Kịch câm trên con đường giáo dục cho học sinh phổ thông
Nghệ sĩ Hoàng Tùng – Phó đoàn Kịch Thể nghiệm của Nhà hát Tuổi Trẻ Hà Nội – được biết đến như người "cô đơn cùng kịch câm" trên sân khấu thủ đô hôm nay. Trên con đường mang kịch câm trở lại của mình, anh đã chọn điểm đến tiếp theo là giới trẻ nói chung và học sinh nói riêng.
Hoàng Tùng đặc biệt quan tâm đến học sinh phổ thông trung học với mong muốn nhóm đối tượng này mở rộng tâm hồn, trái tim khi thưởng thức nghệ thuật. Dần dần nghệ thuật sẽ gieo môi trường tích cực vào con người và trở thành thứ “giáo dục ẩn danh” giúp học sinh sống tốt, sống có ích trong xã hội.
Nhận lời mời đến với học sinh THPT FPT trong khuôn khổ ngày hội nghệ thuật của ngôi trường này, anh sắp xếp công việc tham gia ngay. Nghệ sĩ kịch câm chủ động mang đến khán giả ở độ tuổi này những “món dễ ăn, hợp khẩu vị” như tiểu phẩm “Cánh chim”, “Tự sướng”, “Nhật ký của một bà mẹ”.
Nghệ sĩ kịch câm Hoàng Tùng trong tiểu phẩm Cánh chim trên sân khấu Ngày hội nghệ thuật tại trường THPT FPT
Nội dung của các vở kịch ngắn này hòa quyện giữa yếu tố bi và hài nhưng cũng rất gần gũi với thế giới học trò. Mỗi tiểu phẩm là một câu chuyện chắt lọc từ lát cắt cuộc sống. Nếu như “Tự sướng” khiến các bạn học sinh nhìn thấy chính bản thân mình trong sự thái quá của trào lưu chụp ảnh selfie; tiều phẩm “Nhật ký của một bà mẹ” là tiếng cười nhẹ nhàng, và lấy nước mắt của học sinh tự lúc nào không hay thì câu chuyện về tình bạn giữa một chú chim nhỏ với một con người trong “Cánh chim” lại khiến người xem ngồi chết lặng hoàn toàn và thổn thức đến rơi lệ ở phần cuối. Tất cả điều đó được thể hiện qua động tác hình thể, biểu cảm, nét mặt và những chuyển động trên sân khấu của Hoàng Tùng.
Chính vì thế, các tiết mục biểu diễn đã thổi một làn gió mới vào tâm hồn học trò – lứa tuổi từ trước đến giờ khó biết đến sự tồn tại của nghệ thuật kịch câm. Nguyễn Đoàn Hải học sinh khối 10 trường THPT FPT đã khóc sau khi xem tiểu phẩm “Nhật ký của một bà mẹ”, em bộc bạch: "Nhà em ở Hải Dương. Đi học xa nên em càng thấy thương bố mẹ hơn sau khi xem xong vở kịch. Em sẽ cố gắng học tốt Tiếng Anh để có thể đi du học, không phụ công lao của cha mẹ và tập ghi-ta chăm chỉ để theo đuổi đam mê của riêng mình". Đối với Tuấn Kiệt học sinh lớp 11, em ấn tượng sâu sắc về tình yêu thương, sự hi sinh, truyền cảm hứng của nhân vật trong tiểu phẩm Cánh chim. Kiệt tâm sự: “Em cảm thấy rất ngưỡng mộ nhân vật vì đã cứu chú chim. Chú chim như một hi vọng bay lên trời cao và sự hi sinh của nhân vật là để cứu lấy tự do cho chú chim và cho chính mình”. Hoàng Tùng không áp đặt suy nghĩ đúng sai lên người xem mà muốn học sinh tự do thưởng thức nghệ thuật và có được bài học riêng cho mình.
Hoàng Tùng truyền đam mê kịch câm cho thế hệ học sinh phổ thông
Không chỉ diễn kịch, nghệ sĩ Hoàng Tùng còn truyền đam mê kịch câm cho thế hệ trẻ. Bước đầu, anh giúp học sinh trải nghiệm một số động tác kĩ thuật cơ bản của bộ môn kịch câm với mục đích học sinh quan tâm đến cơ thể và có thể kiểm soát ngôn ngữ cơ thể mình trong cuộc sống tốt hơn. Anh vui mừng vì học sinh cởi mở, sẵn sàng tiếp thu cái mới, chăm chú vào từng động tác làm quen với mặt phẳng, đi đứng trong kịch câm, chạy tại chỗ, kéo dây… Bạn Nguyễn Thắng – học sinh khối 12 trường THPT FPT chia sẻ những gì học được qua hội thảo kịch câm với nghệ sĩ Hoàng Tùng: “các động tác trong kịch câm rất khó, dễ khiến người tập bị mỏi cơ khi mới làm quen. Nhưng em sẽ tiếp tục tìm lớp để theo học môn nghệ thuật này vì yêu thích. Bên cạnh đó, nó giúp cho em diễn kịch nói chuyên nghiệp hơn, biết tưởng tượng, tận dụng những điều cơ bản và đưa chúng đi sâu vào tâm hồn mình”
Học sinh THPT FPT chăm chú lắng nghe hướng dẫn và thực hiện theo từng động tác cơ bản của nghệ sĩ Hoàng Tùng
Lần đầu tiên đến trường, các em học sinh còn bỡ ngỡ, lạ lùng với loại kịch này, đến lần thứ hai Hoàng Tùng xuất hiện, nhiều em nhận ra anh ngay. Đến khi anh biểu diễn, ai nấy đều im lặng theo dõi từng động tác, diễn xuất của anh trong vở kịch. Điều này làm người nghệ sĩ có tâm như Hoàng Tùng hạnh phúc lắm. Anh mong rằng, sẽ có thêm nhiều trường phổ thông trên cả nước quan tâm đến kịch câm nói riêng và nghệ thuật nói chung để Hoàng Tùng có cơ hội mang kịch câm đến trực tiếp với người xem kịch trẻ, để họ thêm yêu và mở tấm lòng mình.
Kế hoạch tiếp theo của Hoàng Tùng trên con đường chinh phục khán giả trẻ là sáng tạo ra các tiểu phẩm gần gũi, cách thể hiện hài hước dễ dàng tiếp cận đối tượng này hơn. Anh cũng có kế hoạch phát triển kịch câm các kênh mạng xã hội như youtube, facebook để đưa tiểu phẩm của mình đến gần hơn, nhanh hơn và chủ động hơn tới các bạn học sinh.
Bình Nguyên
Chuyên mục: Tin tức
Ngày đăng: 12/11/2015
Ngày cập nhật: 11/11/2015
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2025 - 2026