Em thưa cô, làm cách nào để công khai giới tính và được bố mẹ chấp nhận ạ? (Bạn nữ lớp 10)
Click vào Đây để nghe phiên bản radio
Em thân mến,
Qua thư em, cô hiểu được phần nào cảm giác bối rối em đang có khi không biết cách thức nói ra giới tính thực sự của mình, cũng như có được sự chấp nhận từ bố mẹ!
Với câu hỏi của em cô hình dung đến hai phương án. Một là em sinh ra với giới tính là nữ, nhưng em đang nhìn nhận mình là nam. Em muốn sống thật với giới tính mà em nghĩ đáng lẽ mình phải thuộc về. Thứ hai, em đang nói đến khuynh hướng tình dục của mình. Em muốn nói với mọi người rằng em có người yêu cùng giới và muốn nhận được sự đồng thuận từ bố mẹ. Em đang muốn đề cập đến điều gì trong số hai điều trên, hay em muốn đề cập đến cả hai?
Hơn ai hết, hẳn em biết rằng giới tính, nhân dạng giới, hay khuynh hướng tình dục là tự nhiên và chúng ta hoàn toàn không có quyền lựa chọn điều đó. Trong quá trình lớn lên, một số người nhận ra mình không phải theo khuynh hướng tình dục dị tính, hoặc cảm nhận về giới tính của bản thân trái ngược với giới sinh học của mình. Có người cảm nhận điều đó từ sớm, có những người muộn hơn. Chỉ có điều để có thể chắc chắn cho câu trả lời mình là ai thì cần thời gian, cần sự trưởng thành của mỗi người để những cảm nhận được kiểm nghiệm qua thời gian, những quyết định được đưa ra mà không phải hối tiếc. Và khi đó, những khó khăn, thử thách có chất chồng thì chúng ta cũng đủ vững vàng để đối mặt.
Hiện nay, với những thông tin khoa học, xã hội đã có cái nhìn cởi mở hơn trong các vấn đề về giới, nhân dạng giới và khuynh hướng tình dục. Nhưng dưới góc độ của những người làm cha mẹ thì đôi khi chấp nhận thực tế con mình khác với đa số cũng không dễ dàng gì. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng lo sợ rằng con mình sẽ phải đối diện với sự bàn tán, hoặc thậm chí là kỳ thị tới từ xã hội. Khi đặt mình vào vị trí của họ, hẳn em cũng hiểu được phần nào những khó khăn của những người làm cha mẹ phải không em?
Hiểu nỗi lòng của bố mẹ, hiểu khó khăn thử thách mà mình phải đối mặt, một số người trong trường hợp này chọn cách im lặng và sống như gia đình và xã hội mong đợi. Khi trưởng thành, họ hiểu rõ bản thân có nhân dạng giới khác với giới tính sinh học sinh ra đã có, họ biết mình không thể kết hôn với người khác giới tính, nhưng họ vẫn lập gia đình và sinh con như bao nhiêu cặp đôi khác. Tuy nhiên, hầu hết những cuộc hôn nhân này đều dẫn tới đổ vỡ hoặc cuộc sống hôn nhân được duy trì, nhưng chứa đựng nhiều đau khổ và tổn thương.
Một hướng đi nhận đau khổ về phía mình và đó được cho là sự hy sinh. Nhưng ngày nay ít người chọn phương án đó bởi họ hiểu rất rõ, sự hy sinh ấy nhiều khi là vô nghĩa vì làm như vậy không phải mình họ đau khổ, người đồng hành cùng họ trên đường đời cũng đau khổ không kém. Bố mẹ của họ, cũng như những đứa con được sinh ra, không ai thấy sung sướng gì khi sống trong một bối cảnh mà họ xây lên để làm vỏ bọc cho bản thân mình.
Cũng có bạn nghĩ sẽ công khai với mọi người và gia đình ngay giai đoạn này. Vì họ tin mình đã nhận ra những khác biệt của bản thân từ rất sớm, họ chắc chắn với khác biệt của mình thì chọn đối mặt với khó khăn để được sống là chính mình từ sớm cũng là một hướng đi. Nhưng, cái bất lợi mà họ thường gặp là những cảm nhận đang có chưa chắc đã bền vững. Những gì họ đang nghĩ chưa chắc đã là sự thật về bản thân mình. Vì cuộc sống và con người thực sự rất đa dạng: trong âm có dương, trong nữ có nam, trong nước có lửa… và ngược lại, chứ hiếm khi rạch ròi từng thứ, nên cũng dễ gây ra nhầm lẫn. Đặc biệt, giai đoạn vị thành niên là giai đoạn dễ nhầm lẫn về xúc cảm, cảm xúc nhiều nhất.
Vì thế, để chính mình không phải hối tiếc và bản thân không phải đối mặt với thách thức không đáng có, nhiều người quyết định cho mình thêm thời gian để cảm nhận và trải nghiệm, để nếu cần công khai, thì những gì đã trải qua đủ để họ tự tin bảo vệ bản thân và được sống là chính mình. Còn em, em có nghĩ mình cần thêm thời gian không? Em có thấy, mọi quyết định và sự đối mặt với thách thức nếu có, nên để đến lúc mình vững vàng hơn và có khả năng tự chịu trách nhiệm hơn không?
