K6 học cách nhận diện và phòng ngừa hiểm họa ma túy
Trong tháng 8, trường THPT FPT đã kết hợp với các giảng viên của Khoa Cảnh sát Phòng chống tội phạm Ma túy – Học viện Cảnh sát nhân dân tổ chức buổi talkshow “Ma túy: Nhận diện và Phòng ngừa” với những nội dung ý nghĩa, thiết thực dành cho các bạn tân học sinh K6.
Ngày nay, ma túy rất dễ bị nhầm lẫn vì được chế biến phong phú hơn, dễ trà trộn vào thức ăn, nước uống hơn. Điều đó khiến chúng ta dễ hiểu lầm rằng ma túy truyền thống mới nguy hiểm còn những hình thức khác thì không, thậm chí còn không nhận diện được các loại ma tuý.
Để giải đáp những câu hỏi cũng như những lầm tưởng về ma túy của các học sinh, Trung úy Trần Trung Hiếu và Trung úy Nguyễn Thái Cơ đã đưa ra những thông tin mới, đầy đủ về các dạng ma túy trong buổi talkshow.
“Thực trạng hiện nay, 1600 người tử vong do sốc ma túy quá liều, 9300 người nghiện ma túy. Năm 2017, trên 6 tỉnh thành phố ở Việt Nam theo bảng thống kê những người sử dụng trái phép chất ma túy chiếm 0,66% dân số trong nước ở độ tuổi từ 15 đến 64 tuổi. Trong đó 8% dưới 18 tuổi, 60% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi”. Đó là những con số mà các thầy cô đưa ra khiến các bạn K6 “hoảng sợ”.
Buổi talkshow đạt hiệu quả cao hơn khi ngay phần đầu tiên, các bạn học sinh được giao lưu với thầy cô trong minigame “Nhìn hình đoán chữ” nhằm nhận diện các loại ma túy.
Cần sa là một loại ma túy phổ biến nhưng không phải ai cũng biết và hiểu rõ về nó. Vậy cần sa là gì? Cần sa gây nghiện hay chỉ nhẹ như thuốc lá?
Nhiều câu trả lời được các bạn học sinh đưa ra :”Em nghĩ là ăn cần sa sẽ cảm thấy phê phê” , “Em nghĩ chắc cần sa chỉ là cây thuốc độc thôi ăn vào sẽ chết.” Hay thậm chí có những câu trả lời như “em không biết về cần sa”.
“Nhưng thật sự cần sa nó vẫn được trồng ở một vài nước Châu Âu như Hà Lan, Mexico… Tuy nhiên ở Việt Nam thì cây cần sa bị cấm trồng vì đa số mọi người dùng nó để buôn bán bất hợp pháp và đặc biệt việc sử dụng quá liều cần sa sẽ gây nghiện. Cần sa ảnh hưởng mạnh đến thần kinh, cảm nhận, tâm thần, hại cơ thể như hô hấp, sinh dục, tim mạch và hệ tuần hoàn. Vì vậy, cần sa là dạng ma túy nhà nước nghiêm cấm tàng trữ và sử dụng. Tuy nhiên, giới trẻ hiện nay luôn lầm tưởng dùng cần sa để tạo cảm giác khoan khoái. Đó chỉ là cảm giác ban đầu vì càng về sau, cần sa sẽ hủy diệt cơ thể lẫn tinh thần người sử dụng, dẫn đến việc không kiểm soát được hành động và vi phạm pháp luật.” – Trung úy Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ.
Những thông tin của thầy Hiếu đã giúp các bạn K6 hiểu rõ về những tác hại của cần sa. Để các bạn nhận diện rõ về cần sa hơn, thầy Nguyễn Thái Cơ đã đưa cho các bạn xem trực tiếp một lượng cần sa khô và tinh dầu của chúng.
Ngoài cần sa thì cỏ Mỹ cũng vô cùng độc hại. Sử dụng cỏ Mỹ gây ra ảo giác cực mạnh, loạn thần dễ kích động, gây ra nhức đầu dẫn tới trầm cảm. “Cỏ Mỹ” không có nguồn gốc tự nhiên mà được bào chế (bất hợp pháp) thành dẫn xuất của những nhóm hóa chất đặc biệt, có tác dụng gây ảo giác cho người sử dụng giống như cần sa. Vì vậy, “cỏ Mỹ” còn được gọi là cần sa tổng hợp. “Cỏ Mỹ” được đóng gói dưới dạng các gói thực vật khô, cắt nhỏ, tẩm mùi thơm đặc trưng, với các nhãn hiệu ghi trên bao bì là K2/spice, Fake week, Moon Rock… Như vậy, thực chất “cỏ Mỹ” là hỗn hợp thảo dược được tẩm ướp hóa chất cho cảm giác giống như cần sa.
Loại ma túy có dạng bột trắng là Heroin, thuộc loại ma túy bán tổng hợp. Heroin khá phổ biến, đa phần được sử dụng bởi giới trẻ. Tác hại nguy hiểm nhất của Heroin chính là gây ra nguy cơ nhiễm HIV vì sử dụng kim tiêm chung.
