu cùng một lúc. Khu cứu hộ được xây dựng bao gồm 3 nhà cách ly, cứu hộ, nuôi nhốt gấu, khu chế biến thức ăn cho gấu, hệ thống xử lý nước thải hiện đại… Cuối 2013, khi giai đoạn 2 hoàn thành, toàn bộ trung tâm cứu hộ gấu đã rộng tới 12 ha với 10 khu nuôi gấu bán tự nhiên và 2 khu chăm sóc gấu đặc biệt. Hiện tại, trung tâm đủ khả năng tiếp nhận 250 cá thể gấu.
Tại đây, teen THPT FPT đã được tìm hiểu nhiều thông tin thú vị xung quanh loài gấu và số phận của chúng tại Việt Nam. Theo đó, tại Việt Nam có hai loài gấu đặc trưng là gấu chó và gấu ngựa, phân biệt dựa theo màu lông trên vành cổ, kích thước cũng như một số đặc điểm khác. Gấu là loài có khứu giác rất nhạy, thích việc leo trèo và di chuyển, là một loài động vật thông minh và hiền lành, được đưa vào danh sách động vật cần bảo vệ và nghiêm cấm các hoạt động săn bắt, mua bán, nuôi nhốt và vận chuyển gấu trái phép.
Một con số đáng giật mình là tại Việt Nam, ước tính có tới hơn 2400 cá thể gấu đang “sống mòn” với những điều kiện hết sức tồi tàn trong các trại gấu, bị con người hút mật cũng như bạo hành. Số lượng gấu ngoài tự nhiên chỉ còn hơn vài trăm cá thể và liên tục suy giảm, bị đe dọa do các hoạt động buôn bán trái phép. Vì thế, số phận của loài gấu tại Việt Nam đang bị đe dọa.
Theo chân hướng dẫn viên, cả đoàn đã được thăm quan khu vực bán tự nhiên của của trung tâm và theo dõi cảnh gấu ăn sáng, tìm hiểu về số phận của các loài gấu tại đây. Bạn nào cũng thích thú khi chứng kiến cảnh những chú gấu béo mập đủng đỉnh bước ra từ nơi trú ẩn, đi tìm thức ăn bằng việc sử dụng khứu giác cực nhạy của mình, chơi đùa với các công cụ, đồ chơi được nhân viên chuẩn bị. Các bạn ấy cũng được dịp quan sát, so sánh và phân biệt các loại gấu thông qua hình thể và thói quen kiếm ăn.
Lồng ghép vào lời dẫn một số trường hợp thương tâm của các chú gấu khi được đưa về đây như: Một chú gấu con được giải cứu trên ba lô của một kẻ vận chuyển gấu khi đang cố sang Lào, một chú khác bị nuôi nhốt đến 14 năm sau một căn bếp và không hề nhìn thấy ánh mặt trời trong suốt thời gian đó nên mắt gần như bị mù… các bạn học sinh THPT FPT đã hiểu rõ hơn về số phận của loài gấu tại Việt Nam cũng như ý thức được việc phải bảo vệ loài động vật đáng yêu này.
Trước khi rời Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo, đoàn FSchool đã tham gia một hoạt động rất thú vị là làm bóng cho gấu. Loài gấu rất thích chơi với những quả bóng bọc giấy rực rỡ màu sắc này, teen FSchool nào cũng háo hức tham gia với bột màu, bóng bay và giấy báo.
Rời Trung tâm cứu hộ gấu, cả đoàn đã dừng chân tại nhà thờ trung tâm thị trấn Tam Đảo. Tại đây những điệu nhạc vui nhộn từ đoàn vang lên đã thu hút sự quan tâm từ khách thăm quan, du lịch xung quanh. Các teen FSchool đã có một màn Flashmob sôi động và một chú “gấu” thật bự làm hoạt náo chính. Một nhóm khác phụ trách việc phát tờ rơi và giới thiệu về đoàn, mục đích hoạt động của các em cũng như tuyên truyền về việc nâng cao ý thức bảo vệ loài gấu tại Việt Nam.
Những bước nhảy tự tin, không khí vui tươi và chú gấu lớn ngộ nghĩnh đã nhanh chóng khiến người dân thị trấn mù sương cũng như khách du lịch hứng thú. Rất nhiều người đã có những tấm hình ngộ nghĩnh với bạn gấu lớn, nhiều thông điệp đã được truyền đi.
Lê Việt Dũng lớp 11 A3, bạn học sinh đóng vai chú gấu hồ hởi: “Em thấy rất vui vì việc làm linh vật là một điều hạnh phúc. Dù bộ lông rất nặng, nhảy một lúc là mướt mồ hôi nhưng em thấy việc này có ý nghĩa vì mình đã góp phần cùng các bạn truyền thông điệp chúng ta phải bảo vệ gấu đến tất cả mọi người.”
Hoạt động truyền thông tại thị trấn đã kết thúc, cả đoàn rời Tam Đảo trong niềm vui hân hoan. Trở về từ chuyến đi, các bạn học sinh thăm quan sẽ là nhân tố chính tổ chức triển lãm bảo vệ động vật hoang dã ở trường ngày 22/11 sắp tới.
Bài: Mai Phương. Ảnh – Nguyễn Minh Tuấn 11A4
Chuyên mục: Tin tức
Ngày đăng: 14/11/2016
Ngày cập nhật: 09/01/2017
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025