Một phụ huynh gần đây có comment rằng: “cô Phùng Hiên như cô tiên của các con vậy”. Đó là câu nói đùa, là một lời động viên, nhưng quả thực cô ước câu nói trên là sự thực. Bởi nếu vậy cô sẽ có phép màu để biến những mong đợi của các em thành hiện thực, để nếu em thực sự rất hiểu bản thân, em quyết định nói với bố mẹ thì bố mẹ sẽ đón nhận em với tất cả những gì đang thuộc về em ở hiện tại. Nhưng, không có một phép màu như thế, và cô cũng không phải là bố mẹ em, nên không biết chắc sẽ có điều gì diễn ra khi em nói với gia đình về giới tính thực của mình trong giai đoạn này.
Vì thế, trong tình huống em thấy chắc chắn những gì em cảm nhận về bản thân và nhận thấy nhu cầu được công khai, được nói với bố mẹ là cấp thiết, em có thể tham khảo cách mà những người trong tình huống của em đã sử dụng. Họ bắt đầu bằng việc “thăm dò” bố mẹ mình trước khi công khai, tìm hiểu xem bố mẹ nghĩ thế nào về cộng đồng người đồng tính nữ – Les, đồng tính nam – Gay, song tính – Bisexual và chuyển giới – Transgender (LGBT)? Hoặc đơn giản là kể bâng quơ một vài câu chuyện và xem xét phản ứng của bố mẹ khi nghe những câu chuyện đó.
Nếu như bố mẹ có thái độ ủng hộ, không phán xét, đánh giá thì việc công khai sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Với những bố mẹ như thế này, chỉ cần chuẩn bị tâm thế cho họ tiếp nhận việc con của mình cũng là một phần của cộng đồng LGBT mà thôi. Các bạn ấy sẽ có những cách khéo léo ngầm thông báo cho bố mẹ biết như là đặt một số tài liệu về LGBT ở những chỗ bố mẹ dễ thấy hoặc rủ bố mẹ cùng xem một bộ phim về đề tài này chẳng hạn.
Đối với các bạn mà bố mẹ tỏ thái độ không ủng hộ hoặc thậm chí kỳ thị LGBT thì việc công khai chắc hẳn sẽ rất khó khăn. Những bạn ở trường hợp này ngoài việc chuẩn bị tâm thế cho bố mẹ còn phải nghĩ cách làm sao “vô tình” cung cấp cho bố mẹ kiến thức chính xác về cộng đồng này nữa cơ. Ví dụ như nhờ một người lớn mà các bạn ấy tin tưởng cũng như có tiếng nói với bố mẹ của mình làm cầu nối. Có bạn lại chọn cách công khai với bố hoặc mẹ trước – người mà bạn ấy thực sự gần gũi, người có thể thấu hiểu, chấp nhận con người của bạn ấy một cách nhanh chóng hơn.
Trong cả hai trường hợp, khi thời cơ “chín muồi” các bạn ấy sẽ hẹn bố mẹ mình để có một buổi nói chuyện thực sự nghiêm túc. Có thể cân nhắc viết ra trước tất cả những điều mà mình định nói. Và trong mọi trường hợp thì cách giao tiếp kiên định – nói một cách chính xác tất cả những cảm xúc, suy nghĩ của mình ra luôn luôn là phương pháp giao tiếp hiệu quả. Có thể bố mẹ sẽ bị sốc sau khi biết được điều này, bố mẹ sẽ nói hoặc có những hành động làm mình thất vọng hoặc bị tổn thương… và có thể còn có những điều chúng ta chưa thể lường trước được.
Nhưng, muốn bố mẹ có thể đặt mình vào vị trí của con cái để cảm thông, thì mỗi chúng ta cũng cần đặt mình vào vị trí của bố mẹ để hiểu những khó khăn, những cảm xúc rối bời của người lớn trong tình huống như thế này. Theo đó, chấp nhận cảm xúc của bố mẹ và cho họ thêm thời gian để bình ổn cảm xúc là cần thiết. Không phải là rất nhiều, nhưng ngày nay có những bố mẹ đã vượt qua được khó khăn và chấp nhận con mình như con vốn có đấy em ạ.
Cô và em không có phép màu, nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta tin tưởng và hy vọng vào sự chấp nhận đến từ tình yêu thương vô điều kiện của các bậc sinh thành.
Quyết định của em như thế nào? Cho dù sự lựa chọn của em là gì thì tình huống em trải nghiệm cũng không dễ dàng với bất kỳ ai. Mong em đủ mạnh để đối diện với những khó khăn phía trước, đủ sáng suốt để đưa ra được lựa chọn ít nhược điểm nhất với mình!
Chúc em luôn vui vẻ và nhận được thật nhiều điều tốt lành!
PHỤ TRÁCH CHUYÊN MỤC
Cô Phùng Hiên – Thạc sĩ tư vấn tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên
Liên hệ tư vấn trực tiếp:
Phòng PDP – Phòng 106, tòa nhà Beta
Hoặc qua kênh online:
https://www.facebook.com/phung.hien.18
[email protected]