Chỉ mới tìm hiểu tới 3 loại ma túy trên mà không ít bạn K6 “xanh mặt” về những tác hại của chúng. Một bạn nữ lớp 10A3 chia sẻ: “Bình thường em cũng biết là ma túy rất nguy hiểm và gây nghiện, tuy nhiên hôm nay khi được thầy và cô tìm hiểm kỹ hơn về ma túy em mới thấy rõ được những tác hại thật sự của nó. Em thấy sợ về các chất gây nghiện nói trên, ngoài ra em còn nghe tới những loại khác như ma túy đá, thuốc lắc. Em muốn tìm hiểu rõ hơn về chúng”.
Để giải đáp thắc mắc của học sinh, thầy cô đã đưa ra những dẫn chứng về tác hại của thuốc lắc: thuốc lắc gây chán nản, chán ăn, tinh thần đi xuống, mệt mỏi, loạn tinh thần, gây ảo giác. Thuốc lắc đã nguy hiểm thì ma túy đá còn nguy hiểm hơn gấp nhiều lần.
Ma túy đá đã được chứng minh nguy hiểm hơn Heroin. Ma túy đá ở dạng tinh thể nhỏ giống viên đá và màu trắng. Sử dụng ma túy đá rất dễ gây dãn đồng tử, thở gấp, sốt cao… Thuốc lắc và ma túy đá đều có tác hại gần giống như các loại ma túy khác nên tuyệt đối cấm sử dụng vì nó có thể tàn phá cơ thể cho tới chết.
Ma túy vô cùng khó kiểm soát bởi vì ma túy được xử lí ngày càng tinh vi hơn nhiều, nhiều loại mới hơn, khó quản lý hơn như tem lưỡi, muối tắm, hồng phiến, snapchat, bóng cười, bánh cười, nước ma túy… Đây chính là những dạng ma túy gây ra lầm tưởng trong giới trẻ hiện nay. Vì thiếu kiến thức nên không ít các bạn học sinh, sinh viên đã sử dụng các chất ma túy mới trên, đặc biệt là tem lưỡi và bóng cười.
Dưới mỗi con tem giấy đã được tẩm chất LSD – một chất ma tuý gây ảo giác. Vì thế nó là một phần nguyên nhân khiến các bạn trẻ thích thú, bị cuốn hút với trò chơi này.
Còn bóng cười là loại chất kích thích phổ biến ở các quán cà phê, quán bar, khiến người dùng cảm thấy vui vẻ, sảng khoái hơn. Nhưng lạm dụng “khí cười” sẽ dẫn tới cảm giác châm chích ở đầu chi và đi đứng loạng choạng, các rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ và các rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp, thiếu máu, thiếu B12.
Ngoài việc nhận biết các dạng ma túy, các bạn học sinh còn được học cách phòng tránh, ứng biến khi bị lôi kéo vào con đường nghiện gập. K6 được đặt vào những câu hỏi thực tế: Làm thế nào để từ chối khi bị ép sử dụng chất kích thích, làm thế nào để khuyên ngăn bạn bè khi họ dính phải thuốc kích thích và làm thế nào để tuyên truyền tránh xa ma túy với mọi người?
Sau đó, các em lần lượt chia sẻ câu chuyện, suy nghĩ của mình trước những vấn đề thầy cô đưa ra.
“Một người bạn đã đưa em dùng thử cỏ Mỹ và em đã từ chối lời đề nghị của bạn. Tuy nhiên em nhận lại sự tức giận của đối phương. Em đã rất hoảng sợ nhưng vẫn cố bình tình ngồi lại nói chuyện nhẹ nhàng. Nhân lúc người đó đi lấy dụng cụ để sử dụng em đã chạy thoát khỏi chỗ đó. Cho đế bây giờ em nghĩ lại vẫn còn rất sợ và hoang mang.”
“Em cũng từng biết một người bạn có sử dụng thuốc kích thích nhưng không quá nhiều. Em đã khuyên ngăn bạn bằng những tác hại và hậu quả mà nó mang lại. Tuy nhiên, một mình em không thể thuyết phục nên em đã chia sẻ với gia đình bạn. Chúng ta không nên tránh xa hay thù ghét ai đó khi họ có dấu hiệu sử dụng chất gây nghiện. Em nghĩ vẫn nên gần gũi và khuyên ngăn, nếu một người không thể thì nhiều người sẽ làm được.”
“Sau buổi hôm nay em sẽ về và chia sẻ cho mọi người về kiến thức ma túy để mọi người như gia đình bạn bè anh chị xung quanh em hiểu rõ hơn.”
Buổi trò chuyện cởi mở về vấn đề ma túy kết thúc với rất nhiều chia sẻ hữu ích của thầy cô và các bạn học sinh. Mong rằng với những kiến thức đã được trang bị, các em có thể nhận diện ma túy và giữ vững bản lĩnh để không bị lôi kéo vào con đường nguy hiểm này.
Kiều Oanh
Chuyên mục: Tin FSchool Tin tức
Ngày đăng: 28/08/2018
Ngày cập nhật: 28/08/2018
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025